Sau một ngày làm việc, chiều 6/9, Hội nghị Bộ trưởng APEC về phát triển nguồn nhân lực lần thứ 6 đã đưa ra tuyên bố chung với khẳng định sẽ tăng cường chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo tuyên bố chung này, các thành viên APEC sẽ tạo điều kiện dịch chuyển lao động, phát triển kỹ năng và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào phát triển kinh tế.

Các thành viên APEC sẽ thúc đẩy việc làm chất lượng và tăng cường kết nối con người thông qua phát triển nguồn nhân lực. 

{keywords}

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị

Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Bên cạnh đó, tuyên bố chung cũng khẳng định tầm quan trọng của việc hỗ trợ toàn diện và bền vững nhằm giải quyết hệ quả xã hội của toàn cầu hóa, bao gồm cả vấn đề bình đẳng và nhu cầu của các nhóm yếu thế như thanh niên và người tàn tật.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Bùi Quang Vinh, đại diện các Bộ trưởng APEC đưa ra tuyên bố chung, cho biết: Các đại biểu đều nhất trí rằng mặc dù có nhiều khác biệt về trình độ, các nền kinh tế APEC đều cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với những thế mạnh riêng để vừa có thể cạnh tranh, vừa hợp tác hiệu quả trong bối cảnh hiện nay. Nhiều vấn đề về lao động, việc làm có tính khu vực, toàn cầu đang cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nền kinh tế thành viên APEC để giải quyết.

Phát triển nguồn nhân lực là chìa khóa để các nền kinh tế APEC tiếp tục trở thành động lực tăng trưởng của thế giới và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Trước đó, trong phiên khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng.

Thủ tướng khẳng định, nguồn nhân lực có vai trò quan trọng hàng đầu để duy trì sự năng động và tăng trưởng nhanh của khu vực này trong giai đoạn phát triển vừa qua. APEC đã chú trọng phát huy hiệu quả nguồn nhân lực dồi dào với trình độ kỹ năng ngày càng cao đi đôi với phát triển khung khổ thể chế phù hợp. Các chương trình, dự án và các sáng kiến hợp tác của APEC đã góp phần tạo thêm nhiều việc làm, nhất là cho thanh niên, đáp ứng yêu cầu của chuỗi cung ứng quốc tế, tăng cường lợi thế cạnh tranh của các nền kinh tế APEC.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thất nghiệp còn cao, mất cân bằng cung – cầu lao động tay nghề cao, bất ổn xã hội và nhiều rủi ro tiểm ẩn. Đây là những vấn đề phải được giải quyết ở tầm quốc gia, khu vực và toàn cầu. 

Với vai trò của mình, APEC cần tăng cường hơn nữa các hoạt động liên kết hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, nhất là trong phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích sự năng động, sáng tạo và tăng cường kết nối con người..., coi đó là những biện pháp quan trọng để tái cơ cấu, phục hồi tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển con người.

Thủ tưởng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định sau 30 năm đổi mới Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam đã xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một khâu đột phá chiến lược để phát triển bền vững kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hướng tới mục tiêu thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, đây là cơ hội, lợi thế quan trọng để Việt Nam phải nỗ lực phát huy nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực quốc gia, góp phần phát triển nhanh, hiệu quả và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng vào các cơ chế hợp tác, liên kết khu vực và quốc tế, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các Hiệp định thương mại tự do có những yêu cầu và tiêu chuẩn cao về nguồn nhân lực.

Hội nghị Bộ trưởng về phát triển nguồn nhân lực APEC lần thứ 6 có sự tham gia của 200 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC, Ban thư ký APEC, Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC, Tổ chức lao động quốc tế (ILO)...

Ngân Anh