- Là một phụ huynh có con trong lứa tuổi tiểu học, tôi theo dõi câu chuyện về bài toán tính gà trên quý báo với sự quan tâm sâu sắc. Theo tôi đây là vấn đề tưởng như là nhỏ nhưng không hề nhỏ và cảm ơn quý báo đã dành thời gian nêu lên vấn đề, cập nhật, và tổng hợp thông tin nhiều chiều về vấn đề này.

Nói là vấn đề không hề nhỏ vì vấn đề đem ra thảo luận ở đây không chỉ thuần túy là một bài toán lớp 3 mà là vấn đề lớn hơn về cách dạy và cách tư duy ở bậc tiểu học.

{keywords}

Bài toán đang gây tranh cãi về đáp án nào đúng, đáp án nào sai

Tôi đã đọc ý kiến của các giảng viên tiến sỹ khoa giáo dục tiểu học trường đại học sư phạm Hà Nội, của chuyên gia đại số, cũng như mới đây nhất là của một nhà giáo kỳ cựu nổi tiếng trong lĩnh vực giáo dục.

Một cách khách quan, tôi nhận thấy tất cả các giảng viên Đại học Sư phạm và cả chuyên gia đại số, đều nhấn mạnh về việc hiểu đúng bản chất và cách tính của bài toán này. Trái với sự nhầm lẫn của một số ý kiến cá nhân cho rằng cả hai đáp án 4 x 8 hay 8 x 4 đều đúng, ở đây không có sự bất đồng về việc cho cả 2 đáp án đều đúng, mà thống nhất chỉ có 1 đáp án đúng vì về con số tính ra trong 2 cách viết là bằng nhau nhưng ý nghĩa của 2 phép tính là khác nhau.

Và tôi cho rằng tất cả các giảng viên, chuyên gia đại số, và tất cả chúng ta nữa, đều không thể phản đối rằng tư duy cơ bản, bước đầu tiên để giải bài toán phải là tư duy 8+8+8+8 = 32 con gà. Đây là tư duy lõi, phép nhân tròn số là ký hiệu rút gon của phép cộng, trong đó thể hiện rõ con số gốc và số lần lặp lại.

Mấu chốt ở đây là 8 + 8 + 8 + 8 thì viết ký hiệu là 8 x 4 hay 4 x 8 ? Nếu đọc lên thành chữ thì đọc phép nhân thế nào ?

Viết là 8 + 8 + 8 + 8 = 8 x 4 hay 8 + 8 + 8 + 8 = 4 x 8 là quy ước. Và đã là quy ước thì chúng ta có thể tự đặt ra quy ước. Nhưng tôi đồng cảm hoàn toàn, và cho rằng nhiều bạn cũng đồng cảm có tính nguyên tắc với ý kiến của chuyên gia là: quy ước chúng ta dùng phải đồng thuận về mặt quốc tế, là quy ước chuẩn được sử dụng nhiều trên thế giới. Vì sao? Vì trong thế giới phẳng này, trong thế giới giao lưu hội nhập với nước ngoài, nếu chúng ta dùng quy ước hợp với quốc tế thì sau này con em chúng ta sẽ thuận tiện hơn rất nhiều trong việc tiếp thu kiến thức và giao tiếp với thế giới.

Và trên thế giới, quy ước chuẩn là viết 8 + 8 + 8 + 8 = 4 x 8, đọc là “4 lần 8”, “4 times 8”, trong đó phải hiểu là số 8 được cộng 4 lần. Nghĩa là đã viết 4 x 8 thì dịch ngược lại phải là 8 + 8 + 8 + 8, còn viết 8 x 4 thì dịch ngược lại là 4 + 4 + … + 4 (8 lần). Và ở đây là quy tắc nhất quán, chứ không phải phân biệt số học hay đại số, không phải phân biệt tiểu học hay đại học. Để lấy làm một minh chứng cụ thể, đây là quy ước của chương trình toán chuẩn tiểu học của bang Massachuset, Mỹ và là chuẩn Common Core Standard của nước Mỹ (bạn nào muốn tìm hiểu thêm có thể google). Cũng có một số website hay một số tài liệu tiếng Anh, thậm chí sách tiếng Anh viết 8 + 8 + 8 + 8 = 8 x 4 nhưng đây không phải là các tài liệu chuẩn ở nước ngoài.

Các giáo viên đọc “8 gấp lên 4 lần” là cách đọc hoàn toàn đúng về ngữ pháp, về ý nghĩa phù hợp là công con số 8 lên 4 lần, nhưng về ký hiệu thì phải viết là 4 x 8 (phải qui ước viết con số lần lên trước), phải hiểu là “8 gấp lên 4 lần” tương đương với “4 lần 8”. Chứ không phải đọc là “8 gấp lên 4 lần” thì thay chữ “gấp” bằng dấu nhân (x) và viết là 8 x 4 !

Kiến thức cộng và nhân toán là một trong những kiến thức cơ bản và hữu ích nhất, thậm chí là những kiến thức sẽ đi theo ta suốt đời trong bất kể ngành nào. Đặc biệt kiến thức cộng và nhân này được sử dụng rất nhiều và chủ đạo trong một ngành vô cùng quan trọng là tài chính kế toán. Tôi chỉ xin đặt một câu hỏi rất đơn giản rằng: “có 800 hộp sữa trong mỗi kho, có 4 kho, vậy trong kho có bao nhiêu hộp sữa ?” hay “có 4 hộp sữa, mỗi hộp sữa giá 800 đồng, vậy tổng giá tiền là bao nhiêu” thì tôi tin chắc rằng tất cả những bạn làm tài chính kế toán, tất cả các phần mềm tài chính kế toán, đều làm là và ghi là 4 x 800. Có bạn nào làm khác không ? Có lẽ minh chứng này không còn phải bàn cãi gì nữa.

Tôi viết ý kiến này xuất phát từ tâm tư của một phụ huynh có con học tiểu học, của một tâm huyết mong muốn nền giáo dục nước nhà ngày càng tốt hơn, theo kịp với thế giới để con em chúng ta trở thành những công dân có tính cạnh tranh toàn cầu, đừng bị rơi vào tình trạng như hiện nay “ở Việt Nam dạy thế” mà dạy thế chẳng giống thế giới. Các nước khác đã đi trước, mình học được như người ta là tốt lắm rồi, tôi nghĩ mình không cần phải sáng tạo ra những quy ước chỉ của riêng Việt Nam nữa, nhất là những quy ước không có gì phải tranh cãi như quy ước toán học.

Vấn đề tưởng là nhỏ mà không hề nhỏ. Ai cũng có lúc sai nhưng nếu các giáo viên tiểu học nhận ra cái sai, và đề xuất sửa đổi thì là điều khác, còn vẫn không nhận ra cái sai thì tôi thấy cũng hơi lo cho giáo dục tiểu học nước nhà. Và càng tôi càng thấy thấm thía cái cần phải cải cách giáo dục, và cải cách trước nhất là đội ngũ giáo viên và phương pháp giảng dạy.

Một phụ huynh học sinh.

  • Độc giả Vũ Hoàng Linh