- Bạn sẽ không thất nghiệp nếu chọn đúng được việc mà mình có thể làm “giỏi nhất”; hoặc bạn luôn duy trì nỗ lực để trở thành người ‘giỏi nhất” trong khả năng có thể...

Người chọn nghề: Hạnh phúc là được “cháy” đến tận cùng!

Khi còn là sinh viên, TS Trần Đức Anh Sơn (Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH TP Đà Nẵng) đã bộc lộ rõ rệt thiên hướng và đam mê trở thành nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa. Gần 30 năm qua, anh luôn bền bỉ với niềm đam mê nghiên cứu  văn hóa, lịch sử Huế và chủ quyền biển đảo.  Theo nhà báo Kim Yến, TS Sơn đã không ít lần gặp khó bởi tính cách quyết liệt, không khoan nhượng, đầy trách nhiệm công dân. Nhưng hạnh phúc với Trần Đức Anh Sơn chính là được cống hiến đúng nghĩa trong vai trò một nhà nghiên cứu lịch sử, mà “ngoài trách nhiệm chuyên môn, còn có trách nhiệm với quê hương, đất nước”.

{keywords}
Tìm hiểu thông tin về thị trường lao động tại một hội chợ việc làm. Ảnh: Zing

Trần Đức Anh Sơn đã trở thành một tên tuổi được quốc tế đánh giá cao với nghiên cứu về Văn hóa triều Nguyễn và Chứng lý về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam.  Anh đã thành danh, thành công nhờ sự bền bỉ đi tới tận cùng với niềm đam mê nghề nghiệp mà bản thân đã quyết chọn theo trọn đời từ thủa mới lập nghiệp.

Đến Kon Tum có một quán cà phê không thể không đến, ấy là cà phê Ê Va, và có một con người không thể không gặp, là họa sĩ Nguyễn Ngọc Ẩn chủ quán cà phê này.

Họa sĩ Ấn yêu Tây Nguyên và văn hóa Tây nguyên đến kinh ngạc. Hiện quán cà phê nhà ông là một bảo tàng về Tây Nguyên, bản thân ông cũng là một nhân chứng văn hóa. Tự học tiếng Bahnar để có thể nói chuyện với người Bahnar như người Bahnar, ông còn tự học tiếng Anh để làm… guide. Từ một “cán bộ vẽ pa nô áp phích”,  Ấn bỏ việc nhà nước về, đổ tất cả của cải, vốn liếng của... vợ và gia đình vợ vào một cái quán cà phê mang tên Ê Va. Quán trở nên khá nổi tiếng ở Kon Tum, không chỉ do cà phê ngon mà bởi kiến trúc khá quái dị và những gì mà ông chủ - họa sĩ - bày biện trong ấy. Đến Kon Tum, muốn gặp Nguyễn Ngọc Ấn phải hẹn trước, không thì ông đang lang thang trong các buôn, làng. Có cảm giác nhà ông là quán trọ, còn những ngôi làng đồng bào Tây Nguyên mờ xa phía núi xanh kia mới chính là cái đích của ông. Ý tưởng ấy giờ vẫn cháy, và có vẻ như, qua cách nói chuyện với ông, nó vẫn sẽ ngùn ngụt mãi…

Nhiều, rất nhiều những “kẻ” theo đuổi đam mê nghề nghiệp đến tận cùng như TS Sơn, như họa sĩ Ấn thì hạnh phúc của họ không phải là thành công hay không mà là được là chính mình. Tiến sĩ Giản Tư Trung – Giám đốc Học viện Doanh nhân PACE cho rằng đó là “họ thực sự hành phúc”. “Vì một trong những hạnh phúc lớn nhất của con người, đó là, được sống đúng với con người của mình, đồng thời lựa chọn đó, cuộc sống đó được sự tôn trọng của những người có đạo đức và có hiểu biết.” - TS Trung “tổng kết”.

Nghề chọn người, sẽ thành công nếu tận tâm

Nếu nghe Ong Xuân Minh, Giám đốc trang tuyển dụng trực tuyến Tìm Việc Nhanh (TimViecNhanh.com) trao đổi về nhân sự, việc làm, người nghe sẽ nghĩ ngay anh là chuyên gia về lĩnh vực này.

Nhưng, điều đáng nói là anh Minh học chuyên ngành tài chính và mới “gánh” Tìm Việc Nhanh nửa năm nay. Trước đó, Ong Xuân Minh từng trải qua dăm ba lĩnh vực công việc hoàn toàn khác nhau ở một công ty truyền thông lớn và mỗi vị trí anh đều cháy hết mình với công việc, và đều rất thành công.

 “Tôi không phải là người làm việc theo cảm hứng mà là típ người là đã nhận việc gì là phải “chiến” hết mình. Theo đuổi tận cùng một mơ ước nghề nghiệp, và thành công - đó là kết thúc có hậu của một giấc mơ đẹp. Nhưng, tại sao bạn không biến cuộc đời mình thành nhiều giấc mơ đẹp với kết thúc có hậu như vậy bằng cách nhiệt tâm, tận tụy với bất cứ công việc nào ‘rơi” vào tay mình.” - anh Minh bộc bạch.

Ông Đặng Bảo Hiếu, nhà sáng lập viên Focus Travel năm 2000, có thể nói là một nhân vật thành công của ngành du lịch Việt Nam.

Nếu bạn hỏi bất cứ điều gì về du lịch, chỉ trong dăm ba câu trả lời, ông Hiếu có thể khiến bạn có cảm giác muốn bỏ tất cả để làm du lịch, muốn đồng hành cùng ông trong chặng đường còn lại của cuộc đời để quảng bá du lịch Việt Nam ra với thế giới...

Nhưng, từ thủa vào đời, Đặng Bảo Hiếu chưa bao giờ nghĩ rằng mình làm du lịch. Ông tốt nghiệp khoa Tiếng Nga, ĐH ngoại ngữ năm 1984 và theo phân công, ông dạy tiếng Nga cho trường thực nghiệm Du lịch Việt Nam. Vì để làm tốt công việc dạy tiếng Nga của mình, ông đã tìm hiểu sâu hơn về văn hóa Nga, con người Nga và cả nghề du lịch. Để có thể “trở thành giỏi nhất” khi thực hiện công việc của mình, ông đã đam mê du lịch từ lúc nào không hay.

Và ông thành công như đã thấy!

Thay đổi bản thân, tìm kiếm trải nghiệm

Thu Trang (SN 1986, Hạ Đình, Thanh Xuân, HN) tình cờ đến với công việc hành chính – văn phòng dù tốt nghiệp ngành Sư phạm.

“Làm hành chính trong một công ty nhỏ, có khi phải kiêm cả những việc khó có thể hình dung như rửa cốc chén, cắm hoa, lau nhà...”Thế nhưng… - Trang chia sẻ - “Mình chưa từng nghĩ sẽ yêu công việc này đến vậy. Ngoài việc không phải đi xa, không phải mất tiền chạy vạy để có việc, thu nhập lại đủ để nuôi con thì hạnh phúc nhất là cảm thấy mình là một thành viên không thể thiếu của công ty. Điều quan trọng là phải biết thay đổi bản thân để phù hợp với hoàn cảnh”.

Có đến 60% cử nhân ra trường đang làm trái ngành giống như Trang, theo thống kê của Bộ LĐTB&XH.” Khi vấn đề cử nhân thất nghiệp và làm trái ngành còn gây nhiều tranh cãi thì nhiều người lao động đã có sẵn giải pháp: Sắn sàng nhập cuộc, sẵn sàng trải nghiệm, sẵn sàng một quá trình học mới.

Anh Trần Quang Tùng - CEO Rio Creative cho biết anh cũng đã từng rất mông lung khi còn là sinh viên ngành Kế toán. Thấy việc học không hợp với mình, có nhiều sở thích nhưng chưa rõ đâu sẽ là hướng đi cho mình, Tùng không cam chịu ngồi yên. Thế rồi anh bỏ học, dành gần 3 năm để làm tất cả những công việc mình thích: quảng cáo, nấu ăn, khách sạn, nghiên cứu thị trường, viết báo, chụp ảnh…

“Các bạn trẻ có thể băn khoăn rất nhiều về việc tìm ra sở thích và đam mê, nhưng độ ỳ của bản thân rất lớn. Biết là cần phải thay đổi, phải đi tìm nhưng đa số lại chỉ dậm chân tại chỗ chờ đam mê xuất hiện Để tìm được đam mê thì bắt buộc phải thử, phải trải nghiệm thì mới có câu trả lời..” – Quang Tùng chia sẻ.

Lời khuyên của Ong Xuân Minh có thể là lời khuyên có ích cho những ai  đang không biết mình “có gì” và “chọn gì”: 

“Khi chưa rõ mình giỏi gì, mình muốn gì, việc gì hợp với mình thì cách duy nhất là cứ làm đi, làm rồi thì mới biết cái gì hợp với mình chứ. Các nhà tuyển dụng rất quan tâm đến việc bạn có nhiệt huyết và đặt sự tập trung lên cao độ khi làm việc, bạn có cầu tiến không, có mong muốn thay đổi không. Khi tư tưởng rộng mở, bạn mới có thể tìm thấy đam mê và niềm vui trong mọi công việc mình làm.”

  • Đồng Thùy