Từ ngày 15/10, các trường tiểu học trên cả nước sẽ tiến hành việc bỏ chấm điểm thường xuyên. Hiện nay, nhiều trường đang chờ hướng dẫn thực hiện. 

Loay hoay bỏ chấm điểm thường xuyên

Tại quận Long Biên (Hà Nội), Trường TH Đức Giang mới phổ biến quy định mới tới giáo viên, phụ huynh và đang chờ hướng dẫn cụ thể từ phòng giáo dục quận.

Tương tự, một trường tiểu học trên địa bàn quận Nam Từ Liêm vẫn chấm điểm bình thường cho học sinh tiểu học.

{keywords}

Thay vì chấm điểm, cô sẽ chấm chữa và cho nhận xét trên bài tập của trò. (Ảnh: Văn Chung).

Lãnh đạo trường đang xem xét tính toán đến việc linh động sử dụng con dấu, ngôi sao hay bông hoa mặt cười thay cho nhận xét để giáo viên đỡ vất vả, áp lực. Những bài vở quan trọng, cần thiết, trường sẽ yêu cầu giáo viên nhận xét sát để đánh giá được quá trình học tập, năng lực và phẩm chất của học sinh.

Trong khi đó, tại quận Hà Đông, Hà Nội nhiều trường tiểu học đang sốt sắng họp mặt phổ biến cho giáo viên quy định mới. Lãnh đạo Trường Tiểu họcNguyễn Trãi (Hà Đông, Hà Nội) cùng giáo viên có nhiều giờ liền cùng nhau thảo luận cách làm, tháo gỡ khó khăn mà khi thực hiện có thể gặp phải.

Nguyễn Thị Minh Thu, hiệu trưởng nhà trường nhìn nhận, thay đổi quan niệm đã ăn sâu trong nếp nghĩ, cách làm của phụ huynh, giáo viên và nhà trường là điều không dễ.

Từ đó, bà Thu cùng các giáo viên phải ngồi lại với nhau để thống nhất cả về lời nhận xét sao cho khoa học, không so sánh hay chê trách dạng như “con viết chữ rất xấu”, “con làm toán không tốt”,…

Nên cho điểm học sinh học tốt?

Không còn nhiều thời gian trước khi chính sách mới này có hiệu lực, vẫn tồn tại những quan điểm trái chiều.

Bà Phạm Thị Minh - hiệu trưởng Trường TH Liên Ninh (Thanh Trì, Hà Nội) cho rằng, với việc bỏ chấm điểm, có thể giáo viên sẽ nhàn hơn; song dễ dẫn đến chủ quan, không nâng cao năng lực bản thân. Nhà trường cũng khó để đánh giá năng lực của giáo viên.

Theo bà Minh nên cho điểm những em học tốt, cần được khuyến khích. Còn nhận xét, động viên nên dành cho các em học chưa tốt.

Còn hiệu trưởng một trường tiểu học trên quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho rằng, với những lớp học đông từ 45-60 học sinh, việc chữa bài và ghi nhận xét đối với từng học sinh cũng mất rất nhiều thời gian, khó khăn. Trong một tiết dạy, giáo viên không thể theo sát từng em để "sai đâu, sửa đấy" được.

Cũng theo vị hiệu trưởng này: Nếu giáo viên không cho điểm, sẽ thường xuyên nhận những cuộc gọi của phụ huynh gọi tới hỏi han, thắc mắc về lực học, tình hình học tập của con. Qua đó, quy định mới này gây nhiều sức ép hơn đối với giáo viên.

Có ý kiến cho rằng, bỏ chấm điểm trong thời kỳ mà bệnh thành tích còn rất nặng nề trong nhà trường, nếu giáo viên dễ dãi, sẽ khiến học sinh không tự biết đúng năng lực của mình.

Với kinh nghiệm 34 năm đứng lớp, cô Nguyễn Thị Lợi, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội - chia sẻ, áp lực đè nặng học sinh là khi cha mẹ các em quá kỳ vọng vào điểm số của con. Với cách chấm bằng điểm số, tự phụ huynh đã gây áp lực cho mình và con trẻ.

Thay việc trả lời ‘Hôm nay con được mấy điểm’ ra sao?

Theo cô Lợi, một lớp quá đông, 50-60 cháu - giáo viên có thể phân loại các lỗi của học sinh, sửa theo nhóm. Học sinh được tự đánh giá mình và các bạn xung quanh là điều quan trọng. Các em có thể trao đổi bài vở để các bạn tìm lỗi sai, sửa cho mình. Một tiết học nếu biết khéo léo sắp xếp, giáo viên vẫn có đủ thời gian quan tâm các trò.

Với câu hỏi của học trò: "Cô ơi, hôm nay bài của con được mấy điểm", giáo viên sẽ phải giải thích: “À, bây giờ sẽ làm theo cách mới, cô không chấm điểm cho các con nữa. Bài này của con cách đặt phép tính còn lệch, nét chữ viết còn chưa thẳng,….”

Hiệu trưởng Thu bổ sung: “Nhận xét thường xuyên không có nghĩa cái gì giáo viên cũng cần ghi vào vở của trò. Ngay từng tiết học, cô đã nhận xét bằng miệng có tính động viên, khích lệ các em khiến không khí lớp học vui vẻ.

Nhiều giáo viên thắc mắc "không lẽ đang dạy giáo viên cũng phải nhớ từng chi tiết của mỗi trò để ghi vào nhận xét? Tôi cho như vậy là máy móc. Giáo viên có kinh nghiệm sẽ biết sử dụng lời nhận xét khéo léo, phù hợp”.

  • Văn Chung