- Sau khi phản ánh những "nỗi niềm khó nói" của các bậc cha mẹ ở thành phố dịp họp phụ huynh đầu năm học mới, VietNamNet nhận được bài viết của cô giáo dạy THPT ở một huyện nông thôn tỉnh Thanh Hóa, phản ánh nỗi ám ảnh mang tên "thu tiền". Dưới đây là bài viết của cô.

{keywords}

Năm học mới đã bắt đầu, bên cạnh niềm vui trở lại bục giảng, gặp đồng nghiệp, học trò sau những tháng hè oi ả, những giáo viên làm công tác chủ nhiệm còn bị nỗi ám ảnh mang tên: thu tiền.

Vì giáo viên chủ nhiệm là cầu nối giữa nhà trường và phụ huynh học sinh, nên đương nhiên trong buổi họp phụ huynh đầu năm học, giáo viên là người trực tiếp thông báo những khoản thu trong năm học của nhà trường. Nếu chỉ đứng lên thông báo thôi thì mọi chuyện sẽ thật đơn giản. Nhưng sau bản danh sách mà nhiều giáo viên đã kì công biên soạn, đánh máy gửi đến tận tay mỗi học sinh trước buổi họp là những ý kiến phản hồi với thành ý không mấy tích cực của phụ huynh.

Cô giáo Lê Nga, sau buổi họp đã ngồi thần ở phòng hội đồng, mặt buồn rượi. Cô chia sẻ: "Phụ huynh họ nghĩ cô giáo là người đưa ra nhiều khoản thu, rồi có khoản trực tiếp thu để giữ tiền. Mình đã cố gắng kiềm chế, đã giải thích cặn kẽ, thế mà họ nói còn to hơn mình!".

Cô Yến Trang thì dở khóc dở cười nói: "Phụ huynh lớp mình thì đòi hỏi phải có bản kê danh sách tất cả các loại thu chi của nhà trường trong năm học thì mới nộp. Nhiều bác còn vặn vẹo thu để làm gì, ai đưa ra quy định thu…Mà thực ra, mình cũng chỉ là giáo viên chủ nhiệm, mình thực hiện theo yêu cầu của nhà trường, các khoản thu đầu năm thì đã có họp hành thống nhất giữa bạn giám hiệu, chi hội trưởng hội phụ huynh, rồi các đoàn thể, mình đâu có quyết định gì, mệt lắm!"

Nhiều cuộc họp phụ huynh đầu năm đã biến thành buổi đi nộp tiền và giải thích các khoản tiền nộp. Phụ huynh đóng góp ý kiến về xây dựng chất lượng học tập thì ít, mà thắc mắc các khoản thu thì nhiều. Thắc mắc của phụ huynh là điều có thể hiểu và trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm là giải thích cặn lẽ, tỉ mỉ để đi tới phương án thống nhất, tuy nhiên cách nói của không ít phụ huynh đã khiến nhiều giáo viên chủ nhiệm phải suy nghĩ.

Nhiều giáo viên cảm thấy mình bị đặt lên bàn cân; tri thức, cách ứng xử cũng bị trả giá cò kè như "mớ rau, con cá". Có giáo viên trẻ sau buổi họp phụ huynh đã khóc nức nở:  "Họ chỉ tay vào mặt em và nói như quát, các cô làm gì với số tiền ấy? Chúng tôi không đóng tiền thì lấy tiền đâu ra nuôi các cô".

Cô Hạnh, giáo viên đã có thâm niên gần 20 năm chủ nhiệm chia sẻ: "Không chỉ là giáo viên, mình còn là phụ huynh nên hiểu được những thắc mắc và nỗi lo của họ trước mỗi năm học. Có nhà phải bán lợn, bán thóc cho con tiền đóng học. Bản thân mình cũng thế thôi, 2 đứa con đi học, đầu năm đóng 1 đống tiền, không vay mượn thì lấy ở đâu ra. Nhưng một số phụ huynh không hiểu vấn đề, nhầm tưởng giáo viên chủ nhiệm thu và quản lí chi tiêu số tiền, phản ứng cực đoan nên dễ làm tổn thương các thầy, các cô".

Nhiều giáo viên đã ước chỉ đi dạy, không phải chủ nhiệm để không phải thu tiền. Mỗi buổi lên lớp, chỉ quan tâm đến chuyện làm sao để dạy cho hay, cho dễ hiểu chứ không phải thốt lên cái câu mà thầy cô nào cũng ngán ngẩm: em nào nộp tiền?

Việc thu tiền thực sự là một gánh nặng của giáo viên chủ nhiệm. Các em bao giờ cũng nộp rải rác, lắt nhắt, có em mãi không đóng tiền cho cô buộc cô phải trích lương mình ra để nộp lên trường khi hết hạn thu. Có cô còn thu phải những tờ tiền giả, có cô thu xong thì bị mất, phải đền cả năm lương…

Xin kết lại bài viết bằng câu nói đùa mà thật của một cậu học sinh lớp 11 khi gặp thầy chủ nhiệm: "Nhìn thấy mặt thấy mặt thầy là thấy đòi tiền rồi!". Và sau câu nói có vẻ như rất hài hước của cậu là những tràng cười giòn tan của các bạn học sinh trong lớp.

  • Lộc Nguyên