- Họ đều là giáo viên dạy giỏi nhiều năm. Để trò có hứng thú học tập, họ sẵn sàng bỏ tiền túi sáng tạo nhiều phần thưởng. Ở họ là sự hết lòng và sáng tạo không mệt mỏi với sự nghiệp trồng người...

Cô Dương Thị Ngà: "Học sinh là thành viên trong gia đình..."

17 năm trong nghề, cô chưa bao giờ có ý định chuyển nghề. Cô bảo: Nếu được chọn lại tôi vẫn chọn nghề giáo...

Tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cô đầu quân về Trường Tiểu học Dịch vọng A và cắm chốt đến nay. Nhiều năm nay cô luôn là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Ngoài danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, năm 2011 cô được bình chọn là "giáo viên được học sinh yêu thích nhất"...

{keywords}
Cô Dương Thị Ngà trong một tiết học trên thư viện (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Bởi vậy, lớp cô nhận lúc nào sĩ số cũng vượt 60 học sinh. Trên lớp, ngoài dạy kiến thức cô luôn còn trang bị cho trò lớp 2 nhiều kỹ năng sống. Cô dạy từ việc treo quần áo, mũ ở lớp cho gọn gàng - đến những kỹ năng tự phục vụ bản thân. Với học sinh nữ cô không đủ thời gian để chải tóc cho mấy chục học sinh nên cô dạy mỗi con mang theo một chiếc lược nhỏ...

Cô bước vào lớp là trò ùa lên ôm, xách túi và...ăn sáng cùng. Theo cô, với học sinh 6,7 tuổi mình sống gần gũi các con sẽ mở lòng hơn. Nên ngoài giờ học là trò nào cũng muốn được tâm sự, chia sẻ với cô. Kể cả chuyện riêng trong gia đình, hay nhà có ý định mua ô tô....trò cũng tâm sự với cô.

Có sự gần gũi này được cô Ngà đúc kết: "Tôi luôn coi học sinh là thành viên trong gia đình. Với trò tiểu học mình yêu nó thì nó sẽ yêu mình. Trong lớp luôn có động viên kịp thời, thậm chí lỗi giảm đi - còn thưởng thì tăng lên và luôn coi học trò như bạn...."

Để có phần thưởng khen trò đúng lúc, hành trang hàng ngày đến trường có thêm nhiều phiếu khen, tẩy, gọt bút chì, dây buộc tóc...Tất cả những phần thưởng do cô sáng tạo và tự bỏ tiền túi với mong muốn động viên kịp thời học sinh có hứng thú. Dù lớp đông học sinh nhưng cô chưa phạt nặng mà luôn động viên khuyến khích...

Quỹ thời gian một ngày với cô luôn thiếu và ít có thời gian cho gia đình. Cô kể, một ngày làm việc của cô bắt đầu từ 7h30. Mỗi sáng có dành 15 phút để giặt khăn lau bảng, rửa cốc uống nước cho học sinh, lau sàn nhà để trò thực sự có không gian sạch, thoáng ngồi học. Sau giờ làm việc buổi sáng là bắt tay vào làm bảo mẫu chia cơm và hỗ trợ các con ăn...Khi các con ngủ là ngồi tranh thủ chấm bài để nắm bắt năng lực của từng học sinh.

Tương tự, sau giờ tan học buổi chiều là tranh thủ chấm bài...6h mới rời trường học về nhà.

Công việc buổi tối ngoài soạn bài - chấm bài. Cô nhìn nhận, với học sinh tiểu học phải thật sát sao để kịp phát hiện những điểm chưa được để uốn nắn.

Với lòng yêu nghề, không ngừng sáng tạo - ở ngôi nhà Trường Tiểu học Dịch vọng A cô luôn được đồng nghiệp kính trọng, học trò tin yêu. Những cống hiến thầm lặng được ghi nhận - năm học 2014-2015 cô được UBND TP Hà Nội tặng bằng khen vì có nhiều cống hiến cho sự nghiệp trồng người....

Cô Lưu Thị Lan Hương: "4 năm liên tiếp được giải sáng kiến kinh nghiệm"

Kinh nghiệm của dạy lứa tuổi học sinh lỡ cỡ này, cô Hương cho biết ngoài “dạy” còn có “dỗ”, ngoài “dỗ” còn có “dọa”.

{keywords}
Cô Lưu Thị Lan Hương (Ảnh Lê Anh Dũng)

Lứa tuổi này giáo viên còn phải dỗ các con nhiều. Nhiều học sinh rất thông minh nhưng sự tập trung kém, mình cũng phải luôn lưu ý quan sát nhắc nhở.

Trong lớp có những cháu quá hiếu động thì luôn xếp các cháu ngồi ở những hàng đầu - chỗ ngồi trong tầm mắt và kiểm soát của cô. Việc trao đổi với phụ huynh của những cháu này cũng được duy trì thường xuyên, để có biện pháp kết hợp giáo dục các cháu ở trường với ở nhà.

“Sợ” nhất là những học sinh.... không sợ gì. Những học sinh ngoan không kể, nhưng có những học sinh hiếu động, nghịch ngơm quá, phải có cách để xử lý. Có những em ưa nịnh, có những em biết sợ, thì dễ. Nhưng có những em không sợ gì. Nghịch quá cô dọa “đi ra khỏi lớp” là con cũng đứng dậy xách cặp đi thẳng, là mình chết sững luôn. Với những cháu này phải có cách riêng, tìm hiểu qua bạn bè, cha mẹ xem các cháu thích gì, các cháu sợ gì để có những biện pháp phù hợp.

Cô Hương có 4 lần liên tiếp được loại B sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố. Các sáng kiến của cô đều liên quan tới việc áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

Sáng kiến đoạt giải đầu tiên của cô là Nâng cao chất lượng dạy học môn toán lớp 1. Cô Hương làm bài giảng điện tử cho môn Toán lớp 1 vì nhận thấy học sinh bé quá, giảng dạy trực quan rất quan trọng. Trẻ lớp 1 chưa biết nhiều chữ, kênh hình quan trọng hơn. Nhưng khi dạy phép cộng, nếu gắn hình quả cam, que tính... lên bảng cho học sinh dễ tiếp thu thì rất mất thời gian. Hoặc khi dạy học sinh kẻ 1cm - là đơn vị nhỏ, khi cô hướng dẫn bằng dụng cụ thật học sinh cũng rất khó nhìn. Hoặc cách dạy trẻ đo thước... Khi sử dụng bài giảng điện tử, học sinh sẽ dễ dàng tiếp nhận kiến thức hơn.

Đối với môn thủ công lớp 3 từ trước đến nay các cô phải làm mẫu rất nhiều. Mà mẫu nhiều lúc nhỏ quá, các con rất khó xem. Lớp đông các cô cũng không bao quát hết được. Cô Hương tự làm và tự quay những bài giảng như cắt bông hoa, gấp con ếch, cắt ngôi sao, cắt chữ... Những sáng kiến của cô Hương đã được áp dụng rộng rãi trong trường.

Cô Kim Thị Hạnh: "Để hiểu trò không khó"

Với kinh nghiệm hơn 20 năm đứng lớp, cô Hạnh tự nhận mình không có thành tích nổi bật. Trong câu chuyện đúc kết từ 20 chục năm qua là những nhiệt huyết, tìm tòi sáng tạo không ngừng.

Thành tích lớn nhất của cô là học sinh tiến bộ từng ngày. Với những học sinh đầu năm còn nhút nhát, mặc cảm sẽ dần tự tin hơn trong môi trường tập thể...Cô bảo, để hiểu trẻ không khó, chỉ cần giáo viên muốn là làm được.

{keywords}
Cô Kim Thị Hạnh...
{keywords}
...với "thành tích" hàng ngày nhận được là sự hào hứng của học sinh (Ảnh Lê Anh Dũng)

Kinh nghiệm từ cô là kết hợp bằng trực quan cùng với thực tế quan sát trên lớp và bài làm để phát huy tính tích cực của học sinh, giúp học sinh hứng thú hơn...

Với môn tiếng Việt luôn có khuyến khích sáng tạo, không theo khuôn mẫu và phù hợp với năng lực của trẻ tiểu học...Cũng có những học sinh giảng mãi không hiểu thì phải thay đổi phương pháp để trò không mặc cảm để cố gắng. Thậm chí đã có tranh luận gay gắt của trò lớp 5 cho rằng cô sai - nhưng bình tĩnh xử lý sẽ giúp con nhận biết đúng vấn đề.

Theo cô Hạnh, công việc của giáo viên tiểu học không nhẹ nhàng như nhiều người quan niệm. Thêm quy định đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét cũng là "bài toán" không dễ cho những lớp học có sĩ số đông...

Không phải món quà nào cũng có ý nghĩa

Cô Lưu Thị Lan Hương cho biết, quà cáp dịp lễ, tế là chuyện... không tránh khỏi. Nhưng có những phụ huynh đưa quà như để cho xong chuyện, thiếu sự tôn trọng giáo viên.

Có một lần “nhận quà” mà cô sẽ nhớ suốt đời. Đó là một lần nhân dịp 8/3, bà của một phụ huynh đến xin gặp để tặng quà. Khi đó, trường đang tổ chức thi giữa kỳ cho học sinh, các giáo viên đổi lớp để trông thi. Tôi đã nói bà đi về đi, cháu đang trông thi. Nhưng bà quyết tâm đợi bên ngoài. Rồi đến khi không đợi được nữa, bà đi thẳng vào lớp tôi đang trông thi, đặt 2 phong bì lên bàn và nói gọn lỏn “cô và cô Tiếng Anh” rồi đi ra. Khỏi phải nói lại cảm giác ức chế của tôi lúc đó như thế nào. Sau buổi thi, tôi gói cẩn thận 2 chiếc phong bì lại, đưa cho học sinh, bảo em đó rằng về nói với bà cô cảm ơn nhưng cô không thể nhận món quà này.

Bên cạnh đó, cô Hương cũng không thể quên được tình cảm của học sinh, phụ huynh dành cho mình. Có học sinh dạy từ năm cô mới ra trường, hàng năm vẫn tới thăm cô vào ngày sinh nhật. Có những phụ huynh sau hàng chục năm gặp lại vẫn nhớ cô, vẫn nhắc lại kỷ niệm của con mình khi còn học cô.

Có những phụ huynh khi kết thúc năm học đã nắm tay cô mà khóc.... “Nếu tính tới cảm xúc cô – trò – phụ huynh thì đối với học sinh lớp 1 là rõ rệt nhất. Ở lớp 1, phụ huynh nhận thấy rõ sự thay đổi của con mình qua từng học kỳ. Còn đối với học sinh lớp 5, các em đã lớn và chuẩn bị ra trường, tình cảm lưu luyên với cô rõ nét hơn”.

Ngân Anh - Nguyễn Hiền