Không hẳn có nhiều trường đại học hào hứng với việc nhập khẩu giáo trình, đặc biệt với các trường được xếp vào hàng “top”.

Nhiều trường THPT đã soạn giáo trình từ lâu
  {keywords}
  Mỗi năm HV Công nghệ Bưu chính Viễn thông chi vài trăm triệu đồng cho việc nhập giáo trình, tài liệu tham khảo từ nước ngoài
Trường lớn không mặn mà                       

Là một trường có khá nhiều chương trình tiên tiến, chương trình liên kết, nhưng theo ông Hoàng Văn Châu, hiệu trưởng ĐH Ngoại thương, trong thời gian trước mắt, giáo trình nước ngoài vẫn sẽ chỉ sử dụng ở các chương trình tiên tiến, chương trình liên kết.

“Trường chưa có chủ trương nhập giáo trình sử dụng cho chương trình đại trà vì… tiền nong hạn chế. Và không phải giáo trình nước ngoài nào cũng phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Giáo trình giảng dạy trong trường chủ yếu do giáo viên biên soạn. Khi viết, họ cũng đã tham khảo các tài liệu, giáo trình của nước ngoài” – ông Châu cho biết.

HV Công nghệ và Bưu chính viễn thông thường xuyên mua tài liệu từ nước ngoài theo yêu cầu, đề xuất của giảng viên, với số tiền chi cho hoạt động này mỗi năm khoảng vài trăm triệu đồng. Giáo trình được mua chủ yếu là giáo trình điện tử, được đưa vào Trung tâm dữ liệu của học viện để giảng viên và sinh viên tham khảo.

Những tài liệu cụ thể giảng dạy trên lớp là giáo trình soạn theo đề cương chương trình của nhà trường.

“Sử dụng giáo trình nước ngoài làm tài liệu tham khảo thì được. Chứ nhập khẩu nguyên giáo trình sẽ có nhiều vấn đề” – đây là đánh giá của ông Lê Hữu Lập, HV Công nghệ Bưu chính và Viễn thông.

“Vấn đề” ở đây, theo ông Lập, trước hết đến từ điều kiện cơ sở vật chất trong nước.

“Đối với ngành công nghệ như học viện đang đào tạo, nếu dùng y nguyên “sách Tây” là chưa phù hợp. Ví dụ, trong các giáo trình nước ngoài, với ngành công nghệ phần thực hành rất nhiều, mà mình không đủ điều kiện”.

Một lý do nữa là đội ngũ giảng viên. “Không phải cứ có giáo trình mới họ giảng được ngay, mà sẽ phải nghiên cứu kỹ. Có những ngành học trường muốn đổi mới, nhưng chưa có người giảng”.

“Muốn giảng phải hiểu, chuẩn bị làm một lúc sẽ quá tải cho nhà trường” – ông Lập nhấn mạnh. Cũng theo ông Lập, nếu giảng viên đã từng học nước ngoài như Anh, Pháp về thì “đơn giản”. Nhưng có những khoa mà giảng viên chủ yếu học ở Nga về, vấn đề ngoại ngữ có những hạn chế nhất định. “Như vậy câu chuyện sử dụng giáo trình ngoại vẫn là câu chuyện giảng viên đủ điều kiện để tiếp thu không”.

Đối với trường ĐH Phương Đông, những giáo trình nhập khẩu vẫn có phần kiến thức phù hợp với trường chứ không sao chép toàn bộ. Lý do lại là từ phía sinh viên, như TS Bùi Thiện Dụ giải thích: Ở Việt Nam hiếm có việc sinh viên lên thư viện tự học, tìm hiểu tài liệu đến chục giờ mỗi ngày, hệ thống thư viện của trường cũng chưa đáp ứng được nhu cầu này. Lấy giáo trình nguyên là rất khó nhưng có thể tham khảo cách đặt vấn đề của họ sao cho thích nghi với điều kiện, tài chính của trường và tình hình thực tế của sinh viên.

Không “bế quan tỏa cảng, nhưng…

Về việc nhập khẩu giáo trình, GS Vũ Đức Vượng từng nhận xét, “Giáo dục trên thế giới đã vượt xa chúng ta nên mượn giáo trình của họ không có khó gì. Cái khó là chúng ta có dám chấp nhận lối tư duy của các giáo trình đó không? Hoặc nhà nước chúng ta có dám tin vào những người làm giáo dục và "cởi trói" để họ có thể làm giáo dục chân chính? Hay chúng ta vẫn khư khư "trói buộc" và kiểm soát từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ trong nhà trường, và hậu quả như ta đã thấy”.

  {keywords}
 

Cho rằng “không có sự lựa chọn nào khác”, ông Đàm Quang Minh khẳng định “Tôi không thấy có tư duy nào khó khăn của Bộ GD-ĐT về việc này. Có chăng đó là tư duy của chính mỗi trường đại học. Nhiều trường kể cả công lập cũng đã bắt đầu sử dụng sách quốc tế và đó là tín hiệu tốt”.

Thế nhưng, “phe” thận trọng vẫn có lý giải riêng của mình. Nhập nguyên xi chỉ phù hợp với những đơn vị đào tạo theo chương trình của nước ngoài và xuất khẩu lao động của ngành đó. Ví dụ như một cơ sở đào tạo về công nghệ thông tin đào tạo theo chương trình của Ấn Độ, bên phía Ấn Độ chuyển toàn bộ tài liệu, giáo trình. Phải đồng bộ như vậy, phù hợp với đào tạo nghề.

Còn ở Việt Nam không chỉ điều kiện trong nhà trường khác, mà điều kiện khi ra làm việc cũng khác, nên không nhập nguyên xi được.

“Trường không bế quan tỏa cảng chỉ dùng giáo trình Việt Nam. Nhưng đối với giáo trình nước ngoài chúng tôi dùng một cách thông minh, chứ không máy móc. Cho dù có giáo trình rất hay, vẫn cần phải có có thời gian tiếp quản cho các thầy chuẩn bị. Chuẩn bị cả điều kiện kỹ thuật thực hành, mô phỏng cho học sinh” – ông Lập cho biết.

Bên cạnh đó, theo ông Lập, liên kết quốc tế cũng là một nguồn tài liệu khi hai nhà trường công nhận môn học lẫn nhau, giáo trình chung.

Khi nhắc đến câu chuyện nhập khẩu giáo trình, ông Hoàng Minh Sơn, phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng khẳng định điều kiện quyết định là giáo viên có giảng dạy được không.

Quan điểm của vị này là “Nội dung chương trình, cũng như giáo trình được các trường chia sẻ nhiều trên trang mạng internet, do đó không nhất thiết phải “nhập khẩu”. Chúng ta nghiên cứu chương trình của họ để tìm ra câu trả lời vì sao họ làm như vậy, từ đó xây dựng chương trình cho mình. Bởi vì mỗi chương trình đều có triết lý riêng, bám vào chuẩn đầu ra, định hướng mục tiêu đào tạo dựa vào thực tế đất nước”.

Ngân Anh