- Nữ sinh đánh cô giáo, đình chỉ học! Học sinh tự ý bỏ biểu diễn văn nghệ, đình chỉ học (dù là động tác "giả"). Hai câu chuyện mới nhất của giáo dục ngày hôm qua (21/1) được giảng viên Phương Thảo nhìn nhận "không phải là một biện pháp giáo dục mà là rũ bỏ trách nhiệm của nhà trường đối với gia đình và xã hội". Dưới đây là góc nhìn của nhà giáo về vấn đề này.

Nhà trường có thể được xem như một xã hội thu nhỏ đối với trẻ em, có nhiều nét tính cách khác nhau cùng sống trong một môi trường. Chính vì thế, không thể đòi hỏi tất cả mọi người vừa bước vào cái xã hội thu nhỏ đó đều là những học sinh ngoan ngoãn, lễ phép và chăm học.

 

  {keywords}

Trường THPT Đồng Hới, Quảng Bình (ảnh từ Facebook của học sinh)

Trước nhiều vụ việc xử lý học sinh vi phạm nội quy nhà trường hoặc có những hành vi bạo lực học đường, biện pháp được áp dụng cao nhất thường là buộc thôi học, đình chỉ học có thời hạn, hoặc nhẹ hơn là phạt cảnh cáo...

Liệu có phải nhà trường chỉ dung nạp những học sinh đã có sẵn phẩm chất đạo đức tốt, mà quên mất nhiệm vụ của mình là giáo dục những trẻ em có khuyết tật về tính cách, thái độ, trẻ em ngang ngược trở thành những người tốt và có ích cho xã hội?

Việc phạt buộc thôi học vô tình đã đẩy các em vào vòng xoáy bạo lực của xã hội.

Trên thực tế, có những em học sinh cố tình có những hành vi vi phạm nội quy trường học như: không học bài, cúp tiết, đánh nhau...thì những biện pháp thường được sử dụng như: viết kiểm điểm, trừ điểm thi đua, mời phụ huynh, cảnh cáo, đuổi học không có nhiều tác dụng. Bởi vì việc thường xuyên và cố tình vi phạm đã cho thấy các em không e ngại những hình phạt này có thể đến với mình. Những biện pháp này thường không hữu hiệu, mà ngược lại còn cổ súy và tạo môi trường cho các em tham gia vào các hành vi có vấn đề.

Những học sinh thường vi phạm nội quy, có tính cách ngang ngược nếu bị đẩy ra môi trường bên ngoài thì các em sẽ đi đâu, làm gì? Các em không có nơi an toàn để học tập và sinh hoạt, sẽ tiếp xúc nhiều hơn với những đối tượng có nguy cơ, có thể chứng kiến và là nạn nhân của bạo lực nhiều hơn, và là mầm mống có nguy cơ trở thành tội phạm trong tương lai.

Thực tế, xã hội cũng cho thấy, thậm chí có rất nhiều người vi phạm pháp luật bị phạt tù nhưng khi ra tù lại quay trở lại con đường cũ, vì họ thiếu sự quan tâm của xã hội. Họ không được sự cảm thông của xã hội, không có việc làm, không được giáo dục và không có kỹ năng làm việc.

Không thể xem học sinh cá biệt là "con sâu..."

Năm 2012, tôi đã làm một nghiên cứu về hành vi bạo lực của học sinh ở trường phổ thông tại 10 trường THPT và THCS ở TP.HCM, trong đó xác định 8 yếu tố ảnh hưởng đến hành vi bạo lực của học sinh.

Tác động lớn nhất là việc học sinh càng chứng kiến bạo lực thì càng có mức độ sử dụng bạo lực nhiều hơn. Các em có thể chứng kiến bạo lực từ trong gia đình, như bố mẹ gây gổ đánh nhau, bố mẹ gây gổ với hàng xóm - đến việc chứng kiến người khác đánh nhau, đặc biệt là bạn bè, kể cả chứng kiến bạo lực trên ti vi.

Yếu tố thứ hai là những học sinh có mức độ tuân thủ nội quy nhà trường càng thấp thì mức độ sử dụng bạo lực càng cao. Các mối quan hệ bạn bè của học sinh cũng là một yếu tố đánh giá nguy cơ sử dụng bạo lực của học sinh.

Nếu các em càng có nhiều bạn bè có liên quan đến bạo lực hoặc những bạn bè có nguy cơ (là những bạn bè vi phạm nội quy của nhà trường, bạn bè có tiền án...) thì có nguy cơ gây ra bạo lực học đường càng cao.

Ngoài ra còn có những yếu tố khác như: học sinh từng là nạn nhân của bạo lực, ấn tượng về trường học của các em không tốt, thái độ coi bạo lực là chuyện bình thường, hoặc tính cách nóng nảy không thể kiểm soát bản thân, thường xuyên chơi trò chơi điện tử có tính chất bạo lực là những yếu tố có nguy cơ dẫn đến hành vi bạo lực của học sinh.

Hiện nay, nhà trường phổ thông còn chưa coi trọng yếu tố tâm lý trong giáo dục đạo đức học sinh. Liệu học sinh đó đã từng bị bạo lực gia đình hay chưa? Có bị bắt nạt ở trường không? Có thường xuyên chứng kiến bạo lực không? Em có thái độ đúng khi chứng kiến hành vi bạo lực của người khác hay không? Em có tính nóng nảy khó kiểm soát bản thân khi gặp sự việc bất bình không? Hay thậm chí em có bị xử ép khi cho điểm hay không? Những điều này có thể tạo nên một người thích sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề.

Một xã hội thu nhỏ an toàn hơn như trường học lại không thể dung nạp và giáo dục học sinh có vấn đề, đẩy các em ra ngoài xã hội, tiếp xúc với rất nhiều nguy cơ rất dễ làm các em sa ngã. Nhà trường không thể xem học sinh cá biệt là “con sâu làm rầu nồi canh” rồi chỉ việc vớt bỏ con sâu đó đi là xong trách nhiệm của mình.

Hình phạt thay đuổi học?

Tại sao chúng ta không học tập các hình thức xử lý học sinh mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng, chẳng hạn như phạt lao động công ích? Thay vì đuổi học, nhà trường thậm chí còn buộc em phải đi học đầy đủ, tuân thủ nội quy nhà trường, ngoài giờ học sẽ buộc các em lao động công ích và được giám sát chặt chẽ cho đến khi nào hoàn thành tốt công việc và có biến chuyển trong hành vi của mình thì mới được chứng nhận đã hết hình phạt.

Ở nước ta, một số trường học có hình thức xử phạt tương tự như lao động công ích, chẳng hạn như phạt lau bảng, lau bàn ghế, làm dọn dẹp vệ sinh ở trường. Tuy nhiên, cách làm này chưa đủ thuyết phục, và chưa đủ sức làm thay đổi suy nghĩ hay thái độ của những học sinh thực sự cá biệt.

Hai mươi năm qua, ngành giáo dục rất nhiều lần thay đổi sách giáo khoa, thay đổi phương pháp giảng dạy, cách đánh giá học sinh, nhưng hình thức kỷ luật học sinh như vậy có thực sự hiệu quả đến mức vẫn không thay đổi theo năm tháng?

  • Nguyễn Thị Phương Thảo (ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu)