Có lần, tôi đọc được trên áo thun của một bạn trẻ: “Tôi thích tất cả mọi người. Có người tôi thích được ở gần. Có người tôi thích làm việc chung. Có người tôi thích tránh xa. Có người tôi thích cho một cú đấm vào mặt”.

Là một câu nói vui nhưng lại là sự thật. Mỗi người chúng ta thường thấy có đủ bốn loại người trên trong công ty của mình.

Cái gì làm nên sự khác nhau ấy?

Cái gì làm một người luôn luôn nhận được sự hỗ trợ của người khác, trong khi có người chỉ nhận được sự oán ghét và xa lánh?

Cái gì làm nên sự thành công của một người, từ đó dẫn đến sự thành công của công ty họ đang làm việc?

Chị Thu Sơn, Giám đốc Công ty PeopleLink, chuyên cung cấp dịch vụ nhân sự cho ngành bán lẻ, nhận xét:

“Đấy chính là điều nhà trường không cung cấp đầy đủ cho học sinh, kể cả sinh viên đại học. Đó là kỹ năng làm việc, cách làm việc theo nhóm, kỹ năng đàm phán, cách thuyết trình, cách giao tiếp ứng xử… Thiếu điều này, nhiều sinh viên mới ra trường rất khó xin việc”.

Những người đã làm việc ở các công ty đa quốc gia thường nghe công thức về một người mà công ty nào cũng săn tìm: KASH (viết tắt của Knowledge, Attitude, Skills, Habit; tức là kiến thức, thái độ, kỹ năng, và thói quen).

Theo anh Tom Guerin, người Mỹ đã làm việc nhiều năm ở Việt Nam, giám đốc công ty quảng cáo nổi tiếng TBWA, “Trong bốn yếu tố ấy, theo tôi thái độ (Attitude) là cái người Việt đang thiếu”. Thái độ làm việc và cách ứng xử nơi công sở chính là một phần quan trọng của các kỹ năng mềm mà chúng ta phải đưa vào việc giáo dục cho thế hệ trẻ.

Theo Đặng Thị Ngọc Diễm (Trưởng phòng Marketing, Công ty Focus Asia) - Phụ nữ Online

Kỹ năng mềm hình thành từ sinh hoạt gia đình

 Đề tài nghiên cứu cấp Bộ của PGS-TS Huỳnh Văn Sơn “Phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên ở các trường sư phạm” đã chứng minh: “những sinh viên có hiểu biết về kỹ năng mềm thì kết quả học tập tốt hơn và tỷ lệ có được việc làm khi ra trường cũng cao hơn”.

Kỹ năng mềm ngày càng thể hiện rõ vai trò, đặc biệt là với giới trẻ ở các đô thị, thành phố lớn. Các đơn vị dạy về kỹ năng ồ ạt ra đời. Vậy tại sao, khi đi làm, giới trẻ vẫn bị đánh giá thiếu kỹ năng mềm và không biết cách làm việc?

Kỹ năng mềm, không phải cần mới “luyện” mà phải xem như yếu tố để dạy cho trẻ trong tiến trình hình thành năng lực và sự trưởng thành của trẻ. Thay vì thăm hỏi người thân, cùng chơi và trải nghiệm cuộc sống với con thì ta lại “úm” trẻ trong bốn bức tường, cung cấp mọi thứ như internet, smartphone, và biến chúng thành “gà công nghiệp” vì lý do “không có thời gian” của chính chúng ta. Trách thế hệ Y một thì lỗi giáo dục từ thế hệ X đến mười, đến trăm lần.

Kỹ năng còn được hình thành từ sinh hoạt trong gia đình như tự sắp xếp vật dụng, phòng ở, thời gian biểu học tập; đi thưa về trình... Nhỏ thôi nhưng chính những điều căn bản này hình thành kỹ năng giao tiếp, sự hợp tác, kỷ luật, quản lý thời gian, lập trường cho trẻ trong sự trưởng thành về sau.

  • Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt)