Có một ngôi trường ở Mỹ rất hấp dẫn các bậc phụ huynh đang làm việc cho những công ty công nghệ hàng đầu như Google, Apple, Yahoo hay Hewlett-Packard.

Công cụ giảng dạy chính của trường là bất cứ thứ gì ngoại trừ các thiết bị công nghệ cao: bút, giấy, kim đan, đôi khi là cả bùn. Không hề có bóng dáng của những chiếc máy vi tính. Chúng không được phép xuất hiện trong các phòng học. Thậm chí, nhà trường còn không đồng ý cho học sinh sử dụng máy tính ở nhà.

{keywords}

Trường Waldorf ở Los Altos, California. Bryn Perry đang nằm đọc sách trên bàn

Càng hiểu rõ càng muốn tránh xa

Trong khi các trường học trên khắp nước Mỹ ào ạt trang bị những thiết bị công nghệ cao cho mỗi lớp học, thậm chí nhiều nhà hoạch định chính sách còn cho rằng thật ngu ngốc khi làm khác đi; thì quan điểm trái ngược hoàn toàn lại được tìm thấy ở tâm của nền kinh tế công nghệ cao – nơi mà một số phụ huynh và nhà giáo dục muốn gửi đi một thông điệp: máy vi tính và trường học không thể ở chung với nhau.

Ngôi trường đặc biệt này là Trường Waldorf ở Peninsula – một trong khoảng 160 trường theo phương pháp Waldorf. Phương pháp này tập trung vào hoạt động thể chất và học tập thông qua các hoạt động sáng tạo, bằng tay. Những người ủng hộ phương pháp này cho rằng máy vi tính ức chế tư duy sáng tạo, sự tương tác giữa con người và khả năng tập trung.

Phương pháp Waldorf đã tồn tại gần một thế kỷ, nhưng vị trí của nó giữa thời đại kỹ thuật số lại làm dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi về vai trò của máy vi tính trong giáo dục.

“Về cơ bản, tôi bác bỏ quan niệm bạn cần phải có sự hỗ trợ của công nghệ ở các trường từ tiểu học trở xuống” – anh Alan Eagle, 50 tuổi có con gái Andie hiện đang học ở trường Waldorf chia sẻ. “Việc cho rằng một ứng dụng trên iPad có thể dạy bọn trẻ viết đọc hay làm tính tốt hơn, thật là vô lý”.

Anh Eagle cũng hiểu biết chút ít về công nghệ. Anh có bằng khoa học máy tính từ ĐH Dartmouth và hiện đang là giám đốc truyền thông tại Google. Công việc chính của anh là viết các bài phát biểu cho chủ tịch Eric E.Schmidt. Anh sử dụng iPad và điện thoại thông minh nhưng anh nói rằng cô con gái đang học lớp 5 không biết sử dụng Google, còn con trai anh, 13 tuổi thì mới đang học cách. (Bắt đầu từ lớp 8 trường này mới cho phép sử dụng công nghệ nhưng rất hạn chế).

¾ học sinh ở đây có bố mẹ đang làm những công việc có liên quan nhiều tới công nghệ. “Nếu tôi làm việc ở Miramax và sản xuất ra những bộ phim hay, nghệ thuật, những bộ phim cấm tuổi 17 thì tôi sẽ không muốn con mình xem chúng cho tới khi đủ 17 tuổi” – anh Eagle nói.

Hiệu quả gây tranh cãi

Trong khi những ngôi trường khác tự hào về thiết bị công nghệ trang bị đầy phòng học thì trường Waldorf trông rất đơn giản: bảng đen với phấn màu, giá sách với những cuốn bách khoa toàn thư, bàn gỗ chỉ toàn sách bài tập và bút chì.

Vào ngày thứ 3, cô Andie Eagle cùng với các học trò lớp 5 làm mới kỹ năng đan len, chọc kim đan bằng gỗ xung quanh cuộn len tròn, làm mẫu vải. Nhà trường cho rằng hoạt động này giúp phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề,kỹ năng toán học và phối hợp. Mục tiêu lâu dài là: đan tất.

Học sinh lớp 2 thì đứng thành vòng tròn học kỹ năng ngôn ngữ bằng cách nhắc lại câu thơ mà giáo viên đọc trong khi vừa chơi trò đuổi bắt với túi đậu. Đây là một bài tập nhằm đồng bộ hóa cơ thể và bộ não.

{keywords}

Cô Cathy Waheed đang hướng dẫn Shira Zeev, một học sinh lớp 5. Các phụ huynh Waldorf rất vui khi tách được con ra khỏi các thiết bị công nghệ

Một số chuyên gia giáo dục cho rằng việc thúc đẩy trang bị máy vi tính cho lớp học để có kết quả tốt hơn là không có cơ sở bởi vì chưa có dữ liệu nào cho thấy điểm thi hay các yếu tố khác tốt hơn.

Còn việc học phân số qua việc chia bánh và đan len có tốt hơn không? Những người ủng hộ Waldorf lại khiến vấn đề này khó đánh giá hơn, một phần là vì các trường tư mà họ quản lý không có những bài kiểm tra chuẩn hóa ở cấp tiểu học. Và họ sẽ là những người đầu tiên thừa nhận rằng học sinh của mình có thể không đạt điểm tốt trong những bài kiểm tra này bởi vì, như họ nói, họ không dạy theo chương trình toán học và đọc hiểu chuẩn hóa.

Khi được hỏi về bằng chứng cho thấy hiệu quả của các trường Waldorf, Hiệp hội các trường Waldorf Bắc Mỹ đưa ra một nghiên cứu cho thấy 94% học sinh tốt nghiệp các trường phổ thông Waldorf ở Mỹ từ năm 1994 tới năm 2004 học đại học, trong đó nhiều em học ở các trường danh giá như Oberlin, Berkeley và Vassar.

Tất nhiên, con số này không có gì đáng ngạc nhiên vì đây là những học sinh tới từ các gia đình coi trọng giáo dục đủ để tìm một trường tư tốt cho con em mình và thường họ cũng đủ khả năng chi trả học phí. Cũng thật khó để tách hiệu quả của phương pháp Waldorf với các yếu tố khác. Ví dụ như phụ huynh của các em học trường Waldorf Los Altos cho biết trường này thu hút những giáo viên xuất sắc, được đào tạo rất kỹ về phương pháp Waldorf.

Công nghệ thấp đòi hỏi tư duy tự do

Những người ủng hộ phương pháp sử dụng công nghệ trong lớp học thì cho rằng máy vi tính có thể thu hút sự chú ý của học sinh và những đứa trẻ bị tách khỏi các thiết bị điện tử sẽ không theo kịp khi sau này phải sử dụng tới.

Pierre Laurent, 50 tuổi – cựu nhân viên của Intel và Microsoft, hiện có 3 con đều đang học ở trường Waldorf và vợ anh cũng đang là một giáo viên ở đây từ năm 2006.

Trong khi những ông bố bà mẹ khác cho rằng trẻ cần tiếp xúc với công nghệ để cạnh tranh trong thế giới hiện đại thì những phụ huynh Waldorf nói: “Cần gì phải vội khi mà học những kỹ năng này quá dễ”.

“Dễ như sử dụng kem đánh răng” – anh Eagle nói. “Ở Google và tất cả những nơi khác, chúng tôi biến công nghệ trở thành một thứ làm chết não, dễ sử dụng nhất có thế. Vì thế không có lý do gì bọn trẻ không thể học được khi lớn lên”.

Học phí ở các trường Waldorf không hề rẻ. Học phí một năm ở các trường thuộc thung lũng Silicon là 17.750 USD từ cấp mầm non tới lớp 8 và 24.400 USD với học sinh trung học. Những phụ huynh Waldorf điển hình thường là những người có xu hướng tự do và học vấn cao. Họ có quan điểm mạnh mẽ về giáo dục và họ cũng có đủ kiến thức để dạy con về công nghệ sau này.

Trong khi đó, các học sinh của Waldorf thì nói rằng họ không ham công nghệ nhưng cũng không hoàn toàn “lạnh lùng” trước nó. Cô bé Andie Eagle và các bạn cùng lớp cho biết thỉnh thoảng có xem phim. Một cô bé có bố là kỹ sư của Apple tiết lộ, thỉnh thoảng ông bố có yêu cầu thử giúp trò chơi điện tử mà ông đang làm. Một cậu bé khác thì nói rằng thường chơi chương trình chuyến bay giả tưởng vào cuối tuần.

Các em nói rằng có thể sẽ rất thất vọng nếu như cha mẹ và người thân cứ suốt ngày ôm điện thoại và các thiết bị khác. Aurad Kamkar, 11 tuổi kể rằng mới đây em tới thăm người anh họ và thấy cậu kia ngồi nghịch máy tính cùng 5 người khác mà không thèm chú ý gì tới Kamkar. Và cậu đã vẫy tay và nói: “Các anh, em ở đây cơ mà”.

Finn Heilig, 10 tuổi, có bố làm việc ở Google thì chia sẻ rằng cậu thích học với bút và giấy hơn là trên máy tính, bởi vì cậu có thể theo dõi sự tiến bộ của mình qua từng năm.

“Bạn có thể nhìn lại và thấy hồi năm lớp 1 bạn viết ẩu đến mức nào. Bạn không thể làm được điều đó khi học với máy tính vì chữ in thì giống nhau cả” – Finn nói. “Ngoài ra, nếu bạn học viết trên giấy, bạn vẫn có thể viết nếu bị đánh đổ nước hay mất điện. Với máy tính thì không”.

  • Nguyễn Thảo (Theo New York Times)