Một trường mẫu giáo ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc vừa buộc phải đóng cửa sau khi những hình ảnh cho thấy các bé phải quỳ trên sàn nhà xi măng để ăn cơm được lan truyền trên mạng xã hội nước này, làm dấy lên làn sóng phản đối dữ dội về tình trạng lạm dụng trẻ em.

Cơ quan quản lý giáo dục của địa phương xác nhận Trường mầm non Xiaoliongren đã đóng cửa và hiệu trưởng trường này sẽ nói lời xin lỗi tất cả phụ huynh có con đã học ở đây. Tất cả các bé học trường này sẽ được chuyển giao đến những trường mầm non khác trên địa bàn.

  {keywords}

Hình ảnh các trẻ mầm non quỳ gối trên nền xi măng ăn cơm.

Trước đó, ông Li – hiệu trưởng nhà trường đã bị chỉ trích vì phản ứng ban đầu khi nói rằng đây là những bức ảnh do một giáo viên cũ đã bị đuổi việc chụp. “Tôi nghĩ rằng giáo viên đó đã bắt học sinh quỳ gối trước khi chụp ảnh” – ông nói.

Trước câu trả lời này, cộng đồng mạng cho rằng ông Li đang trốn tránh trách nhiệm.

Trong khi đó, nhân viên cũ mà ông Li nhắc đến – cũng là người đăng tải những bức ảnh - cũng lên tiếng đáp trả. Cô cho biết việc công bố những bức ảnh không phải là để trả thù bởi vì cô quyết định nghỉ việc là do những lý do khác.

Nhân viên này nói rằng những bức ảnh được chụp vào nhiều ngày khác nhau. Điều này chứng tỏ việc bắt các em quỳ gối là một việc làm thường xuyên.

Đây không phải là lần đầu tiên một trường mầm non của Trung Quốc gây ra bê bối khiến dư luận phẫn nộ.

Năm ngoái, Bộ Giáo dục, Y tế và Kế hoạch hóa gia đình nước này đã thanh tra một loạt các trường mầm non sau nhiều báo cáo tiêu cực.

Tháng 5 năm ngoái, một giáo viên mầm non ở Bắc Kinh bị quay lại cảnh đá và xô đẩy học sinh rất mạnh, gây phẫn nộ dư luận trên cả nước. Cách đây một tháng, 2 học sinh mầm non cũng tử vong, một số em phải nhập viên sau khi ăn phải thuốc chuột ở một trường thuộc Vân Nam.

Mới tuần trước, một trường mầm non ở Thiểm Tây cũng buộc phải đóng cửa vì cho học sinh uống thuốc kháng sinh khiến các em bị bệnh.

Năm ngoái, một trường cấp 2 ở Liêu Ninh cũng bị chỉ trích dữ dội khi bắt học sinh đứng suốt giờ ăn trưa để ăn nhanh hơn.

Nguyễn Thảo (Theo Shanghaiist)