Một số địa phương đã và sẽ tổ chức thi thử trong phạm vi toàn tỉnh để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia đầu tiên sẽ diễn ra sau một tháng nữa.

Ngoài kết quả thi của các trường THPT ở TP.HCM, kết quả thi thử một số địa phương khác cũng khá “choáng váng”.

{keywords}

Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân thi thử kỳ thi THPT quốc gia tại TP.HCM (Ảnh NLĐ)

Chưa có thống kê toàn tỉnh về kỳ thi thử do Sở GD-ĐT Sóc Trăng tổ chức, nhưng kết quả ở một số trường cho thấy tỉ lệ thí sinh đạt điểm "đỗ" khá thấp, có trường chỉ đạt khoảng 30%. Trường THPT Trần Văn Bảy (huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng) là trường đưa công khai kết quả thi thử trên trang web của trường. Theo đó, trường có 466 học sinh với 242 em xếp học lực cả năm đạt khá, giỏi. Trong số các môn thi, môn có số học sinh bị điểm liệt cao nhất là môn Toán với khoảng 170 em, trong đó nhiều em bị điểm 0, số học sinh bị điểm 0,25 cũng khá nhiều. Thống kê cho thấy có khoảng 239 học sinh có kết quả “H” – tức là hỏng thi…

Trước đó, Sở GD-ĐT Quảng Ngãi thông báo kết quả sơ bộ của kỳ thi tiếp cận thi THPT quốc gia tổ chức từ ngày 19 - 22.5. Theo đó, toàn tỉnh có hơn 16.600 học sinh dự thi thì có tới 60% không đủ điểm trung bình, chủ yếu rơi vào 3 môn thi bắt buộc là toán, văn và ngoại ngữ. Cụ thể: môn toán có đến 93% dưới điểm 5, bị điểm liệt 29% (dưới 1 điểm); môn văn có 90% dưới điểm 5 và 19% bị điểm liệt; môn ngoại ngữ có 96% dưới điểm 5 và 0,85% bị điểm liệt.

Đáng chú ý, trong số 138 HS lớp 12 của Trường THPT Tây Trà dự thi, ở môn toán HS có điểm cao nhất là 1,5 điểm, hơn 50% bị điểm 0. Riêng Trung tâm GDTX Tây Trà và Trường THPT Tây Trà có tỷ lệ đạt điểm trung bình là 0%.

Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) là một trường có đa số học sinh học lực khá giỏi. Trường đã tổ chức 3 đợt thi thử cho học sinh lớp 12 với mức độ tương đương đề minh họa của Bộ. Tuy nhiên, chỉ có trên 50% học sinh có điểm thi trên trung bình…

Vẫn rộn ràng thi thử

Ở thời điểm này, học sinh lớp 12, giáo viên các địa phương đang vào giai đoạn nước rút ôn tập và kiểm tra, thi thử.

Sở GD-ĐT Vĩnh Long tổ chức thi thử kỳ thi THPT quốc gia cho học sinh khối 12 trong toàn tỉnh từ ngày 28 – 31/5. Hiện nay, các trường đang trong quá trình chấm thi. Hạn cuối cùng để các trường báo cáo kết quả về Sở là ngày 15/6.

Sở GD-ĐT Nam Định cho biết sẽ tổ chức thi thử từ ngày 4/6 - 7/6. Kết quả kỳ thi thử không dùng để đánh giá xếp loại học sinh mà chỉ nhằm giúp các em làm quen với đề thi, kỹ năng làm bài thi... Từ đó các trường sẽ có những giải pháp trong việc tổ chức dạy - học trong thời gian còn lại trước khi thi thật.

Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội dự định tổ chức cho học sinh của trường và những học sinh khác có nguyện vọng tham gia thi thử vào ngày 13 và 14/6 với các môn thi là  Toán - Lý – Hóa – Tiếng Anh – Sinh – Văn. Thí sinh sẽ được phát đáp án ngay sau khi thi xong. Trường dự kiến công bố điểm thi thử vào ngày 22/6.

Bà Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa cho biết, trường đã tổ chức nhiều vòng thi thử. Cao điểm của đợt ôn tập của trường này sẽ tập trung trong tháng 6 và kết thúc bằng kỳ thi thử vào cuối tháng.

Mong điều chỉnh đề thi

Ông Võ Văn Mai, trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết Sở này đã có công văn yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch ôn tập trong tháng 6 và thông báo cho học sinh biết để các em đăng ký.

Tuy nhiên, Sở GD-ĐT Nghệ An sẽ không tổ chức thi thử cho học sinh, mà công việc này do các trường chủ động thực hiện. Theo ông Mai, ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố, các trường đã tiếp cận với đề thi minh họa, hình dung cấu trúc, mức độ phân hóa của đề thi, từ đó có phương án điều chỉnh kế hoạch học tập và ôn luyện cho học sinh.

“Với sự chuẩn bị kỹ càng cho học sinh như hiện nay, tôi tin rằng tỉ lệ đỗ tốt nghiệp và trúng tuyển ĐH, CĐ của Nghệ An sẽ vẫn ổn định như các năm trước” - ông Mai chia sẻ.

Sở GD-ĐT Hà Nội không có chủ trương đứng ra tổ chức thi thử. Tuy nhiên, Sở yêu cầu các trường phải đảm bảo chất lượng kỳ thi thử đánh giá đúng năng lực của học sinh. “Việc tổ chức thi thử phải theo nguyện vọng của học sinh, không bắt buộc và không được thu tiền” - ông Phạm Văn Đại, phó giám đốc Sở cho biết.

Hai tỉnh miền núi là Hà Giang và Tuyên Quang cũng không tổ chức thi thử trên quy mô toàn tỉnh. “Các trường đã tiến hành khảo sát học sinh của trường mình. Theo các trường báo cáo lại, kết quả thi thử của học sinh có từ mức thấp, tới trung bình và mức cao” – ông Vũ Văn Sử, giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang cho biết.

Mặc dù không có kết quả thống kê toàn tỉnh về thi thử của học sinh, nhưng điều mà cả Sở GD-ĐT Tuyên Quang và Hà Giang đều lo lắng là mức độ của đề thi. Ông Sử cho rằng “Năm nay chỉ có một đề thi chung cho thí sinh THPT và thí sinh giáo dục thường xuyên. Chính vì thế cần phải ra đề làm sao để đảm bảo cả hai đối tượng này có thể làm được bài”.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT): Ngay sau khi đề thi minh họa đưa lên mạng, Cục đã có bộ phận phân tích chi tiết cụ thể trên tinh thần tiếp thu nghiêm túc, để chỉnh sửa đề thi sao cho tạo thuận lợi nhất cho thí sinh. Hiện tại Bộ GD-ĐT đã tiếp thu và quyết định sẽ không trộn lẫn câu hỏi dễ, khó trong đề thi mà phân định rõ ràng để tạo điều kiện cho thí sinh. Cụ thể, cấu trúc đề thi gồm khối câu hỏi cơ bản và khối câu hỏi nâng cao được tách riêng biệt.

Bên cạnh đó, điều kiện xét tốt nghiệp cho học sinh không chỉ có điểm trung bình 4 môn thi mà còn tính cả điểm trung bình của học sinh trong năm lớp 12. Ngoài ra, còn điểm khuyến khích theo đối tượng, theo khu vực. Vì vậy các em học sinh, phụ huynh không nên quá lo lắng.

Ngân Anh