- Tâm sự của những cử nhân làm việc trái ngành, trái nghề đã mang đến một góc nhìn mới về vấn đề việc làm sau khi tốt nghiệp đại học.

Học đại học theo cảm hứng

Tốt nghiệp năm 2011, N.T. Dung, cử nhân ngành Công nghệ thông tin của một trường CĐ ở Hà Nội đã rẽ sang hướng đi mới: Tìm việc trong lĩnh vực kinh doanh.

Dung chia sẻ rằng mình chưa từng làm công việc nào liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin và cũng không có ý định sẽ theo đuổi công việc này. Ngay sau khi ra trường em đã thử sức với nhiều hoạt động buôn bán nhỏ và thấy phù hợp.

  {keywords}
Hình ảnh minh họa

Thời gian đầu đi làm, Dung hoàn toàn là “lính mới”, nhưng được công ty đào tạo về chuyên môn, cộng với chịu khó học hỏi từ các đồng nghiệp nên nhanh chóng bắt nhịp được. Điều khiến Dung cảm thấy vui nhất là thu nhập từ công việc này không chỉ đủ trang trải cho cuộc sống tự lập mà còn có điều kiện giúp đỡ bố mẹ.

Trả lời câu hỏi về việc tại sao lại không tìm một công việc đúng chuyên ngành đã học, Dung thẳng thắn: Thực ra khi chọn ngành học em cũng chưa suy nghĩ kỹ, chưa hiểu rõ mình có phù hợp với công việc này hay không mà chỉ chọn theo cảm hứng, đến khi vào học, hiểu rõ về nó thì không thích nữa. Vốn thích kinh doanh nên em đã nộp hồ sơ vào rất nhiều công ty, cuối cùng cũng có được một bến đỗ.

Với Dung làm đúng nghề hay trái nghề không phải là vấn đề. Điều quan trọng khi bạn đã được nhà tuyển dụng chấp nhận, hãy chứng tỏ với họ rằng bạn hoàn toàn đủ khả năng làm tốt công việc. Cơ hội thăng tiến, lương thưởng và các chế độ đãi ngộ xứng đáng sẽ đến với những người thực sự cố gắng và quyết tâm cao trong công việc.

Không có tiền chạy việc

Cử nhân hành chính làm quản lý hàng tại siêu thị cho một công ty bánh kẹo, khi làm đúng nghề ở một công ty xây dựng lại bỏ việc vì lương thấp, nợ lương kéo dài. Cuối cùng chọn mở cửa hàng tạp hóa, tự kinh doanh buôn bán là câu chuyện việc làm của Đ.Thúy - tốt nghiệp Học viện Hành chính quốc gia.

Thúy bảo, không thể ngờ công việc hành chính lại khó xin việc đến thế, nếu có xin được việc thì lương hành chính cũng rất thấp. Vì thế sau khi tốt nghiệp Thúy không về quê mà ở lại Hà Nội để tìm việc.

Đã có thời gian gia đình muốn xin cho em vào nhà nước vì con gái cần công việc ổn định rồi lấy chồng, sinh con nhưng Thúy không muốn vì nghĩ rằng số tiền chạy việc vào nhà nước dùng để phát triển kinh doanh sẽ hiệu quả hơn. Bởi công việc hành chính lương thấp thì phải làm bao lâu mới bù lại số tiền chạy việc cả trăm triệu.

Theo lời kể của Thúy, rất nhiều bạn bè cùng lớp cũng đang làm trái nghề, người bán hàng online, người làm spa, người làm kinh doanh hoặc học ngành khác… Việc không làm đúng ngành đã để lại một chút luyến tiếc nhưng qua một thời gian họ đều tìm thấy niềm vui trong công việc mới, đam mê và yêu thích công việc của mình, nhất là khi công việc đi vào nền nếp, thu nhập ổn định...

Chia sẻ về việc cử nhân làm trái nghề ngày càng nhiều, Thúy cho rằng đó là chuyện hết sức bình thường. Thời điểm thi vào ĐH mình chỉ nghĩ đơn giản là học ở trường nổi tiếng thì sau này sẽ dễ xin việc, chọn khoa hành chính vì phù hợp với con gái chứ chưa nghĩ đến nhu cầu xã hội và thu nhập. Thời gian hơn một năm làm quản lý hàng ở các siêu thị trước đây đã cho mình rất nhiều kinh nghiệm trong việc kinh doanh, buôn bán. Sau khi trải qua cả việc làm trái ngành và đúng ngành, hiện tại Thúy hài lòng với sự lựa chọn của mình.

Học và thực tế khác nhau

Là cử nhân ngành quản trị kinh doanh, thạc sĩ kinh tế (Trường ĐH Lâm nghiệp) nhưng N.T. Đạt không đi theo con đường kinh doanh, cũng không mặn mà với công việc nhà nước. Hiện nay Đạt đang làm việc trong một công ty truyền thông, tổ chức sự kiện, một lĩnh vực khá xa chuyên ngành đã học. Đạt cho biết đây là một công việc tốt, năng động, giao thiệp rộng, giúp mình hoàn thiện bản thân nên em quyết tâm học hỏi.

Theo Đạt, với bất kỳ công việc gì cũng cần phải có sự tìm hiểu thật kỹ để hiểu mình có phù hợp hay không và phải làm việc bằng cả tâm trí và sức lực của mình. Việc học trong trường và thực tế đi làm rất khác nhau nên bằng cấp cũng chỉ là nền tảng để mình tiếp tục học hỏi, hoàn thiện bản thân chứ không phải là “bùa hộ mệnh” giúp mình làm tốt mọi việc.

Nhiều người nói rằng đã là thạc sĩ thì phải cố xin vào nhà nước để có cơ hội thăng tiến, nhưng Đạt cho rằng làm nhà nước hay làm ngoài không quan trọng. Chỉ cần có một công việc mình yêu thích, một môi trường làm việc tốt, chuyên nghiệp, phù hợp với khả năng, có thu nhập ổn định để đảm bảo tốt cuộc sống là được.

Làm trái ngành không phải ngõ cụt

Cất tấm bằng cử nhân ngành Du lịch - khách sạn (Trường ĐH dân lập Hải Phòng) còn thơm mùi mực, gần 10 năm nay Đ.V.Anh cũng đã quên ước mơ trở thành một hướng dẫn viên du lịch.

V.Anh cho biết: Tưởng rằng cuộc đời sẽ là những chuyến đi hấp dẫn mình, nhưng khi thực sự tiếp xúc với nghề mới thấy công việc này có rất nhiều khó khăn, nhất là với nữ giới, khi có gia đình. Khi đi xin việc, vì không đúng chuyên ngành nên chấp nhận làm cả những công việc nhỏ như bán mỹ phẩm, nhân viên spa, sau đó làm PG cho một hãng kinh doanh về thực phẩm.

Những ngày đầu đi làm rất khó khăn, trong đội hình mình là người nhiều tuổi nhất nhưng lại không có kinh nghiệm gì. Tuy nhiên mình làm miệt mài, cố gắng bằng mọi giá để bán được hàng, thậm chí làm thêm giờ mà không đòi hỏi lương. Đêm ngủ còn mơ đến việc đang giới thiệu hàng cho khách thế nào. Đi làm về muộn, phải chăm lo gia đình, con cái nhưng vẫn cố gắng thức đến 1, 2 giờ đêm để tìm hiểu cách bán hàng, tìm hiểu đối thủ và cả sản phẩm cùng loại.

Sau một thời gian ngắn, vượt qua rất nhiều các đồng nghiệp làm lâu năm, V.Anh được thăng chức trưởng phòng phụ trách kinh doanh và nhân sự. Công ty do người nước ngoài làm chủ nên năng lực được đánh giá qua hiệu quả làm việc, điều này càng tạo động lực để V. Anh phấn đấu, luôn được giám đốc và đồng nghiệp đánh giá cao.

Khép lại câu chuyện của mình, V. Anh khẳng định việc làm trái ngành, trái nghề không phải là “ngõ cụt” hay “bi kịch” với các cử nhân đại học. Chỉ cần có lòng tin, có đam mê, quyết tâm, chủ động nắm bắt cơ hội và cố gắng hết mình thì sẽ có được những công việc tốt…

  • Đỗ Quyên