Gần một nửa các trường đại học của Nhật Bản đang đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn sẽ phải bỏ các ngành này theo đề nghị của Chính phủ - tờ Times Higher Education đưa tin.

{keywords}
Ảnh minh họa

Chính phủ Nhật đã yêu cầu các trường đại học bỏ các ngành khoa học xã hội nhân văn để tập trung vào những ngành đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội. 26 trong số 60 trường đại học của Nhật đã chấp nhận đề xuất này.

Trong một biên bản gửi hiệu trưởng các trường hồi tháng 6, Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản – ông Hakubun Shimomura nói rằng các trường nên đóng cửa hoàn toàn những ngành này. Đồng thời, ông cũng nhắc nhở các trường rằng họ đang nhận ngân sách từ Chính phủ.

Hai trong số những trường hàng đầu của Nhật Bản là ĐH Kyoto và ĐH Tokyo đã từ chối đề nghị của ông Shimomura.

Hội đồng Khoa học Nhật Bản đã đưa ra một tuyên bố nhấn mạnh “những quan ngại sâu sắc về tác động nghiêm trọng của chỉ thị này đối với tương lai của lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn Nhật Bản và hơn hết là bản thân các trường đại học, bất kể là trường hoạt động theo ngân sách công hay tư”.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng các trường đại học nên tập trung vào đào tạo nghề và nghiên cứu thực tiễn.

Tờ Wall Street Journal bình luận: “Hướng đi này là một phần trong những nỗ lực của ông Abe trong việc thổi bùng sức sống cho Nhật Bản, mang đến nhiều hơn sự năng động và đổi mới với nền kinh tế thông qua sự tập trung mạnh hơn vào nghiên cứu, cũng như tăng tính cạnh tranh của các cử nhân. Nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm các chương trình đào tạo nhân viên và trông chờ các trường đại học sẽ làm việc đó thay họ”.

Đây cũng là một phần trong kế hoạch của ông Abe nhằm đưa 10 trường đại học Nhật Bản có mặt trong danh sách 100 trường tốt nhất thế giới trong thập kỷ tới.

Một bài bình luận giáo dục trên Thời báo Nhật Bản đã phản bác lại logic của Thủ tướng Abe và Bộ trưởng Shimomura. “Nghiên cứu về văn học, lịch sử, triết học và khoa học xã hội là rất cần thiết trong việc tạo ra những con người có thể quan sát sự phát triển của xã hội và chính trị bằng con mắt phản biện” – tờ này viết. “Động thái của ông Shimomura có thể được hiểu là một nỗ lực của Chính phủ nhằm tạo ra những con người chỉ biết chấp nhận những việc mà Chính phủ đang làm mà không hề có phản biện”.

  • Nguyễn Thảo (Theo Fusion)

Xem thêm: