Nhà giáo Khánh Ngọc gửi bài viết đến VietNamNet phàn nàn, giáo viên các trường hiện nay đang bị “bội thực” bởi các hội thi liên tục được tổ chức trong năm học.

Nếu nhẩm tính sơ sơ những hội thi “có tên tuổi” cũng có tới nửa chục. Tôi xin liệt kê, hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp thị, cấp tỉnh. Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường, cấp thị, cấp tỉnh...Chưa nói đến việc các hội thi thường tổ chức chồng chéo với nhau.

Có những năm, có giáo viên vừa thi xong cấp trường, quay qua lo đợt thi cấp thị. Từ hội thi cấp trường đến cấp tỉnh đều phải trải qua 3 vòng thi giống nhau từ sáng kiến kinh nghiệm, vòng thi năng lực đến thi 2 tiết dạy...

{keywords}
Ảnh có tính chất minh họa

Mà phần thi năng lực mới nhiêu khê, kiến thức nặng về một số văn bản pháp luật, ngày tháng ban hành và có hiệu lực, một số nội dung về điều lệ trường học, công tác phổ cập xóa mù...nhưng kiến thức về phương pháp và hình thức tổ chức lớp học đạt hiệu quả từ những kinh nghiệm thực tế của giáo viên lại quá ít. Vì thế, việc thầy cô giáo đi thi phải bỏ không ít thời gian để học thuộc hàng đống nội dung văn bản kia quả là áp lực không hề nhỏ.

Hàng ngày, thầy cô rời nhà từ 6 giờ sáng, trở về nhà cũng vừa tối nên việc học bài, lo cho công tác thi đôi khi cũng phải tranh thủ thêm thời gian ở trường. Việc lơ là với học sinh của lớp hay việc nhờ người dạy thay vì thế cũng thường xuyên xảy ra.

Đâu phải cá nhân một người đi thi mới lo lắng. Theo lời một ban giám hiệu: “Họ là đại diện cho cả trường, thành công không chỉ cho cá nhân mỗi người mà cho cả một tập thể. Vì thế mọi người cùng chung tay hỗ trợ”. Thế là, từ tổ trưởng các tổ chuyên môn, các giáo viên dạy giỏi còn thời hạn bảo lưu đến ban giám hiệu đều tất bật chăm lo cho những thành viên đi thi từ tài liệu, đồ dùng dạy học, thiết kế bài dạy, thời gian lên lớp đến cả sáng kiến kinh nghiệm...

Số lượng giáo viên một trường dự thi có khi lên đến con số mười mấy người. Để đạt đúng chỉ tiêu số lượng giáo viên dạy giỏi của từng trường (chẳng hạn trường chuẩn Quốc gia phải có 30% giáo viên dạy giỏi cấp thị trở lên) nên cấp trên thường  cho những trường học này số lượng nhiều giáo viên được dự thi nhiều. Chỉ tiêu cần đạt quan trọng hơn nhiều tài năng của giáo viên tham dự.

Các hội thi giáo viên dạy giỏi còn mang tính hình thức cao. Chỉ tính hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường năm nào cũng tổ chức nhưng như một số người nói: “Chưa thi đã biết đậu rồi” bởi có ai bị rớt đâu, họa hoằm lắm mới có một người  bị sự cố gì đó không thể du di được.

Chưa hết “bội thực” với hội thi giáo viên dạy giỏi thì vài năm trở lại đây, ngành giáo dục còn tổ chức thêm hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi. Ở từng trường, giáo viên không ai hào hứng đi thi vì “Vừa tốn thời gian công sức lại chẳng được gì hết”. Nhưng trước sức ép của Ban giám hiệu các trường, nhiều thầy cô không thể chối từ. Do vậy, chưa hẳn những thầy cô được cử đi thi đã thật sự là những người làm công tác chủ nhiệm giỏi, là người thật sự nổi bật của các trường.

Chính vì thế, dù có thi đậu cấp này, cấp nọ nhưng thực tế ở trường học những giáo viên này cũng chỉ như một số thầy cô giáo bình thường khác chứ ít có được sự nổi trội khác biệt. Nhiều người nói vui: “Cái khác là có được cái giấy công nhận giáo viên chủ nhiệm giỏi mà thôi”.

Giáo viên mệt mỏi tham gia các hội thi, học sinh mới là người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Trong hàng tháng trời, các em ít có được sự quan tâm của thầy cô giáo chủ nhiệm của mình, chưa nói đến việc ở một số nơi, một số trường, học sinh còn được đưa ra làm “vật thí nghiệm” cho những giờ dạy thử của những giáo viên đi thi. Có người không chỉ dạy một lần mà dạy tới, dạy lui đến vài lần, chỉ khổ cho các em phải học đi học lại đến nhàm chán.

Nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh luôn là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất. Việc tổ chức tràn lan các hội thi với mật độ quá dày như thế không chỉ làm lãng phí một số kinh phí của nhà nước mà còn gây áp lực, sự mệt mỏi lớn cho cả giáo viên và học sinh.

Để giảm thiểu những thiệt hại không đáng có, tạo cho giáo viên thời gian chăm lo cho từng bài dạy, ngành giáo dục cũng cần giảm thời gian tổ chức các hội thi và đơn giản một số quy định về hồ sơ tham gia hội thi như sáng kiến kinh nghiệm, giải pháp hữu ích. 

Nếu trường nào cũng 100% giáo viên dạy giỏi cấp trường cũng nên bỏ hẳn hội thi này. 

Với cấp cao hơn, nên tổ chức tách biệt dăm bảy năm một lần nhưng nội dung cũng cần xoay quanh sự hiểu biết, cách vận dụng về nội dung, phương pháp dạy học sao cho hiệu quả nhất.

Bạn có đồng quan điểm với tác giả hoặc có đề xuất mới giảm bớt việc "gây thiệt hại cho học sinh" xin gửi ý kiến về địa chỉ bangiaoduc@vietnamnet.vn. Trân trọng cảm ơn!
  • Khánh Ngọc