Hái nho trong cái nắng 40 độ C, ôm thùng hàng chạy dưới tuyết lạnh âm 30 độ C, hay vác vật liệu nặng 50 kg lên mái nhà..., nhiều du học sinh không ngại vất vả kiếm thêm thu nhập.

Sang Nga với học bổng toàn phần, học chuyên ngành Công nghệ thông tin, chàng sinh viên Nguyễn Bá Hiệp năng nổ với công việc làm thêm tại một công ty xây dựng. "Việc chính của mình là chống thấm nước cho các mái nhà và gara ôtô. Ngoài ra, những việc đào đất, dọn nhà mình cũng làm, miễn là có thu nhập".

Mỗi ngày làm việc, Hiệp nhận được 1.000 - 1.200 rúp (khoảng 300.000 đến 600.000 đồng), khá cao so với những nghề khác. Tuy nhiên, đây là công việc rất vất vả, đi làm lúc 7h sáng, có khi đến 20h mới về nhà. Đôi lúc, nam sinh này phải vác cuộn vật liệu nặng 50 - 60 kg trèo lên thang. Làm việc với ga lửa, đốt chảy vật liệu để trải lên mái dễ bị bỏng vì đồ bảo hộ sơ sài.

Ban đầu, hơn 10 sinh viên Việt Nam cùng làm việc với Hiệp, nhưng vì công việc vất vả, họ bỏ dần. "Sau mỗi buổi lao động như vậy, mình về phòng chỉ kịp ăn uống qua loa rồi ngủ luôn, sáng hôm sau lại chuẩn bị đồ ăn rồi đi làm", Bá Hiệp chia sẻ.

{keywords}

Chợ người Việt tại Nga là nơi Ngọc Anh làm thêm khi dịp hè. Ảnh: Ngọc Anh.

Cũng là du học sinh tại Nga, nhưng Phan Ngọc Anh lại thích công việc tại khu chợ người Việt. "Nói là buôn bán cho oai, thực ra mình hay tiếp xúc với các cô chú ở chợ người Việt. Họ bán hàng bận rộn nên nhờ mình đi nhập hàng giúp và trả thù lao", Ngọc Anh nói.

Có những ngày mùa đông, chàng sinh viên phải ôm thùng hàng chạy dưới tuyết lạnh âm 30 độ C để kịp giao cho khách. Nam sinh phải nắm rõ lịch tàu hoặc xe bus để đi một vòng cho tiện.

Thu nhập một mùa có khi chỉ đủ mua chiếc đồng hồ hoặc làm một năm đủ tiền thay chiếc điện thoại mới, tuy nhiên Ngọc Anh thích công việc này vì được sống gần gũi với cộng đồng người Việt.

Làm nông trại tại xứ sở chuột túi

Theo chia sẻ của Lê Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Adelaide (Australia), những bạn trẻ muốn có thu nhập cao thường chọn “làm farm”: Thu hoạch hoa quả thuê trên các nông trại.

{keywords}

Quang cảnh một nông trại ở bang Nam Úc. Ảnh: Ngọc Vinh.

Nếu chăm chỉ làm khoảng một tháng, bạn có thể kiếm được trên 4.000 AUD, đủ tiền trang trải chi phí sinh hoạt cho khoảng 4 đến 5 tháng sau đó. Tuy nhiên, một tháng trời làm việc quần quật trên nông trại trong điều kiện thời tiết 40 độ C là thách thức không nhỏ với những người chỉ quen cầm sách, bút.

Du học sinh làm công việc này phải ra đường từ 4h sáng, cả ngày phơi mặt ngoài trời trên các luống dâu tây, nho, táo. Không muốn phải đi xa, nhiều bạn dọn đồ đạc đến trọ ngay tại nông trại.

Vinh cho biết, nhìn chung, du học sinh Việt Nam thường được các công ty chọn vì ưu điểm thật thà, lại có đầu óc làm việc khoa học, cẩn thận. Tuy nhiên, nhược điểm là sức khỏe có hạn, không thể làm việc liên tục như người bản xứ.

Lương cao cũng lắm chuyện bi hài

Lương một ngày đủ tiền ăn cho cả tuần, nhưng Nguyễn Bá Hiệp gặp không ít sự cố trong quá trình làm việc. 9X bức xúc nhớ lại: "Tháng 6 và 7, họ trả lương bình thường, nhưng tháng 8, khi mình chuẩn bị nghỉ để đi học, họ chỉ trả rất ít". Không có cách nào đòi lại được, nhóm của Hiệp đành rút kinh nghiệm, yêu cầu công ty trả lương theo ngày.

Công việc vất vả và nhiều rủi ro, niềm vui lớn nhất với Hiệp là đến ngày về thăm gia đình, tiền tiết kiệm đủ trả vé máy bay.

Với công việc làm nông trại tại xứ sở chuột túi, Ngọc Vinh cho biết, đôi khi cũng có những "lời qua tiếng lại" giữa sinh viên và chủ lao động. Chuyện nhầm lẫn tiền lương hay việc mất công vượt hàng trăm km đến nơi chỉ làm 3 - 4 tiếng rồi về là điều đã xảy ra.

Còn với Phan Ngọc Anh, mỗi lần mua được lô đồ điện tử là chạy như ma đuổi cho kịp xe bus để đi giao hàng. Nhiều hôm về muộn không còn xe, tiền công không đủ trả taxi.

Cũng có khi gặp khách hàng vui tính, chàng sinh viên lại được trả công bằng bữa ăn. "Như thế vui lắm, cơm 'nhà' khác cơm sinh viên, có nhiều món nữa. Bữa ăn có đông người cũng vui hơn là ăn một mình trong phòng trọ", Ngọc Anh chia sẻ.

Nhờ biết cân đối thời gian học và làm thêm, Ngọc Anh vẫn tốt nghiệp loại khá Đại học Tổng hợp Irkutsk, đồng thời việc đi làm cũng giúp cậu có thêm rất nhiều hiểu biết về xã hội, luật lệ, cách kê khai giấy tờ, giá cả các mặt hàng tại Nga.

(Theo Ngọc Tân/ Zing)