- Tôi xin tham gia một câu chuyện họp lớp của mẹ tôi. Chuyện của bà có lẽ là niềm mơ ước của bọn trẻ như chúng tôi. 

Mẹ tôi thuộc thế hệ 6X đời đầu. Ngày xưa, mẹ tôi học trường Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Vinh (Nghệ An), một ngôi trường mà theo mẹ tôi kể là toàn người học giỏi, thành đạt, làm to. Không ít cựu học sinh trường giờ làm lên đến Bộ trưởng, Thứ trưởng, lãnh đạo cấp cao của tỉnh. 

Và tất nhiên, nhiều cựu học sinh cũng rất giàu có. Lớp của mẹ tôi cũng không ngoại lệ, nhiều người bạn mẹ rất giàu có và thành đạt.

Thế hệ của mẹ ngày ấy còn khó khăn lắm nên đa số bạn bè sau khi tốt nghiệp đều rời quê đi tìm vận may, nhiều người làm nên danh vọng và địa vị ở những vùng đất xa lạ. 

Mẹ tôi cũng lưu lạc đến tận An Giang, một tỉnh miền Tây xa lắc. 

Mấy mươi năm lăn lộn với cuộc mưu sinh, cũng chẳng mấy khi có dịp về thăm quê chứ đừng nói đến việc bạn bè gặp gỡ, hàn huyên.

Nhiều người mất liên lạc từ lúc tốt nghiệp đến giờ. Họp lớp thật ra cũng chỉ có nhóm bạn trên dưới 10 người vẫn sống và làm việc ở quê nhà. 

Vậy mà mới năm ngoái đây thôi, khi mọi người đã khá ổn định về kinh tế, con cái đã lớn, có công việc và sự nghiệp riêng, mọi người mới nghĩ đến chuyện tập hợp những bạn bè cũng cùng hẹn ngày về quê họp lớp. Kế hoạch được lên trước hơn 1 năm, ban liên lạc là lớp trưởng, cũng là người vẫn sống ở quê.

Còn vài tháng đến ngày họp, mẹ đã đặt vé máy bay về quê, vì đặt sớm sẽ được vé giá rẻ. 

Rồi thì điện thoại cứ réo liên tục suốt ngày, câu nói quen thuộc lại là: "Ai đấy? Đứa mô hè! Chớ mi giờ làm chi rồi, mấy đứa con rồi? Nhớ sao không hè? Mi là con X ngồi bàn 2 cạnh thằng Y chứ gì? Tau với mi toàn đi ôn bài đêm ở khu Quang Trung… ".

Những câu chuyện tưởng như dài bất tận. Mẹ tôi dường như trẻ hơn đến mấy chục tuổi, trở về cái thời 16 - 17 hồn nhiên ngày xưa. 

Mà nghĩ cũng lạ, mấy chục năm mà ngừoi nào cũng nhớ rõ về nhau, từ tính cách, chỗ ngồi, nhà ở đâu, bố mẹ làm gì, thậm chí nhớ cả có mấy anh chị em. 

Nhớ những câu chuyện mà chỉ có họ mới biết, chỉ có họ mới hiểu. 

Mẹ chuyển sang nói tiếng quê khiến nhiều khi mấy chị em và cả con bé cháu ngoại lại cười lích rích, bà ngoại nói tiếng Nghệ An kìa, rồi tập tành nói theo.  Cả nhà dường như cũng vui lây, háo hức lây theo mẹ.

Ngày mẹ về quê, trông mẹ háo hức như cô bé được đi du lịch lần đầu trong đời, dẫu rằng trong mấy mươi năm công tác, mẹ đã được đi khắp mọi miền đất nước.

Họp lớp về, mẹ vui lắm. Mẹ kể mấy mươi năm mới được gặp lại bạn cũ, tay bắt mặt mừng, cứ khóc rồi cười như trẻ nhỏ. 

Nhiều bạn khá giả, cũng có người vẫn khó khăn, tất bật với cuộc mưu sinh, có người bán quán nước, có người chỉ là anh chạy xe ôm, cứ ngập ngừng mãi không dám bước vào nhà hàng tổ chức tiệc. Nhưng bạn bè đã dang rộng vòng tay, mỗi người đã giấu nỗi xót xa để tỏ ra thoải mái như bình thường để bạn bớt chạnh lòng.

Rồi sau buổi họp mặt, những người có điều kiện hơn lại góp một khoản tiền giúp bạn, nhưng đến nhà để trao riêng chứ không trao tại buổi họp vì sợ bạn tủi thân. 

Tôi nghĩ, những buổi họp lớp như thế, rõ ràng không có khoảng cách của tiền tài, danh vọng hay địa vị. 

Chỉ là những cô cậu học trò cách đây mấy mươi năm một lần nữa ngồi lại bên nhau. Cùng sống lại lứa tuổi tươi đẹp nhất của đời người. 

Và để rồi yêu thương gần lại với yêu thương, như những người bạn đã cũng chia sẻ những buôn vui học trò, họ lại sẻ chia cùng nhau những vui buồn, khó nhọc của đời người. 

Những buổi họp lớp như thế, có lẽ là ước mơ, là mục tiêu phấn đấu của những người trẻ như chúng tôi.

Bạn đọc Trần Thị Hằng Nga