Phát biểu tại Quốc hội, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận mặc dù còn khó khăn, nhưng đầu thế kỷ 21 ngành Giáo dục có được 3 dấu mốc quan trọng, đó là: năm 2000 phổ cập bậc tiểu học, 2010 phổ cập THCS, 2015 phổ cập mầm non 5 tuổi.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã đề cập đến việc thực hiện Nghị quyết 35/2009/NQ-QH12 về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong GD-ĐT từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015, trong đó có yêu cầu trong vòng 5 năm 2010-2015 phải hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi trước Quốc hội ngày 1/4.

{keywords}

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội trường Quốc hội phiên thảo luận ngày 1/4. Ảnh: Hoàng Long.

Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Sau khi QH có nghị quyết, Chính phủ đã có Đề án 239 để triển khai.

Trong vòng 25 năm từ năm 1975-2000 chúng ta hoàn thành phổ cập tiểu học. 10 năm từ năm 2000-2010 chúng ta phấn đấu hoàn thành phổ cập THCS (hết lớp 9). Vào thời điểm đó, Chính phủ đã bàn, xem trình QH chương trình phổ cập tiếp theo sẽ là gì?

Sau đó, QH đã bàn và thống nhất quan điểm: Giáo dục là nền tảng quốc gia. Trong GD, thì GDMN là nền tảng của nền tảng này. Đây là bậc học lâu nay chưa được quan tâm, cho nên đã chọn vấn đề phổ cập GDMN 5 tuổi. Bởi, chúng ta không thể đủ sức làm cả bậc học MN - Chủ tịch cho biết.

Đây là công việc khó khăn. Thứ nhất, về nhận thức nhiều địa phương chưa quan tâm và còn có quan điểm cho rằng không cần học mẫu giáo vẫn vào lớp 1 được. Nhưng thực tế, nếu không học mẫu giáo các em vào lớp 1 không có điều kiện chuẩn bị về tâm lý. Đặc biệt, ở những vùng khó khăn, vùng núi thể lực của học sinh và khả năng tiếng Việt hạn chế. Thứ hai, phải có giáo viên. Thứ ba phải có kinh phí.

Trên cơ sở Nghị quyết của QH, Chính phủ đã triển khai Đề án phổ cập GDMN 5 tuổi. Phải khẳng định, đây là một quyết tâm chính trị có tầm nhìn khoa học và là cam kết chính trị của đất nước ta; mục tiêu là đảm bảo cơ hội bình đẳng cho trẻ em ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam; giúp các em có thể đón nhận GD tốt hơn ở bậc tiểu học.

Cùng thời điểm đó, trong các nước ASEAN cũng chưa có nước nào có chương trình phổ cập MN 5 tuổi. Nước láng giềng Trung Quốc cũng chưa có một chương trình như thế. Mục tiêu của chương trình phổ cập GDMN mà chúng ta hướng tới là nhằm đảm bảo hầu hết trẻ 5 tuổi ở mọi miền đất nước được đi học 2 buổi/ngày. 2 buổi/ngày- điều đó có nghĩa là phải có ăn trưa. Điều này với các em vùng nông thôn, miền núi là việc rất quan trọng. Các em được học đầy đủ 9 tháng - 1 năm chứ không phải học 3 tháng hè, học cấp tốc để vào lớp 1.

Cụ thể, mục tiêu của chương trình này đặt ra cho năm 2015 là có 95% trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày; 100% các trường phải dạy theo chương trình mới; 100% giáo viên MN phải có ít nhất bằng trung cấp sư phạm, trong đó 50% tổng số giáo viên trở lên vượt chuẩn, tức là phải có bằng cao đẳng sư phạm. Chính phủ đã duyệt kinh phí cho chương trình là 14.660 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước cam kết đảm bảo 81% kinh phí, 19% còn lại từ nguồn xã hội hóa để thực hiện Đề án.

Việt Nam có tỉ lệ trẻ 5 tuổi học theo chương trình quốc gia cao nhất

Sau khi Đề án được duyệt, chúng ta bước vào thời kỳ khó khăn về kinh tế. Nhưng với sự nỗ lực thu xếp kinh phí tối đa của Chính phủ, Chính phủ đã đảm bảo được 75% phần cam kết. Điều đó có nghĩa, Chính phủ thiếu 2.960 tỷ. Đối với phần xã hội hóa, đảm bảo được 66% (của 19% nguồn xã hội hóa), tức là còn thiếu 930 tỷ. Cộng lại, trong vòng 5 năm, Đề án thiếu gần 4.000 tỷ" - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề.

Tuy nhiên, sự nỗ lực tối đa của Chính phủ, lãnh đạo các địa phương, các Tỉnh/Thành ủy, UBND và ngành GD trong việc thực hiện Đề án với kết quả đạt được: Mục tiêu 95% trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày, chúng ta đạt 98,9%, vượt mức kế hoạch là 3,9%. Việt Nam trở thành nước có tỉ lệ trẻ 5 tuổi học theo chương trình quốc gia cao nhất trong ASEAN.

Về giáo viên, trước đây chúng ta chưa đạt chỉ tiêu 100% giáo viên đạt chuẩn thì chỉ trong vòng 5 năm ngành mầm non đã tăng hơn 100 nghìn giáo viên.

“Chính nhờ kết quả này mới đảm bảo số trẻ đi học MN trong 5 năm tăng 1,2 triệu cháu. Tỷ lệ giáo viên vượt chuẩn vượt mức kế hoạch. Cụ thể, kế hoạch đặt ra là 50%, chúng ta đạt 59%”- Chủ tịch dẫn dụ.

Đánh giá theo địa bàn, 97,8% số xã, phường trên cả nước đã phổ cập GDMN 5 tuổi. Đáng chú ý, có 94% số huyện đạt phổ cập GDMN 5 tuổi. Với cấp tỉnh, tiêu chuẩn đánh giá rất khắt khe. Một tỉnh muốn đạt phổ cập GDMN 5 tuổi đòi hỏi tất cả các huyện phải phổ cập MN. Tuy nhiên, hiện còn 8 tỉnh trong đó có ít nhất 1 huyện chưa đạt chuẩn, nên mới chỉ ở mức 87%.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, mặc dù còn khó khăn, nhưng chúng ta đã thành công trong thực hiện Nghị quyết số 35 của QH về phổ cập GDMN 5 tuổi. Với kết quả này, đầu thế kỷ 21 ngành GD có được 3 dấu mốc quan trọng, đó là: năm 2000 phổ cập bậc tiểu học, 2010 phổ cập THCS, 2015 phổ cập MN 5 tuổi.

"Đây là tiền đề để chúng ta tiếp tục sự nghiệp GD thời gian tới" - lời Chủ tịch. Thay mặt 4 triệu học sinh mẫu giáo cả nước, tôi xin gửi tới Chính phủ, chính quyền các địa phương và 300 nghìn thầy cô giáo MN lời cảm ơn chân thành nhất.

Hiền Anh (ghi)