- Số tiền mà người Việt chi mỗi năm cho việc du học ngang với tiền xây 5 chiếc cầu Nhật Tân nhưng cũng chỉ bằng tiền uống bia. 

Đó là quan sát của ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT về con số gây chú ý trong lĩnh vực du học mới được công bố đầu tháng 12.

Nhà báo Lê Hạnh: 3 tỷ đô là số tiền người Việt chi mỗi năm cho du học – con số này ước bằng kim ngạch xuất khẩu gạo và tương đương với số tiền bán dầu thô năm nay. Vấn đề là người Việt đã mua được gì từ chợ đào tạo giáo dục thế giới. Chương trình "Góc nhìn thẳng" của Vietnamnet trao đổi với ông Lê Trường Tùng – chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH FPT về câu chuyện này. Thưa ông, với một đất nước còn nghèo thì khát vọng học hành chỉ thể hiện qua một con số 3 tỷ đô la cho du học đã là điều rất đặc biệt. Cá nhân ông có suy nghĩ gì về con số này?

Ông Lê Trường Tùng:3 tỷ đô la Mỹ là một con số khá ấn tượng, người dân bình thường rất khó hình dung con số này to ở mức độ như thế nào.  Tính sơ bộ thì 3 tỷ đô la mỗi năm đủ để xây dựng 5 cầu Nhật Tân.

Tôi nghĩ rằng điều này thực sự là một dấu hiệu tốt. Nó chứng tỏ sự quan tâm ở khía cạnh phụ huynh sẵn sàng chi tiền cho con em mình để có điều kiện tiếp thu một nền học vấn tốt, kèm theo đó là sự phát triển trong tương lai.

Đây là truyền thống của Á Đông nói chung và là truyền thống của Việt Nam nói riêng.

Điều này cũng thể hiện dấu hiệu, sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam thời gian vừa qua. Cách đây khoảng 10 năm, số gia đình có điều kiện cho con em du học nước ngoài không phải là nhiều, còn bây giờ, con số này càng ngày càng nhiều. Du học  không phải là một ước mơ quá xa vời với khá nhiều gia đình, kể cả những gia đình trẻ hiện nay có con em bắt đầu đến tuổi học phổ thông, học đại học.

Mặt khác, đây cũng là xu hướng toàn cầu, chứ không đơn thuần chỉ diễn ra riêng ở Việt Nam.

Các số liệu thống kê của UNESCO cho thấy trong 10 năm qua, số học sinh, sinh viên du học nước ngoài trong phạm vi toàn cầu đã tăng gấp đôi, từ con số 2 triệu của năm 2000 đã lên đến con số hơn 4 triệu trong những năm gần đây.

Có khá nhiều nước có tỷ lệ sinh viên đi du học nước ngoài khá cao. Hiện nay tỷ lệ trung bình của thế giới là 2%, trong khi tỷ lệ của Việt Nam là khoảng 5%. Với nhiều nước, thực tế con số này còn lớn hơn. Có những quốc gia số sinh viên đi du học nước ngoài còn nhiều hơn số sinh viên học trong nước.

Ngay xung quanh Việt Nam, các nền kinh tế phát triển như Malaysia, Hàn Quốc – những nước có dân số chỉ bằng 1/3 hoặc ½ Việt Nam, nhưng số sinh viên đi du học nước ngoài của họ còn nhiều hơn Việt Nam.

Ngay cả các nước phát triển như Mỹ hoặc Pháp cũng có số sinh viên đi học ở các nước khác cũng nhiều hơn số sinh viên Việt Nam hiện nay đang đi học ở nước ngoài.

Nhà báo Lê HạnhTheo đánh giá của cá nhân ông thì việc người Việt đã mua như thế nào trong chợ giáo dục thế giới? Cách mua trong thời gian qua đã khôn ngoan và hiệu quả hay chưa?

Ông Lê Trường Tùng:Hiện nay, khoảng 70% số du học sinh Việt Nam học tại Mỹ, Úc, Anh và Pháp.

Đây cũng là 4 điểm đến trong bản đồ du học thế giới – tức là số lượng sinh viên từ các nước khác cũng đến nước này nhiều nhất. Điều đó chứng tỏ là lựa chọn nơi học của Việt Nam cũng đang theo xu thế chung.

Tất nhiên, tôi nghĩ rằng ở đây cũng còn yếu tố liên quan đến lịch sử nữa. Bởi vì ở Úc, Mỹ, Pháp là nơi có số lượng Việt kiều khá đông và việc học ở những nơi có quan hệ gia đình hoặc cộng đồng người Việt lớn cũng là một điều kiện thuận lợi để du học sinh dễ hòa nhập hơn.

Trong những năm gần đây, du học Anh cũng tương đối đông. Đặc biệt, có số lượng khá đông du học sinh Việt Nam học tại Nhật Bản và Hàn Quốc.

Điều này thể hiện sự phát triển quan hệ kinh tế, xã hội giữa Việt Nam và các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc khá phát triển theo cả 2 chiều. Điều đó chứng tỏ sự lựa chọn nơi nào học là việc mà các phụ huynh cần phải suy nghĩ rất nhiều.

Việc bám theo xu hướng hiện nay hoàn toàn phù hợp với quy luật chung.

Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng cũng có một số cách khác để thực hiện ước mơ du học mà vẫn đạt được chất lượng tốt mà không tốn kém nhiều hơn.

Chẳng hạn du học bán thời gian, tức là học một thời gian ở trong nước, sau đó những năm cuối học ở nước ngoài để đỡ phần chi phí, hoặc là học ở một số nước mà hiện nay chính sách học phí hoặc học bổng rất ưu đãi với sinh viên nước ngoài, như các nước ở khu vực Tây Âu: Hà Lan, Phần Lan, Đức…

Nhà báo Lê Hạnh: Thưa ông, con số 3 tỷ đô la Mỹ gần ngang tổng kim ngạch xuất khẩu gạo và tương đương với số tiền bán dầu thô, sắp tới có thể tăng lên nữa, chứng tỏ là nguồn tiềm năng này còn khá dồi dào. Ông có buồn hay không khi mà cơ chế chính sách trong việc nâng cao chất lượng đào tạo trong nước còn bất cập khiến chúng ta gần như là hoàn toàn xuất siêu trong lĩnh vực vô cùng quan trọng này?

Ông Lê Trường Tùng:Tôi nghĩ đó cũng là xu thế chung. Đối với những nước kém phát triển và nền giáo dục chưa được phát triển lắm thì việc xuất siêu, mà thực tế là nhập siêu – tức là mình trả tiền cho nước ngoài để thụ hưởng dịch vụ sản phẩm thì gọi là nhập chứ không phải là xuất – thì nhiều nước khác cũng lâm vào tình hình tương tự.

Mỗi nước sẽ có cách giải quyết riêng. Tất nhiên cách thức giải quyết đơn giản nhất là nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học. Để trên cơ sở đó thì một số sinh viên đáng lẽ đi du học nước ngoài sẽ học ở trong nước. Tuy nhiên, vấn đề nâng cao chất lượng của cả một hệ thống giáo dục đại học cần phải có thời gian.

Một cách thức mà một số nước làm nhanh hơn là biến quốc gia của mình thành một điểm tập trung của một số trường đại học có tên tuổi trên thế giới bằng cách xây dựng một số khu tập trung như các khu công nghệ cao chẳng hạn, nhưng đối tác tham gia vào khu này là những trường đại học có tên tuổi. Và thay vì đến một quốc gia nào đó để học thì có thể học chính đại học đó nhưng ngay tại quê hương mình.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng đang có một xu hướng mà nếu nắm bắt được thì Việt Nam sẽ có tên trên bản đồ du học thế giới.

Thực tế hiện nay Việt Nam đã có tên trên bản đồ du học thế giới khi nằm trong top 10 nước có số sinh viên đi du học nước ngoài đông nhất. Nhưng nếu chúng ta muốn Việt Nam nằm trong bản đồ theo xu hướng ngược lại là thu hút sinh viên quốc tế đến học ở Việt Nam, thì hiện nay đang có một xu thế rất lớn diễn ra trên toàn cầu, là tạo điều kiện cho sinh viên của các trường đại học trên các nước trong thời gian học tại trường có thể trải nghiệm một thời gian ngắn khoảng 3-6 tháng ở một nước nào đó.

Dường như đây đang trở thành một nhu cầu bắt buộc, thậm chí đánh giá chất lượng đào tạo của các trường.

Theo quan điểm thị trường lao động là thị trường toàn cầu, nên sinh viên ra trường ngoài các tố chất cần thiết khác thì cần phải có tố chất làm việc toàn cầu.

Trong thời gian học ở trường, có điều kiện học một thời gian ngắn ở một nước nào đấy là một cách thức mà rất nhiều trường đang thực hiện hiện nay.

Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam nếu làm khéo có thể trở thành một điểm đến rất tốt thu hút sinh viên không đơn thuần chỉ là các nước xung quanh, mà kể cả là các nước tiên tiến như Anh, Mỹ, Pháp, Úc. Thậm chí, chính phủ Úc đã có một chương trình cấp kinh phí cho các trường đại học Úc cử sinh viên sang các nước,trong đó có cả Việt Nam để học.

Với việc Việt Nam tham gia vào TPP, là thành viên của tổ chức thương mại thế giới và cam kết giáo dục như một ngành dịch vụ thì việc trao đổi sinh viên là một xu hướng và tôi nghĩ rằng trong tương lai số sinh viên Việt Nam đi học nước ngoài chắc là sẽ ngày càng đông thêm.

Thậm chí, Mỹ đã xếp Việt Nam trong 3 năm tới sẽ là một nước luôn ở vị trí thứ 4 sau Trung Quốc và Ân Độ là 2 nước có cả tỷ dân và sau Hàn Quốc là một nước mà do những chính sách đặc biệt của chính phủ mà lượng sinh viên đi học ở nước ngoài rất đông.

Ngay trong Nghị quyết 29 về đổi mới cơ bản giáo dục đào tạo,Việt Nam cũng khuyến khích đi du học bằng kinh phí tự túc. Còn việc làm thế nào để bức tranh đổi chiều ngược lại, tôi nghĩ rằng cũng là điều hết sức quan trọng.

Tôi muốn nói thêm về con số 3 tỷ đô la. Thực ra con số này là con số lớn, nhưng nó cũng chỉ tương đương với giá trị tiêu thụ bia của Việt Nam trong 1 năm mà thôi.

Năm 2015, Việt Nam tiêu thụ khoảng 4 tỷ rưỡi lít bia mà nếu quy đổi ra chắc cũng phải tương đương với 3 tỷ đô. Và nếu tính sơ bộ thì Việt Nam chỉ cần ngừng uống bia 1 ngày là đủ tiền cho 400 du học sinh đi du học 1 năm ở nước ngoài. Và nếu mỗi tuần có 1 ngày không uống bia thì chỉ tính riêng tiền bia đủ cho thêm 20 nghìn du học sinh Việt Nam đi học ở nước ngoài.

Tôi nghĩ là có những khoản chi tiêu nói chung dù nghèo vẫn cứ phải đầu tư, chẳng hạn như chi phí trả cho con em đi du học nói riêng và việc học nói chung. Nhưng có những khoản cần thiết có thể cắt giảm được. Ví dụ nếu Nhà nước ban hành một chính sách mỗi tuần có 1 ngày không uống bia, chẳng hạn như ngày Chủ nhật vì thứ Hai là ngày đi làm rồi, thì khi đó sẽ có một khoản tiền khá lớn. Mà nếu cái đấy dành đi du học như tôi nói thì mỗi năm thêm được 20 nghìn – tức là tăng thêm 20% so với hiện nay. Tất nhiên cái này phụ thuộc vào chính sách quốc gia.

Nhà báo Lê Hạnh: Cảm ơn ông Lê Trường Tùng về những kiến giải và so sánh sinh động. Kính chào quý vị và hẹn gặp lại.

 Thực hiện: VietNamNet (Email: bangiaoduc@vietnamnet.vn)

**************

Ghi chú: Do sơ xuất nên trong phần nêu câu hỏi, VietNamNet đã đưa thông tin "con số này gấp gần 3 lần tổng kim ngạch xuất khẩu gạo". Chúng tôi xin lỗi độc giả đã để xảy ra lỗi này.