- Vết xước trên mặt một học sinh dẫn đến hai án phạt hành chính có tổng giá trị nộp phạt là 12 triệu đồng, những clip của giới trẻ khiến phụ huynh cảm thấy giật mình, những “định nghĩa” của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về đổi mới … là những dấu ấn của giáo dục tuần qua.

Thủ tướng nói về khởi nghiệp ngành chính trị

Lần đầu tiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được hỏi và đã trả lời về câu chuyện khởi nghiệp với sinh viên ngành chính trị.

Tại buổi lễ phát động chương trình Thanh niên khởi nghiệp diễn ra sáng ngày 16/10, trước câu hỏi của sinh viên, ông Phúc chia sẻ: “Chúng ta chỉ có thể thành công lâu dài nếu như cảm thấy hứng thú với một công việc nào đó. Khi các em làm gì hãy làm với bằng hết tất cả sự nhiết huyết và khả năng của mình, rồi cuộc sống sẽ trả công xứng đáng.

{keywords}

Bước ra trường đại học không ai nghĩ mình sẽ được chức nọ chức kia. Chúng ta học tập, rèn luyện, cống hiến, lăn xả vào công việc chung và khi được tập thể khẳng định, tôn vinh, được xã hội công nhận, đó sẽ là con đường tốt nhất để chúng ta phấn đấu”.

Theo ông Phúc, các bạn trẻ cần nhận thức rằng không thể đòi hỏi ngay khi ra trường phải làm việc này hay việc khác. “Phải kiên trì phấn đấu, dám nghĩ dám làm với một trách nhiệm cao nhất”.

Chưa thể kết thúc vụ tiến sĩ kiện cựu Bộ trưởng Giáo dục

Phiên toà hành chính phân xử việc ông Hoàng Xuân Quế khởi kiện nguyên Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận chiều ngày 17/10 chưa thể đi đến phán quyết khi HĐXX đột ngột cho tạm ngừng.

Trong các ngày 7/10 và 10/10, TAND TP Hà Nội mở phiên toà hành chính phân xử việc ông Hoàng Xuân Quế khởi kiện nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận do ra quyết định thu hồi bằng tiến sĩ của mình.

Sau 2 ngày xét xử, chiều ngày 10/10, toà nghỉ để nghị án kéo dài và cho biết đến ngày 17/10 sẽ ra phán quyết.

Tuy nhiên, chiều ngày 17/10, cho rằng còn một số nội dung cần làm rõ, HĐXX đã quay lại phần xét hỏi. Chiều cùng ngày, phiên tòa tạm ngừng vì HĐXX cho rằng, còn một số nội dung chưa thể xác minh, làm rõ tại tòa.

HĐXX cũng chưa ấn định ngày mở lại phiên tòa. Theo quy định, phiên tòa có thể tạm ngừng tối đa không quá 1 tháng.

Giới trẻ “tung” clip, người lớn xây xẩm mặt mày

Trong tuần xuất hiện 4 clip gây chú ý liên quan tới học sinh, sinh viên. Cả 4 clip này đều khiến người lớn giật mình trước lối sống và cách hành xử của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Đoạn clip thứ nhất dài 16 giây ghi lại cảnh một đôi học sinh đang âu yếm nhau ở một góc hành lang một trường THCS tại Hà Nội. Trong đoạn clip, nam sinh này vừa chui đầu vào trong áo bạn nữ, vừa sờ soạng cơ thể bạn.

{keywords}

Clip được đăng tải kèm theo những dòng chia sẻ của người quay được cảnh này: “Em đăng lên mong các bậc phụ huynh để ý tới con cái. Bố mẹ thì chỉ biết kiếm tiền lo cho con học tại trường tốt nhất. Con thì đi học như này đây. Nhìn các cháu mà thấy sợ…”.

Clip thứ hai, được cho là quay ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Một nam sinh ôm một chú gấu bông rất to với dự định tỏ tình với bạn gái, tuy nhiên nữ sinh này đã từ chối thẳng thừng và quay mặt bỏ đi. Cậu sinh viên tức giận, đột ngột ném gấu bông từ tầng 3 xuống đất. 

Clip thứ ba dài khoảng 34 giây. Trong clip, một nam sinh to lớn liên tục dùng tay và chân đánh, đá rất nhiều lần vào đầu và mặt một bạn nam sinh khác đang dưới đường. Sau khi đánh bạn bằng tay, nam sinh còn mở ba lô lấy một cây búa ra rồi chặt thẳng vào tay nạn nhân. 

Clip thứ tư dài gần 5 phút ghi lại cảnh nam sinh viên mặc áo đen, quần trắng, mang quà và chuẩn bị bộ dàn âm thanh để tỏ tình với nữ sinh viên. Sự xuất hiện của nam sinh khiến ký túc xá hỗn loạn, nhiều sinh viên reo hò, cổ vũ... Sự việc xảy ra, tại sân ký túc xá Trung tâm giáo dục quốc phòng cơ sở 2, ĐH Vinh. Các sinh viên K56, ĐH Vinh đang học kỳ quân sự tại đây. 

"Đổi mới là nhu cầu tự thân"

 “Đổi mới, sáng tạo là nhu cầu tự thân tự nguyện, là động lực và khát vọng vươn lên của mỗi tập thể, cá nhân, là việc làm thường xuyên, lâu dài, bắt đầu từ những việc nhỏ, diễn ra hàng ngày”.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết như vậy tại Lễ tuyên dương nhà giáo, học sinh tiêu biểu năm học 2015 - 2016 và Phát động phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” giai đoạn 2016 - 2020 diễn ra ngày 19/10.

{keywords}
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trò chuyện với các học sinh trong một tiết học tiếng Anh tại Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (Lào Cai)

Đây là lần thứ hai trong tuần, ông Nhạ nhắc về đổi mới giáo dục. Trước đó, tại các buổi làm việc phát triển giáo dục tại Lào Cai trong các ngày 17 và 18/10, người đứng đầu ngành giáo dục lưu ý các địa phương “Không đổi mới giáo dục ào ào", cần tránh tình trạng mạnh địa phương nào nơi ấy làm, phá vỡ chủ trương, quy hoạch của Bộ, của Trung ương, đồng thời không tranh thủ được sự đồng thuận của người dân, gây bức xúc trong xã hội như cách một số địa phương đã làm trong thời gian qua.

Ông Nhạ cũng cho rằng đổi mới khác với cải cách, muốn ổn định thì phải có quá trình. Việc thay đổi sẽ diễn ra có lộ trình, chuẩn bị tâm thế không gây "sốc" cho xã hội. Ông Nhạ lấy ví dụ về thay đổi thi cử, sau những thay đổi diễn ra vào đầu năm học mới, 4 năm tới sẽ thấy rõ sự ổn định.

Cái tát và 12 triệu đồng tiền phạt

Vụ việc lớn nhất của giáo dục tuần này lại là việc phụ huynh đánh nhầm cô giáo của con.

Theo báo cáo Sở GD-ĐT Đà Nẵng gửi UBND Thành phố Đà Nẵng về vụ "con bị đánh, phụ huynh vào trường tát nhầm cô giáo", vào khoảng 16h30 ngày 12/10, tại Trường TH - THCS Đức Trí (Quận Hải Châu) đã xảy ra việc phụ huynh học sinh hành hung giáo viên và gây rối tại trường vì bức xúc khi biết con mình là cháu B.H.G, lớp 3/4, bị cô giáo đánh gây ra vết xước trên má. Qua xác minh làm rõ, vết thương này do cô O., giáo viên quản lí học sinh, gây ra trong giờ nghỉ trưa.

Bà C., phụ huynh em G, giáo viên môn hóa Trường THPT Ngô Quyền khi đến đón con, phát hiện vết xước trên má, đã hành hung nhầm bà A. (vì tưởng bà A. là bà O.), nhưng không gây thương tích đáng kể.

Chồng bà C. là  ông Bùi Văn Sơn - giằng micro trên tay cô giáo đang điều hành đưa đón học sinh của trường và có hành vi, lời nói khiếm nhã, gây mất trật tự tại trường. Sau đó, bà C. dùng điện thoại di động quay clip và đưa lên trang facebook cá nhân…

Thanh tra Sở GD-ĐT Đà Nẵng đã quyết định xử phạt bà O. là cô giáo đánh học sinh5 triệu đồng, đình chỉ dạy một tháng. Bà C. – phụ huynh vào trường tát nhầm cô giáo, bị xử phạt vi phạm hành chính 7 triệu đồng. Bà C. cũng bị trường THPT Ngô Quyền nơi bà công tác áp dụng hình thức kỷ luật là cảnh cáo.

{keywords}Tuy nhiên, cách xử lý cô O. khiến nhiều người, đặc biệt là giáo giới, cảm thấy lấn cấn.

Trong bài viết “Giá của cái tát” trên Báo Pháp luật TP.HCM, cô Diễm Quyên cho biết là giáo viên mấy chục năm, cô giật mình khi bây giờ mới biết về Nghị định 138/2013 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

“Đọc văn bản mà tôi rùng mình. Nghề giáo thời nay thực sự nguy hiểm quá! Bất cứ lúc nào các nhà giáo cũng có thể phạm pháp bởi hầu như ai cũng từng có một vài lần “xâm phạm thân thể người học” theo kiểu thân mật vỗ vai học sinh: “Nhóc! Sao đi trễ hoài vậy?” hoặc gắt gỏng phát vào mông đứa bé: “Sao không đứng ngay hàng thẳng lối”...”.

Một hiệu trưởng trường THCS tại TP.HCM thì nhận xét “Tôi thấy việc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng xử phạt cô giáo 5 triệu đồng và đình chỉ dạy một tháng là quá nặng, cứng nhắc và thiếu công bằng…”.

Ngân Anh tổng hợp