Bạo hành trẻ em đang nóng lên không phải lần đầu mà đã nhiều lần, mặc dù có hàng loạt vụ án đã truy tố hình sự. Tôi nghĩ, không phải pháp luật chưa nghiêm ở loại hình tội phạm này mà do ở chiều sâu thuộc một vấn đề tinh tế khác mà pháp luật hay kể cả đạo đức cũng không thể can thiệp.

Pháp luật, đạo đức đã không đủ sức răn đe thì đến lúc phải có một cách nghĩ khác.

{keywords}
Ảnh chụp từ clip

Hai chi tiết của thảm kịch của giáo dục

Xem kĩ Clip về vụ bạo hành trẻ em ở Cơ sở mầm non Phương Anh, tôi quan tâm đến 2 chi tiết:

1) Bảo mẫu mặc áo xanh lá chuối, đeo kính trắng 3 lần vừa đánh vừa dúi đầu em bé vào chỗ kín của mình.

 2) Em bé bị bảo mẫu mặc áo hoa xanh đánh tới tấp đã tỏ ra không còn khiếp sợ mà còn vung tay phản kháng, đôi mắt lạnh lùng và chất chứa căm thù.

Hai chi tiết ấy chứa đựng cả một thảm kịch của giáo dục Việt Nam.

Chi tiết thứ nhất, nếu nhìn hời hợt có thể bị xem là vô tình do tiện tay hoặc cố tình bảo mẫu muốn làm nhục bé.

Nhưng nếu quan sát ở cái hành vi kéo áo lên và động tác bất thường ở bàn tay vỗ thúc mông em bé và các ngón tay sau khi vạch áo, rõ ràng tâm thần của cô ta có vấn đề.

S.Freud sẽ không suy diễn ở hành vi này, nếu nói đó là trạng thái của dục tính bộc phát biến thành bạo hành theo nguyên lí “dịch chuyển”.

Một vụ việc có liên quan

Tôi liên hệ đến vụ án mẹ ruột và bố dượng (ngoài giá thú) bạo hành bé Như Ý ở Đồng Tháp.

Người bố dượng bạo hành với đứa con riêng của vợ có thể giải thích đơn giản vì “khác máu tanh lòng” chứ mẹ ruột tại sao lại đồng lõa với hành vi tàn bạo của người bố dượng?

Nhìn người mẹ với gương mặt sáng sủa, xinh đẹp lúc bồng con, không ai nghĩ chị ta lại là ác quỷ.

Nhưng lời khai trước tòa, rằng chị ta đồng tình cho và tiếp tay bố dượng hành hạ em bé để “trừ tà” rõ ràng chứa trong đó ẩn mật của tâm lí chứ không đơn thuần là mê tín dị đoan.

Bé Như Ý đã hay khóc “không như ý”, tức không đúng lúc, gây ức chế cho đôi gian phu dâm phụ kia nên mới ra nông nỗi cơn dục tính biến thành bạo hành.

So sánh 2 trường hợp này có thể khập khiễng, nhưng bản chất vấn đề có khi chỉ là một.

Bản chất dục tính, kéo theo thú tính ở con người là một vấn đề cần nghiên cứu nghiêm túc. Trong điều kiện cuộc sống khắc nghiệt, những trạng thái ức chế, kìm nén làm cho mọi sự nổi loạn của bản năng thú vật đều có thể xảy ra.

Nhìn đôi gian phu dâm phụ ở vụ án kia hành hạ cháu bé đến mức thương tật 20%, rõ ràng họ muốn tiêu diệt cái vật cản cho ham muốn thú vật của mình khi nó đã nổi loạn không thể kiểm soát được.

Cuộc sống khắc nghiệt của giáo viên mầm non

Hai bảo mẫu của nhà trẻ Phương Anh còn rất trẻ, trẻ như chính những sinh viên của chúng tôi, nên những nhà giáo có lương tâm nhìn thấy không khỏi chạnh lòng.

Các em sinh viên vì thế cũng đừng vội trách 2 cô bảo mẫu kia mà phải luôn tự lo và tự nhắc nhở mình vì tương lai còn dài.

Cuộc sống sau khi ra trường với giáo viên mầm non thật khắc nghiệt.

Ngày làm việc trên 8 tiếng chăm sóc cả đàn trẻ, tối lo làm đồ chơi, đồ dùng dạy học, không có thời gian nghỉ ngơi, thời gian yêu đương, trong khi lương không đủ sống.

Trong điều kiện làm việc ở trường mẫu giáo quy mô với những ràng buộc của tổ chức, đoàn thể, chắc chắn những ham muốn, dục vọng có thể sẽ bị kiểm soát hay “diệt” dần.

Nhưng với những nhà trẻ tư nhân kín cổng cao tường, lấy gì kiểm soát để phần thú tính không nổi loạn như những vụ vừa rồi?

Tôi không “đổ hết lỗi cho người lãnh đạo, người quản lý”, vì trường mầm non tư thục đang mọc lên như nấm làm sao quản lí xuể.

Nhưng trả lời như của một lãnh đạo phụ trách giáo dục mầm non là không ổn: “Trách nhiệm của người phụ huynh tại sao họ không chọn chỗ gửi con cho an toàn để gửi. Vì con là tài sản quý giá nhất của gia đình thì phải quan tâm, tài sản thì phải tìm nơi mà gửi gắm chứ đừng mang gửi bừa phứa như vậy”.

Nói vậy khác gì chuyện hài về một quan chức khi đi thăm vùng lũ lụt đã trách dân nghèo sao không biết xây nhà lầu tránh lũ!?

Bà thừa biết, nơi an toàn nhất để gửi con là các trường mầm non quy mô của Nhà nước, nhưng muốn xin được con vào các trường này phải xếp hàng từ hơn một năm trước.

Không có lỗi thì cũng phải có trách nhiệm, trách nhiệm phòng xa. Sao không tập trung mở rộng quy mô trường mầm non phục vụ kịp thời cho nhu cầu ngày một gia tăng của trẻ em, kéo theo giảm tải áp lực làm việc của các cô bảo mẫu bằng cách tăng lương giảm giờ làm cho họ, trong khi lại ném hàng tỉ vào các đại dự án gọi là cải cách giáo dục, dự án này chưa xong đã chồng lên dự án khác mà con tàu giáo dục thì vẫn cứ chới với.

Với định mức làm việc như cô giáo mầm non hiện nay, vài cô suốt ngày vật vã chăm sóc, dạy dỗ một lúc từ 30 đến 40 trẻ đã là một sự hy sinh vĩ đại, họ còn phải có thời gian yêu đương, lấy chồng sinh con chứ có phải là các xơ ở trường dòng hay ni cô nhà Phật phải chấp nhận diệt dục đâu.

Llâu dài hơn, hãy nhìn vào cái chi tiết thứ hai trong clip, hình ảnh em bé vung tay phản kháng lại bảo mẫu với ánh mắt lạnh lùng và chất chứa căm thù ấy nói lên điều gì?

Sự chấn thương tâm lí ở giai đoạn đầu đời sẽ tạo ra các ức chế và kìm nén là nguyên nhân sinh ra bạo lực và thú tính về sau chứ không đơn thuần chỉ là sự sợ hãi và bấn loạn như các nhà tâm lí đã tưởng tượng một cách hời hợt để minh họa cho thứ tâm lí học sáo rỗng của sách giáo khoa hiện hành.

Sử dụng quyền lực

Bạo lực chồng lên bạo lực khi quyền lực không có cơ chế kiểm soát. Trong khung cửa kín của nhà giam, công an sở hữu quyền lực thì nghi can hiển nhiên bị tra tấn dẫn đến oan sai.

Và tình trạng không khác khi nhà trẻ kín cổng cao tường, cô giáo sở hữu quyền lực tối cao thì trẻ con thành nạn nhân.

Đến lượt báo chí được sử dụng quyền lực không giới hạn của mình thì những phạm nhân như hai cô giáo kia bị mang ra làm nhục. Có ai ngờ rằng "hai con sói" vừa bạo hành trẻ em trước đó lại trở thành "hai con cừu non" rúm ró trước ống kính các nhà báo?

Quyền lực chính là giá đỡ cho sự nổi loạn đầy hứng thú của bản năng dục tính lẫn thú tính, dù là quyền lực ở đâu, cấp nào, gia đình, nhà trường hay xã hội. Đối với dư luận, tôi khuyên theo cách của Chúa, ai chưa một lần đánh trẻ em thì hãy ném đá vào những cô giáo này!

Đối với ngành giáo dục, cách phòng chống bạo lực nói chung và bạo hành trẻ em nói riêng là tạo ra một môi trường làm việc hòa lạc cho chính người lao động, hơn là tạo ra các dự án chỉ mang lại hứng thú cho một nhóm người quyền thế. Với số tiền hàng nghìn tỉ thay vì đã chi cho các dự án, tôi nghĩ, đem ra làm được điều nói trên không khó, nếu lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo có cách nghĩ… theo Freud!

"Là người sáng tạo phương pháp phân tâm học, Sigmund Freud giúp ta hiểu rằng, con người về cơ bản là miếng mồi của tuổi thơ anh ta. Ý nghĩa của mọi khám phá phân tâm học đều nằm ở cuộc dò xét tìm tòi bướng bỉnh, kéo dài bất tận, vừa khủng khiếp vừa tầm thường về thời thơ ấu. Từ nỗi ám ảnh khởi nguồn đó nảy sinh một huyền thoại mới".

Lời dẫn của Roland Jaccard trong cuốn sách "Sigmund Freu: Cuộc đời và sự nghiệp"