Tại buổi đối thoại diễn ra chiều 25/3, bạn Nguyễn Thị Thương, Bí thư Đoàn Thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam đặt câu hỏi:

“Trong những năm gần đây, rất nhiều học sinh THPT chưa định hướng được nghề nghiệp cho bản thân nên khi tốt nghiệp thường chọn trường một cách đại khái, tỷ lệ thanh niên vào học nghề vẫn chưa đáp ứng được số lượng và chất lượng.

Do vậy đa số sinh viên ra trường đều không làm việc theo ngành đã đào tạo mà làm những ngành nghề khác. Vậy xin hỏi anh về giải pháp giúp học sinh hướng nghiệp ngay từ đầu để có thể chọn đúng ngành nghề và có việc làm đúng ngành được đào tạo?”.

Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn - Nguyễn Anh Tuấn cho hay, khi nghe câu hỏi này, anh cũng "giật mình" vì cũng đang làm không đúng ngành được đào tạo, khi anh học chuyên sâu về quản trị tài chính và ngân hàng, nhưng hiện tại làm cán bộ Đoàn.

“Tất nhiên, ở khía cạnh nào đó thì đây cũng là chuyện bình thường, nhưng nếu ở góc độ chung của xã hội, khi tỷ lệ này quá lớn thì cũng là câu chuyện mà chúng ta cần phải suy nghĩ”.

Theo anh Tuấn, vào khoảng năm 2008 đây đúng là vấn đề của cả xã hội, khi có nhiều học sinh tốt nghiệp THPT chưa định hình được tương lai nghề nghiệp, chưa biết được mình phù hợp với lĩnh vực nghề nghiệp gì và đôi khi chọn nghề một cách rất ngẫu nhiên hoặc theo lời khuyên bố mẹ hoặc truyền thông gia đình, hoặc đỗ trường nào thì đi học trường đó... Đặc biệt, giai đoạn này, việc phân luồng giữa đi học đại học với cao đẳng, trung cấp nghề còn chưa cao.

Tuy nhiên, sau khi có Luật Giáo dục nghề nghiệp, hiện tượng trên đã thay đổi nhiều. Hiện, tỉ lệ phân luồng nghề nghiệp đã hơn 90%, lựa chọn nghề nghiệp của học sinh THPT tốt hơn rất nhiều. Hàng năm, không chỉ Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD-ĐT, T.Ư Đoàn mà các đơn vị, các nhà trường đã có nhiều hoạt động định hướng giáo dục nghề nghiệp từ sớm cho học sinh.

“Việc các bạn học sinh lựa chọn nghề nghiệp một cách ngẫu nhiên, không định hướng đã giảm đi nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn và gây ra những hệ lụy, lãng phí cho cả xã hội và cá nhân các bạn khi mất đi cơ hội nghề nghiệp việc làm”, anh Tuấn nói.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều giải pháp. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện phần mềm trợ lý ảo để kiểm tra xu hướng nghề nghiệp, sự phù hợp nghề nghiệp với học sinh cuối cấp THCS, THPT.

Cùng đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THPT và cuối cấp THCS. Hoạt động này có phần thuận lợi hơn khi có sự ứng dụng công nghệ số; trên cơ sở dự báo nhu cầu nhân lực của đất nước. Bên cạnh đó, làm tốt hơn việc giới thiệu việc làm và trang bị kỹ năng nghề, kỹ năng cuộc sống cho các bạn trẻ.

“Việc định hình nghề nghiệp cho thanh niên không chỉ là của nhà trường, Đoàn thanh niên mà vai trò của gia đình, người thân và nhận thức của bản thân cũng rất quan trọng”.

Bí thư thứ Nhất T.Ư Đoàn cũng kêu gọi các bạn đoàn viên, thanh niên, bây giờ là kỷ nguyên mới, ngoài kiến thức, kỹ năng, chuyên môn thì phải chọn được con đường đi đúng phù hợp với đam mê, mong muốn đóng góp của mình. “Không có khát vọng, đam mê, không có mong muốn khẳng định mình trong từng công việc nhỏ và nghề nghiệp của mình thì các bạn trẻ sẽ chệch hướng, không có được lựa chọn đúng đắn, phù hợp nhất. Và khi không đúng đắn trong lựa chọn đầu tiên thì cuộc sống, công việc sẽ không như các bạn mong muốn chứ chưa nói đóng góp nhiều hơn, hiệu quả hơn cho đất nước”.

Chính vì vậy, tôi mong các bạn thanh niên cũng cần tự ý thức để lựa chọn ngành nghề phù hợp nhất với bản thân mình. Không quan trọng làm công việc gì, giữ vị trí gì mà quan trọng đóng góp được gì cho công việc chung nơi chúng ta học tập, công tác”, anh Tuấn chia sẻ.

{keywords}
Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn.

Đừng nghĩ phải làm chức vụ lớn, những công việc thật lớn lao mới là đóng góp cho đất nước

Tại buổi đối thoại, MC cũng đặt câu hỏi trực tiếp tới Bí thư thứ Nhất T.Ư Đoàn: “Khi anh 18 - 20 tuổi, anh khát vọng điều gì và bây giờ khi là thủ lĩnh thanh niên Việt Nam, anh khát vọng gì?”

Bí thư thứ Nhất T.Ư Đoàn cho rằng đây là một câu hỏi khó. Bởi định hình khát vọng ở năm 18 tuổi thì chưa rõ ràng. “Khi đấy có lẽ chỉ là những đam mê, mong muốn mà thôi. Còn bây giờ ở cương vị công tác này, khát vọng được định hình rõ ràng hơn”, anh Tuấn nói.

“Năm 18 tuổi, tôi học lớp 12, là “dân” chuyên Lý, ước mơ lớn nhất là học ngành Vật lý địa cầu. Tôi mê thiên văn học, khoa học vũ trụ. Cuốn sách mà tôi đọc nhiều nhất đến bây giờ vẫn là cuốn: “Hố đen và vũ trụ”.

Quay trở lại câu chuyện định hướng, lựa chọn nghề nghiệp. Gia đình muốn tôi học ngành Sư phạm Vật lý để trở thành một thầy giáo dạy Vật lý, còn tôi thích ngành Vật lý địa cầu. Nhưng điều kiện nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực này khi đó ở Việt Nam còn cực kỳ hạn chế. Sau rồi, tôi quyết định học ngành Tài chính - Ngân hàng của Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Tôi cũng có một thời gian làm thầy giáo ở Trường ĐH Kinh tế quốc dân, sau đó mới về công tác ở T.Ư Đoàn.

Còn khát vọng của tôi bây giờ cũng hòa chung dòng chảy khát vọng của thanh niên Việt Nam hiện nay. Tôi muốn được đóng góp, cống hiến sức lực, trí tuệ của mình để đóng góp cho đất nước. Tôi tâm niệm rằng, mình phải cố gắng làm việc, hoàn thiện mình mỗi ngày. Ngày hôm nay mình phải làm việc tốt hơn ngày hôm qua và ngày mai phải làm tốt hơn công việc của ngày hôm nay. Chỉ cần ở cương vị công việc đang làm, được giao, mình luôn trăn trở, đau đáu suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo để làm tốt nhất có thể thì đó cũng là một cách để thể hiện đam mê, khát vọng của mình”, anh Tuấn nói.

“Tôi cho rằng, các bạn trẻ đừng suy nghĩ rằng phải làm chức vụ gì lớn, làm những công việc thật lớn lao mới là đóng góp cho đất nước. Mà ngay trong từng công việc hàng ngày, nếu cố gắng hoàn thành công việc một cách tốt nhất thì cũng đều đang góp phần đóng góp cho xã hội, đất nước”.

Thanh Hùng

8X nghĩ cách kiếm bộn tiền từ thân cây chuối

8X nghĩ cách kiếm bộn tiền từ thân cây chuối

Thay vì chỉ là thức ăn cho gia súc hoặc đơn giản là bỏ đi, anh Hồ Xuân Vinh (sinh năm 1987, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) đã nghĩ ra ý tưởng lấy sợi tự nhiên và kiếm tiền từ thân chuối.