- Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Hải Thập cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với VietNamNet xung quanh việc xét, công nhận bổ nhiệm chức danh GS, PGS của Trường ĐH Tôn Đức Thắng đang gây tranh cãi.

                                                       

- Với vai trò quản lý nhà nước, ông đánh giá thế nào về việc làm của Trường ĐH Tôn Đức Thắng?

Theo thông tin báo chí phản ánh về Trường ĐH Tôn Đức Thắng, và tìm hiểu thêm, chúng tôi thấy có 3 nội dung cần phải nêu.

Thứ nhất là Trường ĐH Tôn Đức Thắng chưa thực hiện phong hàm GS cho bất kỳ đối tượng nào. Việc sử dụng từ "phong hàm" do một số báo dùng chứ nhà trường không thực hiện.

Thứ hai, Trường ĐH Tôn Đức Thắng tổ chức xây dựng và ban hành quyết định 881 - trong đó quy định về tiêu chuẩn, quy trình và thủ tục bổ nhiệm chức vụ chuyên môn của nhà trường.

Sau khi ban hành xong thì tình hình triển khai như thế nào? Qua trao đổi, chúng tôi thấy rằng nhà trường chưa triển khai thực hiện, chưa bổ nhiệm cho bất kỳ nhà giáo nào. Chưa có người nào được bổ nhiệm theo quy trình của quyết định 881. Như vậy là chưa có hậu quả. 

{keywords}
Ông Nguyễn Hải Thập trao đổi với VietNamNet chiều 22/9. (Ảnh: Văn Chung)

Về việc này, chúng tôi thấy rằng việc soạn thảo văn bản không phải sở trường của nhà trường. Các trường ĐH không có kinh nghiệm trong việc soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật. Do sơ suất thiếu cơ sở pháp lý nên văn bản chưa chặt chẽ.

Sau khi trao đổi, nhà trường cũng nhận thấy điều này và đã dừng lại không thực hiện văn bản đó nữa. Nhà trường cũng đang làm báo cáo gửi Bộ GD-ĐT và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Đến nay, trao đổi qua điện thoại, nhà trường cho biết đã gửi báo cáo. Khi nào nhận được văn bản, chúng tôi sẽ tìm hiểu cụ thể hơn.

Chưa giao việc xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cho các trường

- Bên cạnh những ý kiến không ủng hộ cách làm của Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng không ít ý kiến lập luận cho rằng đây là "cách làm mới cần phải nghiên cứu để thực hiện trong vấn đề phân cấp". Cá nhân ông có cho rằng vấn đề này cần có nghiên cứu thêm gì nữa?

Hiện nay, giáo dục ĐH Việt Nam đã phát triển ở tầm cao hơn. Trường ĐH được chủ động hơn, tự chủ hơn - trong đó có cả tự chủ về hội nhập quốc tế. Trong quá trình hội nhập, các trường cũng thấy rằng thế giới có rất nhiều trường ĐH được tự chủ, được tự xét bổ nhiệm chức danh GS, PGS của các trường. Ví như các trường ĐH của Anh, Pháp, Mỹ...

Tuy nhiên, để áp dụng với các trường ĐH Việt Nam thì có vấn đề cần phải trao đổi. Cụ thể, các nước mà trường ĐH được tự chủ thì trình độ giảng dạy, nghiên cứu các lĩnh vực khoa học họ cao hơn Việt Nam nhiều. Còn việc các trường ĐH Việt Nam đã đạt được đến tầm đó chưa thì cần có đánh giá - nếu đạt đến tầm đó thì việc giao quyền tự chủ chắc không có gì khó khăn.

Hiện nay, trong quyết định của Thủ tướng cũng có tiến một bước. Trước đây, Quyết định 174 quy định việc xét đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm GS, PGS do cơ quan nhà nước thực hiện và Hội đồng Chức danh Nhà nước xét công nhận đạt tiêu chuẩn. Bộ GD-ĐT được giao việc ra quyết định bổ nhiệm.

Nhưng đến Quyết định 20 của Thủ tướng ban hành năm 2012 thì phần bổ nhiệm đã giao cho hiệu trưởng các trường ĐH. Như vậy, hiệu trưởng các trường có quyền bổ nhiệm các chức danh GS, PGS trong trường ĐH trên cơ sở công nhận đạt tiêu chuẩn của Hội đồng Chức danh GS nhà nước.

Tiến tới nếu giao việc xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cho trường nữa thì phải xem những trường nào đủ đội ngũ GS, PGS thực hiện việc này. Theo như chúng tôi được biết , nhiều trường ĐH mới thành lập hiện nay còn thuê cả giảng viên thỉnh giảng, chưa có GS-PGS. Như vậy, làm sao tổ chức hội đồng xét được.

Số lượng trường ĐH chưa có GS hiện có rất nhiều. Cũng có trường ĐH chỉ có vài GS, PGS. Như vậy đội ngũ GS, PGS ở các trường ĐH hiện rất thiếu nên việc giao cho các trường xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS thì phải có đánh giá quy định hiện hành có vấn đề gì cần điều chỉnh - cần phải có đánh giá kỹ.

Mặt khác, cần phải đánh giá năng lực của các trường ĐH thì mới có thể giao tự chủ cho trường trong vấn đề này.

Hiện nay chúng tôi mới dừng ở việc nghiên cứu để tham mưu cho lãnh đạo Bộ chứ chưa có chủ trương giao việc xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cho các trường.

- Theo những phân tích ông vừa nêu thì Trường ĐH Tôn Đức Thắng chưa đủ tiêu chuẩn...

Trường ĐH Tôn Đức Thắng rất mong muốn nâng cao chất lượng đội ngũ của mình. Trường cũng được giao nhiệm vụ thí điểm đổi mới cơ chế tự chủ theo hướng tăng tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Trong việc thực hiện đổi mới thì lực lượng giảng viên là đội ngũ nòng cốt -mà đi đầu là đội ngũ GS, PGS - nên nhà trường cũng mong muốn có được đội ngũ GS, PGS đầu đàn để triển khai.

Ý tưởng của Trường ĐH Tôn Đức Thẳng được đưa vào trong văn bản của nhà trường. Tuy nhiên kỹ thuật soạn thảo văn bản của nhà trường có lỗi nên nhà trường chưa thực hiện và đã dừng lại.

Phải có rà soát, đánh giá

- Ông có cho rằng đã đến lúc cần có nghiên cứu đề xuất để thay đổi cách bổ nhiệm chức danh GS, PGS?

Tôi nghĩ với mong muốn của các trường ĐH và sự phát triển của giáo dục ĐH Việt Nam như hiện nay thì nên xem xét các bước đi cụ thể.

{keywords}
Ông Nguyễn Hải Thập trao đổi với VietNamNet chiều 22/9. (Ảnh: Văn Chung)

Một là, phải tổ chức đánh giá rà soát lại tác động của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS hiện hành xem mặt tích cực và hạn chế như thế nào.  Sau đó lấy ý kiến rộng rãi các nhà giáo, các nhà khoa học, các cơ sở giáo dục. Thậm chí tham khảo ý kiến các nước trên thế giới xem xét đến nay có giao tự chủ hơn nữa cho các trường ĐH hay chưa?

Nếu tỷ lệ ý kiến đồng thuận cao thì phải báo cáo các cấp có thẩm quyền. Cụ thể là báo cáo Thủ tướng Chính phủ thay đổi các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Vì khi giao tự chủ thì phải được thể hiện trong văn bản luật. Hiện nay, trên cơ sở các quy định của hệ thống văn bản hiện hành thì không thể nói một câu là có thể giao được.

Thứ hai, phải đánh giá xem các trường có đủ năng lực. Hiện cũng có những ĐH phát triển được coi là trọng điểm như các ĐHQG, các ĐH vùng...nhưng nhiều trường chất lượng đội ngũ vẫn thấp. Vậy nếu giao đồng đều thì các trường có đủ năng lực để thực hiện nên phải có lộ trình.

- Từ cách làm của Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng có đề xuất nên tồn tại hai chức danh GS là GS do trường bổ nhiệm và GS do Hội đồng chức danh GS nhà nước bổ nhiệm. Ý kiến của ông về đề xuất này?

Vấn đề này cần phải tìm hiểu kỹ pháp luật. Trường ĐH Tôn Đức Thắng là trường công lập - là đơn vị sự nghiệp của nhà nước. Mà đơn vị sự nghiệp của nhà nước thì các chức danh chuyên môn nếu được tuyển dụng (theo Luật Viên chức hoặc ký hợp đồng theo Luật Lao động).

Tuyển dụng theo Luật Viên chức hiện có Nghị định 29 và các thông tư hướng dẫn và bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp nhà giáo. Có chức danh GS, PGS thì đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Do đó, không thể tồn tại hai hệ thống trong một đơn vị. Chức danh GS, PGS gắn liền với cơ sở giáo dục ĐH và là của trường ĐH. Nếu như Trường ĐH Tôn Đức Thắng trình Thủ tướng xin phép thí điểm về chức danh GS, PGS - được đồng ý thì chúng tôi không có ý kiến. Còn hiện chưa có quy định nên chúng tôi không bàn về vấn đề này.

- Hiện Bộ GD-ĐT đã có tham mưu xem xét mở rộng vấn đề công nhận đạt tiêu chuẩn PGS, GS, đánh giá tác động của các quy định hiện hành với thực tiễn phát triển giáo dục ĐH hiện nay như thế nào?

Hiện mới được trao đổi trong các đơn vị chức năng. Trước hết như tôi đã nói phải đánh giá lại hệ thống văn băn xem điểm nào bất cập, điểm nào hạn chế mới đi lấy ý kiến. Còn văn bản tốt thì không phải điều chỉnh, thay đổi.

Quy trình bổ nhiệm sẽ tinh gọn hơn

- Với vai trò tham mưu thì ông có thể cho biết đến bao giờ các trường ĐH được công nhận chức danh GS, PGS mà không phải thông qua nhà nước? Bởi thực tế quy trình xét, công nhận bổ nhiệm hiện nay được cho là cồng kềnh...

Mình không thể trả lời ngay vấn đề này khi hệ thống các văn bản quy định hiện hành chưa có quy định. Khi nào hệ thống văn bản có sửa đổi thì mới giao các trường tự xét và công nhận chức danh GS, PGS.

Do đó, hiện chưa thể khẳng định có nên tồn tại hai chức danh GS của nhà trường và GS của nhà nước hay không. Muốn làm việc này phải có đánh giá toàn diện và báo cáo Thủ tướng xem xét.

Quy trình bổ nhiệm theo 3 cấp hiện nay chúng tôi, Hội đồng chức danh GS nhà nước cũng hiểu được sự cồng kềnh và sẽ có đề xuất quy trình tinh gọn hơn. Việc này chúng tôi cũng đã biết và sẽ có nghiên cứu đề xuất điều chỉnh.

- Cảm ơn ông!

  • Kiều Oanh - Ngân Anh - Văn Chung (thực hiện)

ĐH Tôn Đức Thắng: 24.000 người học, điểm trúng tuyển tăng dần

Tổng số sinh viên - học sinh nhà trường tới nay là 24.000 người học, từ học viên cao học, sinh viên (ĐH, CĐ và học sinh (TCCN, trung cấp nghề).

Tổng số cán bộ, giảng viên, viên chức, và các chuyên gia là 1.000 người, với trên 746 giảng viên trực tiếp tham gia giảng dạy, trong đó tỷ lệ giảng viên đã có văn bằng và đang học cao học, làm nghiên cứu sinh đạt trên 90%, học vị tiến sĩ và đang làm nghiên cứu sinh đạt 25%.

Có 4 cơ sở đào tạo, với tổng diện tích đất quản lý sử dụng là 162.500 m2. Ngoài giảng đường, thư viện trường đã hoàn thành hai khối nhà ký túc xá với sức chứa khoảng 2300 sinh viên, nhà thi đấu đa năng 2.700 chỗ, sân vận động đạt chuẩn FIFA 2 sao 7.000 chỗ ngồi.

Từ khi chuyển sang mô hình trường ĐH công lập (2008) trong những năm đầu, điểm chuẩn tuyển sinh luôn ở mức bằng điểm sàn. Đến 2 năm 2014 và 2015 mức điểm chuẩn vào trường đã tăng. Năm 2015 ngành Dược học có điểm trúng tuyển cao nhất (23).

Trường ĐH Tôn Đức Thắng đề ra 6 mục tiêu lớn trong giai đoạn 5 năm, kể từ 2014, với nhiều hoạt động đào tạo hợp tác gắn với mục tiêu hội nhập quốc tế. Trường có mục tiêu thành đại học nghiên cứu vào 2037.

  • Lê Huyền