-Theo Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT Trần Văn Nghĩa, năm 2014 các trường ĐH, CĐ đã tổ chức khối thi nào để tuyển sinh thì năm 2015 sẽ phải xây dựng các tổ hợp môn thi tương ứng.

Ngày 19/9, Bộ GD-ĐT đã đưa ra hướng dẫn mới nhất về cách xác định môn thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Theo đó, trước ngày 15/10, các trường phải xác định rõ tổ hợp kết quả các môn thi tương ứng với khối thi đã thực hiện như những năm vừa qua để xét, và có thể xác định các tổ hợp môn thi khác để xét tuyển theo nguyên tắc quy định.

{keywords}
Thí sinh trong giờ ăn trưa tại kỳ thi tuyển sinh năm 2014. Ảnh: Huyền Trang

Theo giải thích của ông Nghĩa, ví dụ, nếu một trường năm 2014 tuyển sinh khối A thì năm 2015 phải có một tổ hợp môn thi gồm các môn Toán, Lý, Hóa; nếu tổ chức thi 2 khối A và D thì phải có 2 tổ hợp môn thi gồm Toán, Lý, Hóa và Toán, Văn, Ngoại ngữ.

Quy định này giúp các thí sinh đã chuẩn bị ôn thi theo khối trong 3 năm học THPT không gặp phải khó khăn bởi sự thay đổi môn thi gây ra.

Ngoài ra các trường vẫn có thể có thêm các tổ hợp môn thi khác theo nguyên tắc đã nêu cho ngành năng khiếu và các ngành còn lại.

Từ hôm nay đến hết tuần, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức 3 hội nghị triển khai phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2015 tại Hà Nội, Huế và TP.HCM với sự tham gia của các sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ, nhằm cung cấp  thông tin liên quan về công tác tổ chức kỳ thi; thảo luận các vấn đề kỹ thuật để tổ chức kỳ thi công bằng, khách quan, gọn nhẹ, hiệu quả, không gây phiền hà cho thí sinh và tốn kém cho xã hội. 

Trước đó, ngày 9/9, Bộ GD-ĐT công bố phương án "một kỳ thi quốc gia" theo hướng không còn các khối thi truyền thống. Điều này khiến phụ huynh và thí sinh không khỏi lo lắng.

Ông Nghĩa giải thích, để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, học sinh đã chuẩn bị ôn thi theo các khối thi ngay từ khi bước chân vào lớp 10, thực tế là thí sinh đã luyện thi theo khối từ 3 năm. Việc đổi mới thi cử ngoài mục tiêu tạo điều kiện để các trường lựa chọn được phương án xét tuyển phù hợp với yêu cầu của ngành đào tạo, còn phải bảo đảm không gây khó khăn cho thí sinh. Do đó, việc duy trì "các tổ hợp môn theo khối thi truyền thống để xét tuyển" có mục đích không gây hoang mang, lo lắng cho thí sinh.

  • Ngân Anh