- Chỉ vì những lời nói qua lại trên mạng xã hội mà một số học sinh nảy sinh mâu thuẫn, dẫn đến thách thức, hẹn gặp nhau để “nói cho ra lẽ” và điểm cuối là bệnh viện hoặc đồn công an...

Và đáng sợ hơn cả là những vụ việc bạo lực liên quan đến Facbook có các đối tượng là học sinh ngày càng nhiều, và ngày càng được trẻ hóa.

Học sinh lớp 7 cũng đánh nhau vì Facebook

Mới đây, ngày 5/4, Công an huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận), ban giám hiệu Trường THCS Quang Trung cùng các phụ huynh học sinh lớp 7 có cuộc họp giải quyết vụ em N.T.P.H (lớp 7/5 trường này) bị đánh chấn thương đầu phải nhập viện điều trị.

Tại Bệnh viện đa khoa khu vực Ninh Sơn, H kể trước đó em có comment qua lại trên Facebook với hai bạn cùng lớp là N.T.T.P và V.T.M.H. P và H đã chở em ra nghĩa trang sau trường rồi bắt xin lỗi và đánh bạn.

Đây chỉ là vụ việc mới nhất trong một chuỗi các vụ việc tương tự liên tục diễn ra từ đầu năm tới nay.

{keywords}

Một học sinh nhập viện tại Bệnh viện đa khoa khu vực Ninh Sơn vì trao đổi qua lại trên - (Ảnh: Tuổi trẻ)

Trước đó, cuối tháng 2, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip hai nữ sinh đánh nhau trong sự cổ vũ nhiệt tình của các bạn cùng lớp. Hai nữ sinh trong vụ việc là Nguyễn Thị M. (lớp 10A7) và Cao Thị Khánh L. (lớp 10A2). Cả 2 đều đang học tại trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (thị trấn Ia Kha, Ia Grai, Gia Lai).

Theo hai học sinh kể lại thì nguyên nhân do L. đã lên mạng xã hội để nói xấu một người bạn tên là S về một việc xảy ra trước đó. Sau đó, S. kể lại sự việc cho M. nghe. Sau cuộc nói chuyện, 2 nữ sinh này xảy ra mâu thuẫn, ghét nhau và liên tục nhắn tin, đưa lên facebook để nói xấu nhau.

Tới giữa tháng 3, người dân tại huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) lại bàn tán về hai nhóm nữ sinh đánh nhau. Điều đáng nói, có một nhóm sử dụng hung khí để đánh khiến một nữ sinh rách mặt.

Đứng đầu hai nhóm là L.Y.N và L.N.T.A (lớp 11, trường THPT Dầu Giây), cũng chỉ vì có mâu thuẫn xảy ra nguyên nhân từ một bình luận trên Facebook. N nhiều lần ngỏ ý muốn xin lỗi để hòa giải nhưng A không đồng ý mà đề nghị được giải quyết bằng “hành động”…

Trong năm 2015 cũng có một số vụ đánh nhau vì mâu thuẫn trên Facebook, mà nổi cộm là vụ việc do bị bạn học nói xấu và thách thức trên Facebook, Nguyễn Thị Q. (nữ sinh lớp 8 ở Thanh Hóa) đã hẹn gặp và dùng mũ bảo hiểm đánh bạn đến rách mặt.

Giải quyết như thế nào?

Sau khi các vụ việc này xảy ra, phụ huynh, giáo viên, quản lý các trường đều thể hiện sự bất ngờ, khi đó với họ, những học sinh đó đa phần đều là con ngoan, là học sinh vốn dĩ hiền lành… Vì vậy, họ dường như khá bị động trước những việc như thế này.

Ông Phạm Văn Đại - Hiệu trưởng trường Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Gia Lai) sau khi có việc xảy ra với học sinh trường mình đã bày tỏ với báo chí rằng "Tôi rất buồn vì học sinh của mình đã xử sự với nhau như vậy, do nhận thức của các em còn rất hạn chế, do cảm xúc cá nhân của các em còn bồng bột, nếu không có điện thoại, không có Facebook thì các em sẽ không chửi nhau, nói xấu nhau thì chắc không có vụ đánh nhau...”

Tuy nhiên, không còn có thể trở lại thời kỳ “không điện thoại”, “không Facebook” như ông Đại chia sẻ. Vì vậy mà chỉ còn cách giúp học sinh chung sống một cách hòa bình trong thời kỳ Facebook lên ngôi như hiện nay.

Khi sự việc xảy ra, ông Lê Văn Khanh (hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung), đề nghị nhà trường, công an và các phụ huynh nên phối hợp nhau cùng ngăn chặn tình trạng học sinh dùng Facebook lôi kéo, lập băng nhóm để đánh nhau giữa các trường.

Tuy nhiên, điều mà nhà trường và phụ huynh cần làm hơn có lẽ không phải là tìm cách ngăn chặn, mà là trang bị kiến thức cho các em.

Khi vào google để gõ từ khóa “cách giáo tiếp trên Facebook” có khoảng 673.000 kết quả (0,56 giây). Có thể thấy như vậy không thiếu kiến thức để trang bị cho cách em, mà câu hỏi là làm thế nào?

Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh từ cách đây 2 năm đã có Bản thông báo mang tên “Những điều “cấm kỵ” khi lên Facebook”. Bản thông báo này chỉ rõ học sinh nhà trường “tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những từ viết tắt, ví dụ như dm, vcl, vl, bts...”; “tuyệt đối không dùng Facebook để nói xấu bất cứ ai”, “chỉ “like” status khi đã đọc kỹ nội dung, nếu “like” những status có nội dung xấu, chủ nhân Facebook sẽ bị quy trách nhiệm.

Phải biết đấu tranh, bày tỏ quan điểm trước status có nội dung xấu, không lành mạnh”; “tuyệt đối không được để bạn bè hiểu lầm khi đọc status”...

PGS Văn Như Cương, hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh cũng có lời khuyên đối với các phụ huynh về việc kéo con ra khỏi những rắc rối mà thế giới ảo có thể đem lại: “Hãy dạy con cái mình sống nhiều hơn với các thế giới có thật xung quang mình, đang xảy ra hàng ngày... để chúng đừng đắm mình và chạy theo thế giới ảo trên các trang mạng. Hãy làm sao để chúng nói chuyện, trao đổi, tâm sự… nhiều hơn với người thân trong gia đình chứ đừng suốt ngày đuổi theo những ảo ảnh trên mạng. Xin các vị hãy quan tâm điều này nhiều hơn, đã có rất nhiều trẻ em trở thành hư đốn, thậm chí phạm pháp vì quá mê say với thể giới ảo”.

TS.Giáo dục Nguyễn Thụy Anh, chuyên gia tư vấn tâm lý trẻ em, cũng chia sẻ với học sinh về việc sử dụng Facebook như thế nào. Theo chị, bên cạnh những mặt tích cực của công nghệ nói chung, hoạt động của các trang mạng xã hội nói riêng, đương nhiên có những điều chúng ta cần tìm hiểu để không bị phụ thuộc vào công nghệ, hay tệ hơn là có thể còn trở thành nạn nhân.

“Nếu chúng ta để ý học các kĩ  năng tự bảo vệ mình khi lên mạng thì không có gì phải lo lắng cả” – TS Thụy Anh khẳng định. “Chẳng hạn, chúng ta có thể đặt một loạt câu hỏi và tình huống để mình nghĩ phương án giải quyết như thế này: Mục đích bạn chơi Facebook? Nếu giả sử có người nào đó vào trang của bạn và nói một điều không tốt về bạn, bạn sẽ xử lí ra sao?...”.

Theo chị Thụy Anh, thử nghĩ càng nhiều tình hình huống càng tốt. “Nếu có ai đó nhắn PM cho bạn, muốn rủ bạn gặp ngoài đời, bạn có nhận lời không? Nếu có, thì trong trường hợp nào? Tại sao? Nếu không, thì trong các trường hợp nào? Tại sao? Nếu Facebook để public, có nên viết bất kì điều gì mình đang nghĩ không? Nếu ý nghĩ đó liên quan đến một người khác, thì có nên cân nhắc không?...”.

Đó là những câu hỏi có ích, không chỉ với các em nhỏ, mà còn với cả người lớn khi tiếp cận mạng xã hội.

Phương Chi