Ông Trần Đức Cảnh cho rằng “sự công bằng, tính minh bạch và công khai trong việc tuyển chọn chức danh Hiệu trưởng sẽ giúp tạo niềm tin và giải tỏa được nhiều vấn đề trong quản lý giáo dục”.

Theo ông Trần Đức Cảnh (nguyên Giám đốc Đào tạo và Phát triển Nguồn nhân lực cho bang Massachutsetts; Thành viên Hội đồng Liên trường đại học vùng Đông Bắc bang Massachutsetts, Hoa Kỳ) thì trong các mô hình quản lý trên thế giới, quản lý các đại học danh tiếng được cho là thử thách nhất.

“Vì là nơi tập trung và đào tạo ra phần lớn những “cái đầu” của đất nước và thế giới, nên các yêu cầu cho lãnh đạo trường rất cao về giá trị đạo đức lẫn chuyên môn. Một khi hiệu trưởng không còn được tín nhiệm trong cộng đồng trường, họ tự động xin hay buộc phải từ chức, chứ không đợi đến hết nhiệm kỳ hay hợp đồng".

{keywords}
Ông Trần Đức Cảnh

Ông Cảnh cho rằng vị trí và tầm ảnh hưởng của hiệu trường rất lớn trong xã hội.

Mỗi khi xã hội gặp phải các vấn đề khó, giới chính trị thường tham vấn các nhà lãnh đạo “tinh thần”, mà Hiệu trưởng các trường danh giá thường là thành phần nòng cốt. “Hiểu được tầm quan trọng vai trò lãnh đạo của người hiệu trưởng và trong điều kiện và mục tiêu phát triển của trường, từ đó chọn ra nhân sự phù hợp”.

Ông có thể cho biết một số cách lựa chọn hiệu trưởng của các trường đại học ở Mỹ và thế giới? Ông đánh giá cao nhất hình thức nào?

- Ở Mỹ có 3 mô hình giáo dục đại học: công, phi lợi nhuận và lợi nhuận. Đại học công do chính quyền bang quản lý, ngoại trừ một số rất nhỏ đại học quân sự... thuộc chính quyền liên bang.

Bình thường thì mỗi bang có một Hội đồng Giáo dục Đại học công, do Thống đốc bang bổ nhiệm để làm chính sách và quản lý thống ĐH bang. Ngoài ra, mỗi ĐH công có riêng một Hội đồng trường, cũng do Thống đốc bang bổ nhiệm. Thành viên HĐQT hay HĐ trường được bổ nhiệm, thường có cùng quan điểm GD và có ít nhiều liên hệ với Thống đốc, nhưng vì sự nghiệp chính trị, họ sẽ không được tiến cử, nếu không đáp ứng yêu cầu về uy tín lẫn chuyên môn.   

Thành viên của HĐ-GD bang hay HĐ trường là những trí thức, nhân sỹ có uy tín trong cộng đồng, họ chỉ nhận chi phí hay thù lao trong thời gian tham gia công tác, chứ không nhận lương. Quyết định của họ mang tính khách quan và vì “công lợi”, nên ít khi xảy ra sự xung đột quyền lợi.

Các ĐH tư phi lợi nhuận đều có một HĐQT độc lập, tự họ bầu chọn thành viên HĐQT và hoạt động theo điều lệ và nội quy đặt ra, trách nhiệm quản lý và quyết định các hoạt động chính cửa trường. Không có tính sở hữu và chia lợi nhuận trong mô hình đại học phi lợi nhuận, thành viên của HĐQT bầu chọn người mới vào để tiếp nối truyền thống công việc quản lý trường. Mô hình ĐH phi lợi nhuận thuần túy tuy rất phổ biến, nhưng còn rất mới ở Việt Nam, cần có thời gian mới áp dụng được.   

Đại học tư có lợi nhuận thì hoạt động theo dạng công ty. HĐQT quyết định chọn nhân sự phù hợp cho hoạt động kinh doanh giáo dục của họ.

Mỗi mô hình đều có đơn vị chủ quản, họ toàn quyền quyết định các vấn đề lớn của trường và chịu trách nhiệm, bao gồm việc thuê hay sa thải hiệu trưởng. Khi có sự giám sát rộng rãi trong xã hội, cùng với vận hành của cơ chế thị trường, bắt buộc trường phải quản lý hiệu quả hơn.   

Trong các phương thức lựa chọn mà ông đề cập, trách nhiệm giám sát thuộc về ai và như thế nào để tuyển được đúng người, đúng việc?

- Cấu trúc mô hình đại học công tư có khác nhau, nhưng việc chọn người có khả năng, phù hợp với môi trường và văn hóa để đáp ứng nhu cầu phát triển của trường là chuyện phải làm. Tính dân chủ, công bằng, khách quan và minh bạch trong việc tuyển chọn, giúp tạo niềm tin cho xã hội, mang lại uy tín và có lợi cho trường.

Nhận thức được sự cạnh tranh và hướng phát triển lâu dài, đơn vị chủ quản dù ĐH công hay tư, đều có trách nhiệm xây dựng và phát huy trường một cách tốt nhất.

ĐH là một tổ chức giáo dục mang giá trị quần chúng và ảnh hưởng sâu sắc đến các vấn đề trong xã hội. Tiêu biểu nhất là những “sản phẩm đào tạo” từ trường, là “cổ đông tinh thần”, cùng với lực lượng giảng viên trường, họ có tiếng nói trong sự chọn lựa chọn hiệu trưởng, cũng như những sự thay đổi mang tính chiến lược của trường.

Sự phát triển GD-ĐH tại Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua, phần yếu nhất có lẽ là sự quan tâm, tham gia của các thề hệ sinh viên vào ngôi trường mình được đào tạo và xã hội nói chung. Điều đó nói lên là sự tiếp nhận và chia sẻ giá trị tinh thần này không cao. Thiết nghĩ, đây là một thử thách lớn cho các hiệu trưởng trong tương lai.

{keywords}

"Phần yếu nhất của GD-ĐH Việt Nam có lẽ là sự quan tâm, tham gia của các thề hệ sinh viên vào ngôi trường mình được đào tạo" (Ảnh Lê Anh Dũng)

Tự chủ không đơn thuần là chọn hiệu trưởng

Trong lĩnh vực giáo dục đại học, Nhà nước và xã hội đang thúc đẩy khái niệm "tự chủ". Theo ông, ở lĩnh vực nhân sự, cụ thể là chọn người đứng đầu thì các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam đã có quyền tự chủ hay chưa? Tại sao?

- GD là một hệ thống con trong một hệ thống lớn. Tự chủ ĐH tuy được đề cập nhiều trong thời gian gần đây, nhưng vẫn còn vướng nhiều, đây là vấn đề khó.

Thay đổi gần đây trong GD có tác động lớn trong xã hội, nhưng lại mang tính zic-zắc hay đường vòng, làm tiêu hao rất nhiều công sức. Theo logic học, thì các vấn đề mang tính hệ thống thì phải giải quyết bằng hệ thống, quan trọng nhất là phải tìm ra được căn cơ của vấn đề mới mong giải quyết rốt ráo được.

Tự do học thuật là nền tảng của giáo dục ĐH, đào tạo ra những con người có tri thức và sáng tạo. Tự chủ tài chính, quyết định nhân sự và chương trình giảng dạy là các phần cơ bản để có tự chủ ĐH. Tự chủ không đơn thuần chỉ là việc chọn hiệu trưởng, mà cả một cấu trúc vận hành của hệ thống trường.

Bộ phận chủ quản của trường, điển hình là HĐQT hay HĐ trường dù công hay tư phải có đủ thẩm quyền lẫn nhận lãnh trách nhiệm trong các quyết định. Hiệu trưởng là người lãnh đạo và điều hành công việc. Một ĐH tự chủ thì quyền hành và trách nhiệm của HĐQT và hiệu trưởng phải phân định và cân đối rõ ràng.

Sự mất cân đối, chống chéo, đùn đẩy trách nhiệm ít khi xảy ra trong môi trường có tính dân chủ và minh bạch. Quản lý hoạt động của một ĐH tự chủ đúng nghĩa tại Việt Nam hiện nay sẽ còn rất nhiều thử thách, nhưng không thể phát triển GD-ĐH lên một tầm mới nếu không có nó.  

Ông có nhận xét gì về hình thức thi tuyển như Bộ Tư pháp đã tổ chức thí điểm? Trong lịch sử giáo dục Việt Nam còn có những hình thức chọn hiệu trưởng khác như bầu hiệu trưởng. Ông thấy có nên khôi phục cách tuyển hiệu trưởng qua bầu phiếu như vậy?

- Tôi nghĩ không quá khó để chọn một hiệu trưởng tốt để lãnh đạo, quản lý một trường ĐH dù công hay tư, nếu có được một cơ chế minh bạch, khách quan, và không bị những ràng buộc khác.

Việc tổ chức thi tuyển như Bộ Tư pháp đã làm cần thiết cho các chức vụ hành chính hay chuyên môn. Nhưng bổ nhiệm lãnh đạo theo lối thi tuyển ngạch bậc, thì rất khó có sự đột phá trong giáo dục đại học. Lại càng không phù hợp khi chọn hiệu trưởng theo lối bầu phiếu.

Một cách dùng cơ chế để đối phó hơn là mở rộng, sáng tạo và đột phá. Một cách đùn đẩy trách nhiệm cho số đông qua hình thức bầu hơn là quyết định của đơn vị chủ quản mang tính độc lập, chủ động và trách nhiệm. Dù có tuyển được người rất có khả năng đi nữa, cũng khó thoát ra được cái cơ chế chồng chéo. Cuối cùng cũng lệ thuộc vào các điều kiện ràng buộc, khó có những thay đổi cần thiết trong GD-ĐH hiện nay.

Với môi trường hiện tại, việc lựa chọn hiệu trưởng ở Việt Nam có thể học hỏi được những điều gì từ cách lựa chọn của quốc tế, thưa ông?

- Cách làm tương đối phổ biến ở nước ngoài là HĐQT hay HĐ trường: Một, thuê một công ty tư vấn chuyên về tuyển dụng nhân sự cao cấp ngành GD (Executive Search) để giúp họ tuyển nhân sự dựa trên các tiêu chí và yêu cầu đưa ra. Hai, là HĐQT tự thành lập một ban để tìm kiếm, chọn lọc và giới thiệu ứng viên cho HĐQT phỏng vấn và chọn lựa. Trường hợp Việt Nam thì phương án 2 phổ biến hơn.

Các cuộc phỏng vấn có thể mở hay kín, tuy nhiên những thông tin về việc chọn lựa đánh giá sẽ được công bố rộng rãi trong cộng đồng trường và xã hội. Tính minh bạch và công khai trong việc tuyển chọn chức danh hiệu trưởng sẽ giúp giải tỏa được phần lớn các vấn đề. Theo cách tuyển chọn này, danh dự và tên tuổi các ứng viên được bào vệ tối đa, nhưng họ vẫn chọn ra được người xứng đáng.

Mục tiêu là tìm đúng người có khả năng lãnh đạo và điều hành trường, chứ không đơn thuần là bổ nhiệm theo lối đúng quy trình, như vậy mới mong đưa trường ĐH lên một tầm mới.

Xin cảm ơn ông.

Ngân Anh thực hiện