Năm 1996, UNESCO đã đề xuất bốn trụ cột của giáo dục trên toàn thế giới trong thế kỷ XXI, đó là “học để có kiến thức, học để làm việc, học để biết chung sống với nhau và học để làm người”.

Mới đây, GS Trần Văn Nhung đã tìm được tài liệu cho thấy về cơ bản tư tưởng về giáo dục mà UNESCO khuyến nghị đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ra ngay từ tháng 9/1949.

GS Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, cho biết, đã từ mấy năm nay, khi đi sâu tìm tòi, nghiên cứu, ông phát hiện ra rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu triết lý giáo dục cho thế kỷ 21 trước UNESCO hơn nửa thế kỷ. “Tôi nghĩ rằng mình cần phải gửi thông tin này đến UNESCO để cả thế giới thấy rõ Bác Hồ và Việt Nam đã góp phần phát triển giáo dục như thế nào”.

{keywords}
GS Trần Văn Nhung

Với suy nghĩ như vậy, tháng 7/2014, ông Nhung đã gửi thư tới bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO, để chia sẻ thông tin.

Ông Nhung viết: “Năm 1996, dựa trên Báo cáo của Hội đồng Delors, UNESCO đã đề xuất bốn trụ cột của giáo dục trên toàn thế giới trong thế kỷ XXI, đó là “học để có kiến thức, học để làm việc, học để biết chung sống với nhau và học để làm người”. Cả nhân loại đều thừa nhận chân lý này. Khuyến nghị  cũng có thể được xem như là triết lý giáo dục cho toàn thế giới trong thế kỷ XXI, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu để ý chúng ta sẽ thấy về cơ bản tư tưởng và chân lý này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ra ngay từ tháng 9 năm 1949 trên trang đầu của cuốn sổ vàng khi Người đến thăm Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, tiền thân của Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh ngày nay: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”” (xem Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 5, trang 684; NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội-2004).

Ông Nhung cũng đồng thời đã gửi thư tới bà Katherine Müller-Marin, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam và ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam. Trong thư, ông Nhung đề nghị “Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trình nguyên bản bút tích nói trên năm 1949 của Chủ tịch Hồ Chí Minh kèm theo bản dịch tiếng Anh, tiếng Pháp lên UNESCO tại Paris, để thấy Hồ Chí Minh hơn nửa thế kỷ trước đã góp phần xây dựng nên bốn trụ cột giáo dục của toàn thế giới trong thế kỷ XXI do UNESCO khuyến nghị năm 1996 như thế nào”.

Sau khi gửi thư đi, ông Trần Văn Nhung đã nhận được thư phúc đáp từ ông Qian Tang, Trợ lý về Giáo dục của Tổng Giám đốc UNESCO.

Thay mặt Tổng Giám đốc, ông Qian Tang cám ơn ông Nhung về “bức thư cung cấp bút tích để minh chứng đóng góp và cống hiến quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tư tưởng và tầm nhìn giáo dục”.

{keywords}

Thư phúc đáp từ ông Qian Tang, Trợ lý về Giáo dục của Tổng Giám đốc UNESCO

Trong thư có đoạn: “Quả thực, cách thức nhìn nhận của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất gần gũi với bốn trụ cột giáo dục được đề xuất trong Báo cáo Delors năm 1996 của UNESCO dưới nhan đề “Học tập: Một kho báu tiềm ẩn”...

Chúng tôi cám ơn các ông đã góp phần tiếp tục làm giàu lý luận giáo dục thế giới bằng minh chứng tầm nhìn giáo dục rất nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Thông tin từ bức thư này cũng cho biết Tổng Giám đốc UNESCO đã thành lập Nhóm Chuyên gia Cao cấp để tiếp tục nghiên cứu giáo dục thế giới trong bối cảnh hiện nay với những biến đổi toàn cục. Nhóm này hiện đang chuẩn bị một báo cáo ngắn để đóng góp vào giáo dục đang được nhìn nhận lại trong một thế giới thay đổi. Đây có thể xem là cơ sở cho báo cáo toàn cầu mới với nhiều kỳ vọng về sự học tập trong thế kỷ XXI. Ông Qian Tang đã mời ông Nhung tham gia vào quá trình thẩm định dự thảo báo cáo.

Và bản báo cáo nhan đề “Suy nghĩ lại về giáo dục trong một thế giới thay đổi” sẽ được cho in ra và báo cáo tại Diễn đàn Giáo dục Thế giới được tổ chức tại Incheon, Hàn Quốc, từ 19 – 22/5/2015.

Chia sẻ với Vietnamnet, ông Nhung cho rằng Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đang làm rất tốt việc tiếp tục giới thiệu các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể với UNESCO để được công nhận. Tuy nhiên, qua câu chuyện này, ông Nhung mong muốn Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chú ý hơn nữa đến việc giới thiệu các di sản tư tưởng và văn hoá của dân tộc Việt Nam. “Vì các di sản tư tưởng và văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, bao giờ cũng không kém phần quan trọng hơn so với các di sản vật thể do "tự nhiên" tạo ra và để lại” – ông Nhung nhấn mạnh.

Trong bức thư gửi tới GS Trần Văn Nhung, ông Phạm Bình Minh - Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao – có viết: “Trong thời gian tới, tôi mong Giáo sư tiếp tục chia sẻ những nghiên cứu đóng góp của Giáo sư trong lĩnh vực giáo dục. Tôi sẽ chỉ đạo Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO, Bộ Ngoại giao với tư cách là Ban thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, cũng như Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh Tổ chức UNESCO, phối hợp chặt chẽ với Tiểu ban Giáo dục trong Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam để giới thiệu một cách rộng rãi hơn tới tổ chức UNESCO và các quốc gia thành viên triết lý giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Ngân Anh