Nhân dịp 8/3, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gửi riêng cho Thanh Niên bài viết nêu những cảm nhận và trách nhiệm đối với nữ giới.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry

Trong tuần đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ, tôi có vinh dự gặp gỡ một nhóm phụ nữ rất can đảm đến từ Myanmar. Hai trong số họ là cựu tù chính trị; mặc dù đã trải qua những gian truân vô bờ bến trong đời, mỗi người đều nỗ lực vươn lên. Họ tham gia giáo dục và huấn luyện cho các em gái, tìm kiếm việc làm cho người thất nghiệp và thúc đẩy mọi người tham gia mạnh mẽ hơn vào xã hội.

Tôi tin chắc rằng họ tiếp tục sẽ là những nhân tố mạnh mẽ thúc đẩy thay đổi, tạo dựng tiến bộ trong cộng đồng và đất nước họ trong những năm tới.

Những cơ hội gặp gỡ như thế nhắc chúng tôi lý do tại sao Mỹ cần tiếp tục hợp tác với các chính phủ, các tổ chức và cá nhân trên khắp thế giới để bảo vệ, thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em gái. Suy cho cùng, cũng giống như tại chính đất nước chúng tôi, các vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị trọng đại nhất sẽ không thể được giải quyết ổn thỏa nếu không có sự tham gia đầy đủ của giới nữ.

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, những nước trong đó cả nam lẫn nữ đảm bảo được quyền bình đẳng thì có khả năng cạnh tranh kinh tế cao hơn rất nhiều so với các nước mà giới tính khiến phụ nữ và các em gái thiếu hoặc không tiếp cận được y tế, giáo dục, cơ quan dân cử và thị trường.

Tổ chức Lương nông thế giới ước tính rằng nếu các nữ nông dân tiếp nhận được hạt giống, phân bón và công nghệ tương tự phái nam thì có thể giảm được từ 100 đến 150 triệu người suy dinh dưỡng trên toàn cầu.

Tuy nhiên, trong nhiều gia đình và xã hội, phụ nữ và các em gái vẫn bị coi rẻ, bị tước bỏ cơ hội đến trường và bị buộc phải lập gia đình khi còn là trẻ em. Bạo lực liên quan tới phân biệt giới tính khiến rất nhiều cuộc đời bị đánh cắp hay thay đổi hoàn toàn. Là cha của 2 con gái, tôi không thể đo đếm hết nỗi đau mà cha mẹ của một cô gái trẻ, được biết dưới cái tên “Nirbhaya”, đã trải qua. Cô sinh viên 23 tuổi này bị giết chết khi đi trên một xe buýt tại New Delhi - đơn giản vì cô là một phụ nữ. Hay như nỗi đau của cha mẹ Malala Yousafzai, thiếu nữ người Pakistan bị những kẻ cực đoan ám sát, cũng trên một chuyến xe buýt, chỉ vì ý muốn được đến trường. Tôi thực sự khâm phục nghị lực của Malala quyết theo đuổi mục đích của mình, hay quyết tâm của Nirbhaya đưa những kẻ giết người ra công lý ngay cả khi đang kề cận cái chết. Tôi cũng rất ấn tượng với lòng can đảm của những người cha của 2 cô gái đã lên tiếng tố cáo thay cho con gái và cho cả phụ nữ ở những nơi khác.

Chẳng có một đất nước nào phát triển được nếu một nửa số dân bị bỏ rơi đằng sau. Đó là lý do tại sao Mỹ tin rằng bình đẳng giới thực sự thiết yếu đối với mục tiêu chung của chúng ta: thịnh vượng, ổn định và hòa bình. Đó cũng trả lời cho câu hỏi vì sao việc đầu tư cho phụ nữ và các bé gái trên thế giới thực sự quan trọng trong thúc đẩy chính sách đối ngoại của Mỹ.

Chúng tôi đầu tư đào tạo và hướng dẫn các nữ doanh nhân để giúp họ không những nâng đỡ gia đình mình mà còn góp phần phát triển kinh tế của đất nước. Chúng tôi đầu tư vào giáo dục cho các em gái, giúp các em thoát khỏi cảnh bị ép lập gia đình sớm, vượt qua nghèo đói, trở thành những lãnh đạo cộng đồng đồng thời cũng là những công dân đầy trách nhiệm. Tăng cường giáo dục, tạo cơ hội cho phụ nữ và các em gái tiếp cận các nguồn lực sẽ giúp cải thiện y tế và giáo dục cho thế hệ tiếp theo.

Chúng tôi phối hợp với các đối tác trên khắp thế giới nhằm cải thiện sức khỏe của các bà mẹ, tăng cường vai trò của nữ nông dân, ngăn chặn và xử lý bạo lực liên quan tới giới tính vì mọi xã hội đều hưởng lợi khi phụ nữ khỏe mạnh, an toàn và có thể đóng góp sức lao động, khả năng lãnh đạo và năng lực sáng tạo cho kinh tế toàn cầu. Viên chức ngoại giao Mỹ ở khắp nơi luôn cố gắng hội nhập phụ nữ đầy đủ vào các cuộc đàm phán hòa bình và nỗ lực an ninh. Kinh nghiệm, các mối quan tâm và kiến thức của phụ nữ tại bàn đàm phán sẽ giúp ngăn ngừa xung đột và xây dựng nền hòa bình bền vững hơn trong tương lai.

Quyền bình đẳng nam nữ là động lực phát triển đất nước - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Một minh chứng cho nỗ lực nói trên đang diễn ra ngay tại Việt Nam. Thông qua chương trình đối tác với Công ty Intel Việt Nam, Cơ quan Viện trợ phát triển quốc tế Mỹ (USAID), Trường Arizona State University và Chương trình Học bổng cho nữ sinh của Liên minh Giáo dục đại học ngành kỹ thuật (HEEAP) đã thực sự khuyến khích phụ nữ trẻ của Việt Nam theo đuổi ngành nghề kỹ thuật. Tháng 1 năm nay, chương trình đã cấp số học bổng trị giá hơn 700 triệu đồng cho 109 sinh viên của 13 trường đại học và cao đẳng tại Việt Nam. Khoảng 2,4 tỉ đồng tiền học bổng sẽ được cấp đến hết năm 2014.

Ngoài ra, nhằm ngăn chặn bạo lực gia đình tại Việt Nam, Đại sứ quán Mỹ đã hỗ trợ huấn luyện về nghiệp vụ xử lý vụ việc cho nữ sĩ quan công an trong năm 2012 và đang lên kế hoạch tiếp tục chương trình này vào cuối năm nay. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tài trợ cho 3 chương trình chống buôn người tại Việt Nam để hỗ trợ các nạn nhân, phần lớn là phụ nữ.

Hôm nay, ngày Quốc tế Phụ nữ, là một ngày lễ. Đây cũng là ngày mà mỗi chúng ta phải tái cam kết chấm dứt bất bình đẳng ngăn cản sự tiến bộ trong mọi ngõ ngách trên trái đất này. Chúng ta có thể và sẽ thực hiện bằng được cam kết này để con gái chúng ta có thể tự đi xe buýt đến trường mà không phải lo sợ, để những người chị, người em của chúng ta có thể phát huy hết tiềm năng dồi dào của họ, và đồng thời mỗi phụ nữ và mỗi em gái có thể sống xứng đáng, tận dụng tất thảy những khả năng họ có.

  • John Kerry, Ngoại trưởng Mỹ (Theo Thanh Niên)