Sau 6 năm, anh thẳn thắn nhìn nhận: “Học giỏi là điều ít quan trọng nhất khi đi làm, bởi kiến thức chuyên môn là thứ có thể thay thế được”.

Học giỏi chưa đủ làm nên thành công

Giống như nhiều người trẻ khác, Di Lân cũng từng mong muốn một ngày nào đó mình sẽ được học ở những ngôi trường danh tiếng nhất thế giới. Nhưng cũng như đa số, anh từng bị các trường hàng đầu như Oxford hay MIT từ chối.

Giờ đây nghĩ lại, Lân thừa nhận rằng “việc trượt những trường “top” không có gì ngạc nhiên vì họ đều yêu cầu rất cao về học thuật và bản thân mình cũng chưa chuẩn bị đủ kỹ”. Tuy nhiên, ở thời điểm ấy, anh không tránh khỏi cảm giác thất vọng.

“Điều đó giúp tôi nhận ra một điểm quan trọng, đa số các trường đại học hàng đầu, dù ở Mỹ hay ở những nơi khác, không chỉ coi trọng việc học giỏi. Điểm số cao không phải là một sự đảm bảo tuyệt đối rằng bạn chắc chắn nắm trong tay học bổng, nhất là khi giờ đây, bảng điểm của ai cũng đẹp long lanh.

Tôi biết có rất nhiều bạn điểm GPA không thực sự xuất sắc nhưng nhờ bảng thành tích ngoại khóa đặc biệt ấn tượng, họ vẫn có thể giành được học bổng chẳng kém ai”.

{keywords}

Ngô Di Lân từng giành học bổng toàn phần tại ĐH College Maastricht, sau đó là học bổng Tiến sĩ toàn phần tại ĐH Brandeis (Mỹ)

Giờ đây, sau 3 năm làm trợ giảng ở Mỹ, từng trải nghiệm trong môi trường làm việc ở một công ty quảng cáo lớn và đang triển khai một dự án kinh doanh riêng, Lân tự tin nhận định rằng, học giỏi lại là điều ít quan trọng nhất khi đi làm.

Bởi lẽ, môi trường giáo dục thường chỉ khuyến khích học sinh tích lũy kiến thức thay vì đi tìm hướng giải quyết mang tính sáng tạo, đột phá. Những học sinh “giỏi” đa phần đạt điểm cao nhờ khả năng giải bài thuần thục chứ không hẳn là vì trí tuệ siêu việt. Hơn nữa, nhà tuyển dụng ban đầu có thể quan tâm tới điểm số, nhưng khi đã vào làm, điểm số không còn ý nghĩa gì nữa.

Lân cũng cho rằng, chỉ giỏi chuyên môn mà không chú tâm rèn luyện kỹ năng mềm thì sẽ rất khó để thăng tiến trong công việc. Những vị trí thủ lĩnh thường dành cho những người có tài dùng người và quản lý.

“Trên thực tế, kiến thức chuyên môn lại là những thứ có thể thay thế được. Giả sử, bạn là trưởng phòng, dưới bạn ắt sẽ có những nhân viên nắm rất vững kiến thức chuyên môn và có thể đưa ra sự tư vấn cặn kẽ, thấu đáo. Nhưng họ không thể là người tổng hợp và đưa ra quyết định. Đó là trách nhiệm của bạn – người trưởng phòng”.

Theo Ngô Di Lân, tầm nhìn chiến lược, trí tuệ cảm xúc cao, năng lực truyền cảm hứng cho những người xung quanh, tinh thần thép để ra quyết định dưới áp lực, đó mới là những gì làm nên một người lãnh đạo giỏi.

Vậy nên ngay từ lúc còn đi học, không nên chỉ cố nhồi nhét mọi thứ để được điểm cao mà cần phải chủ động tham gia các hoạt động xã hội để có cơ hội va chạm với cuộc sống; qua đó học được các kỹ năng thiết yếu như đàm phán, phản biện và bảo vệ quan điểm của mình, đặt ra câu hỏi, sàng lọc và tổng hợp thông tin,….

“Có những phẩm chất đó, dù các bạn không trở thành lãnh đạo thì vẫn sẽ là một nhân viên xuất sắc. Vì thế, khi tuyển thành viên cho các dự án, tôi không hề quan tâm đến điểm GPA mà chỉ quan tâm tới cách các bạn thể hiện qua những bài kiểm tra tư duy và kỹ năng được thiết kế riêng”.

'Môi trường' là yếu tố quan trọng

Từng trải qua 5 nền giáo dục ở 5 đất nước khác nhau, Ngô Di Lân cho rằng, môi trường cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thành công.

“Học tập ở Anh, Thụy Điển, Hà Lan hay Mỹ cơ bản đều giống nhau ở chỗ, những môi trường này đã rèn luyện cho tôi về tư duy phản biện. Việc thầy rất chịu khó tranh luận với sinh viên, sinh viên sẵn sàng tranh luận với nhau khiến tôi dần quen với việc không có một đáp án đúng cho bất kỳ câu hỏi nào.

Bên cạnh đó, việc hình thành tư duy phản biện cũng giúp tôi dám nghĩ khác đi và dám bước trên con đường riêng của mình”.

Theo Di Lân, môi trường thuận lợi để một cá nhân đạt được thành công phải là một môi trường cởi mở - nơi mọi người sẵn sàng chia sẻ kiến thức cho nhau.

{keywords}

Anh là người sáng lập Tổ chức Hợp tác Thanh niên Việt Nam (VYCO).

“Nhiều người cho rằng giá trị lớn nhất của việc du học nằm ở việc được học trường tốt, nhưng không hẳn như vậy. Quan trọng nhất, môi trường đó sẽ giúp ta có cơ hội được liên tục giao lưu, va chạm với những ý tưởng mới lạ, độc đáo và gặp được những người chung chí hướng”.

Thành công dễ bị coi là thành tựu cá nhân nhưng thật ra nó lại là sản phẩm của tập thể. Ý tưởng đột phá có thể là của một người, nhưng để trở thành một sản phẩm thay đổi thế giới, dù là Windows hay Facebook, chắc chắn sẽ phải qua tay của rất nhiều người. Cần phải có cả một cộng đồng cùng chung tay để tôi rèn, gọt giũa những ý tưởng thô ráp và biến chúng thành những viên ngọc quý. 

Tất nhiên, không phải ai cũng là người may mắn sinh ra đã được đặt vào trong hoàn cảnh thuận lợi. Tuy nhiên, theo Di Lân, mỗi cá nhân hoàn toàn có thể tự tạo ra một môi trường tốt.

“Tôi có những người bạn sinh ra trong các gia đình không mấy điều kiện. Mặc dù chưa từng được đặt chân ra nước ngoài, nhưng họ vẫn có thể nói tiếng Anh rất hay, phát âm chuẩn xác và sử dụng linh hoạt hơn nhiều bạn học lớp chuyên. Làm được điều đó là nhờ họ có sự quyết tâm sắt đá và chủ động tìm gặp những người bạn nước ngoài để luyện tiếng.

Do đó, môi trường là điều bản thân mỗi người có thể tự tạo ra để đưa mình tới thành công”.

Xây dựng kế hoạch và dám chấp nhận rủi ro

Muốn thành công cần phải có ước mơ. Nhưng để ước mơ thành hiện thực, chắc chắn phải có kế hoạch tốt.

“Tôi có thói quen ngay lập tức mở iPad ra ghi chép khi trong đầu nảy ra ý tưởng gì đó. Sau đó, tôi sẽ vạch ra tầm nhìn của mình là gì; để thực hiện được điều đó cần những bước nào. Việc lên kế hoạch sẽ bắt đầu từ những thứ vĩ mô rồi dần dần từng bước  được lập ở mức độ chi tiết hơn”.

{keywords}

Ngô Di Lân từng là Tổng thư ký Chương trình Thanh niên Việt Nam Mô phỏng họp Liên Hợp Quốc (VYMUN) năm 2014, 2015 và 2016.

Khi đã có kế hoạch, muốn thành công cũng phải dám chấp nhận rủi ro.

“Nhiều người rất sợ thua cuộc, sợ mắc sai lầm. Nhưng muốn đột phá, muốn tạo sự khác biệt ắt phải dám chấp nhận rủi ro và làm những điều người khác không dám làm.

Nhưng điều đó không có nghĩa cứ “phi như thiêu thân”. Để chấp nhận rủi ro lớn sẽ cần phải có kế hoạch để kiểm soát rủi ro. Khi đã có phương án để kiểm soát rủi ro rồi, ta phải có lòng dũng cảm để ra quyết định và đối mặt với kết quả, dù tốt hay xấu”, Ngô Di Lân nói.

Thúy Nga

Cô gái 23 tuổi giành 9 học bổng toàn phần tiến sĩ

Cô gái 23 tuổi giành 9 học bổng toàn phần tiến sĩ

Tốt nghiệp xuất sắc ngành Sinh học tại Đại học Iowa State (Mỹ) với điểm GPA 3,96/4 trong 3 năm rưỡi - Võ Phạm Thủy Tiên đã giành được 9 học bổng toàn phần tiến sĩ tại Mỹ

Nam sinh trúng học bổng Harvard: 'Điểm số chỉ chiếm 50% quyết định'

Nam sinh trúng học bổng Harvard: 'Điểm số chỉ chiếm 50% quyết định'

Đầu tháng 4 vừa qua, Nguyễn Đức Anh Phú vui mừng khoe trên Facebook email từ ĐH Harvard chấp nhận nhập học và cấp học bổng cho cậu.