- Nguyễn Ngọc Lưu Ly (sinh năm 1981), nữ PGS trẻ nhất 2013 sinh ra trong gia đình Nguyễn Lân nổi tiếng với nhiều người làm khoa học. Lựa chọn theo nghề giáo với chị đến tự nhiên. Phó chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ và Văn hóa tiếng Pháp (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) nói rằng, chị may mắn khi được công tác tại “nhà trường sư phạm”.

Năng động, trẻ trung, Nguyễn Ngọc Lưu Ly đã là mẹ của 2 con và hiện đang giữ trọng trách là Phó chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội).

Hài lòng với nghề giáo

Đâu là động lực để chị chọn theo nghề giảng viên?

Lựa chọn của tôi xuất phát từ truyền thống gia đình có cái nôi nghiên cứu.

Từ ông nội là NGND, GS Nguyễn Lân đến các bác Lân Tuất, Lân Dũng, Lân Cường, Lân Hùng, Lân Tráng, Lân Việt và ba Lân Trung đều là nhà tri thức đi theo con đường nghiên cứu như sinh học, khảo cổ học, y học, ngôn ngữ học.

Ba tôi - PGS.TS. Nguyễn Lân Trung - cũng là một nhà ngôn ngữ học, vừa là cha, vừa là thầy, lại vừa là bạn đã chia sẻ với tôi nhiều kiến thức và kinh nghiệm quý, nuôi dưỡng tâm hồn tôi từ tấm bé.

Được sống trong môi trường như vậy việc lựa chọn theo sư phạm với tôi cũng hết sức tự nhiên vì nghiên cứu khoa học cũng gần gũi với sự nghiệp dạy học.

{keywords}
Tổ ấm hạnh phúc của PGS Nguyễn Ngọc Lưu Ly.

Quan trọng hơn, tôi được gia đình rất yêu thương. Ba mẹ đẻ, bố mẹ chồng, chồng tôi và em trai tôi luôn là những chỗ dựa vô cùng quý giá với tôi trong mọi chuyện, ủng hộ và hỗ trợ động viên từng bước đi của tôi.

Trường ĐH Ngoại ngữ nơi tôi công tác giúp tôi có điều kiện phát triển, giảng dạy và thử nghiệm những phương pháp mới để nghiên cứu ở cấp độ sâu hơn.

Bên cạnh đó, tôi cũng nhận được sự hỗ trợ rất nhiều của thầy cô và đồng nghiệp. Có thể nói, ngoài nỗ lực của bản thân thì những điểm tựa trên là động lực không nhỏ giúp tôi có được thành công ban đầu như ngày hôm nay.

Tôi hài lòng với lựa chọn theo nghề giáo và luôn cố gắng làm tốt công việc của mình với niềm đam mê, nhiệt huyết.

Công trình nào Ly mất nhiều tâm sức cũng như hài lòng nhất trong con đường làm nghiên cứu của mình tính đến nay?

Ở mỗi giai đoạn sẽ có những mục tiêu khác nhau, Ví dụ, Ngay từ khi bắt đầu bước chân vào ĐH tôi đã bắt đầu dò dẫm những “tác phẩm” nghiên cứu đầu tay và giờ đọc lại vẫn thấy rất ngộ nghĩnh.

Tôi từng nghiên cứu về tính nữ của tượng Phật trong chùa Việt Nam; rồi nghiên cứu về trọng âm tiếng Pháp để ứng dụng cho người Việt học tiếng Pháp;... Những công trình ấy dù nhỏ bé nhưng đó là những viên gạch đầu tiên trong quá trình nghiên cứu về sau.

Tôi cứ đi từng bước, như bước từng bậc thang như vậy, không nhảy cóc, không đốt cháy giai đoạn. Vừa làm vừa tích lũy, mạnh dạn hơn, có phương pháp đúng hơn và tư duy sáng sủa hơn sẽ làm cái lớn hơn vừa sức mình lúc đó.

Sinh viên có đòi hỏi ở người thầy như Ly nhiều điều?

Tôi với sinh viên, vừa là thầy-trò, vừa là những người cùng quan tâm một vấn đề. Đã qua rồi thời ông đồ đưa cho trò một bồ chữ. Môi trường giáo dục hiện nay là sự chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức để mọi người cùng tiến lên.

"Đã qua rồi thời ông đồ đưa cho trò một bồ chữ. Môi trường giáo dục hiện nay là sự chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức để mọi người cùng tiến lên"

Với sinh viên, tôi cố gắng đưa gợi ý, để các em trải nghiệm gợi ý đó rồi điều chỉnh cho phù hợp với mỗi cá nhân.

Giáo án, kiến thức nằm khô ở đó nhưng mỗi người tiếp cận vấn đề theo cách khác nhau.

Tôi luôn cố gắng để có những phương pháp truyền đạt, chia sẻ kiến thức gần gũi hơn cho sinh viên.

Chính vì vậy nên cô trò không có cảm giác đối lập hay mâu thuẫn nhau. Chúng tôi nói chuyện cởi mở, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm để cùng đi đến một đích chung.

Nỗ lực để không tụt lại phía sau

Nhắc về người thầy, thậm chí một cụ già cũng dễ dàng nhớ và kể về họ với sự trân trọng và tôn kính đặc biệt. Chị có buồn không, có thấy lạ không khi mà ngày nay sinh viên không mấy khi nhớ tên thầy cô của mình?

{keywords}
Các thành viên trong gia đình nữ PGS trẻ nhất 2013.

Trước đây, việc tiếp cận khoa học khó khăn hơn. Kiến thức ngày ấy cũng hạn hẹp.

Bây giờ, xã hội bùng nổ thông tin, có nhiều kênh để người học tìm đến nguồn tri thức nhân loại. Người thầy cũng phân ra theo chuyên môn từng ngành, từng nhánh ở các môn học khác nhau.

Là giảng viên, tôi quan niệm mình như hạt cát nhỏ góp vào biển tri thức cung cấp cho sinh viên. Khi các em cần thì có giảng viên ở đó. Tôi không nặng nề coi mình thua thiệt hơn các thầy ngày trước mà đơn giản chỉ cố gắng làm tốt nhiệm vụ, thay đổi để bắt nhịp với thời cuộc, không tụt lại phía sau.

Nhưng nếu mỗi giảng viên làm tốt, làm giỏi công việc của mình không lẽ nào họ lại như hạt cát dễ bị lãng quên bởi người học như vậy?

Tôi nghĩ không hoàn toàn như vậy. Trong xã hội bây giờ, tình thầy trò vẫn luôn được nuôi dưỡng đấy chứ. Đúng là có sự chưa chuẩn của một bộ phận trò đối với thầy cô nhưng ta phải thấy được rằng đa số vẫn luôn biết ơn thầy cô. Chỉ có điều cách thức thể hiện không còn giống trước kia mà thôi.

Là giáo viên, chúng tôi có những thông cảm nhất định! Nếu bạn có một người thầy để học thì sẽ nhớ lâu, sâu sắc. Nhưng mỗi học kỳ học đến gần 10 môn học, 8 học kỳ trong 4 năm như thế thì sẽ có rất nhiều thầy cô giảng dạy. Cũng đơn giản như khi bạn sống trong gia đình nhỏ chỉ có bố mẹ, anh chị thì mọi người có nhiều thời gian dành cho nhau. Đến khi mở rộng ra họ hàng gần xa đông đúc thì việc gặp mặt thường xuyên đôi khi khó khăn hơn, dù tình cảm luôn tràn đầy.

May mắn vì ở “nhà trường sư phạm”

Có quan niệm: làm giáo dục sống phong lưu là đủ, đừng ham làm giàu. Chị thì sao?

Mỗi nghề có khó khăn riêng. Trong xã hội, người làm ra tiền kiếm sống bằng trí tuệ, sức lao động của mình là người giỏi. Ta không tôn vinh cái nghèo, những người làm giàu một cách chính đáng đáng được tôn trọng vô cùng.

Phải chăng mối lo cơm áo gạo tiền, đồng lương còm cõi khiến nhiều người thầy đánh mất hình ảnh trong sáng, cao quý của mình?

Xã hôi đang phát triển, có mặt được và chưa được. Bản thân tôi tâm niệm nên làm tốt việc của mình trước khi đánh giá những hiện tượng, câu chuyện đó.

Tôi may mắn khi được sinh hoạt, công tác trong một nhà trường “sư phạm”. Tôi từng là học trò của các thầy giáo trong khoa, trong trường rồi sau lại là thầy của các sinh viên. Mọi người đều cố gắng để sau trở thành đồng nghiệp của nhau nên gắn bó và thân tình như một gia đình. Chúng tôi vẫn hay dùng lại từ của thầy Trưởng khoa PGS.TS. Trịnh Đức Thái, gọi nơi làm việc là “Đại gia đình khoa Pháp” của mình với tình cảm nâng niu, trân trọng.

Ngành giáo dục đang thực thi sự kiện "đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo". Chị hi vọng gì cho lần đổi mới này?

Tôi cũng có con đang đi học. Ngoài cơ chế, chính sách cho giáo viên nên tốt hơn, tôi mong ngành giáo dục sẽ có những bộ SGK thật tốt, tham khảo những ưu điểm của nhiều nước phát triển và chỉnh sửa cho phù hợp với điều kiện của ta, để con trẻ có được những kiến thức nền cơ bản, những kĩ năng sống, sự sáng tạo và niềm vui thích mỗi ngày đi học.

Cảm ơn chị!

  • Văn Chung (Ảnh: Nhân vật cung cấp)