Dành thời gian đi du lịch, làm tình nguyện hay làm việc trước khi bước vào một giai đoạn quan trọng trong cuộc sống đang trở thành xu hướng mới của người trẻ Trung Quốc.

Trải nghiệm

Với tấm bằng cử nhân thống kê bảo hiểm, Anxin đã có thể đi theo con đường an toàn: làm việc trong một ngân hàng hay một công ty bảo hiểm.

Mao Hexin ở Hà Nội vào tháng 6 năm 2011

Hay giống như 1/3 bạn cùng lớp, cô có thể tiếp tục học ở Mỹ, Anh với hi vọng sẽ có một công việc tốt và một mức lương cao.

Tuy nhiên, cô gái 23 tuổi này lại chọn đi du lịch và làm tình nguyện ở nước ngoài.

Ở Kolkata, Ấn Độ, cô chăm sóc những người bệnh nặng ở Kalighat – một nhà tế bần dành cho người bệnh, những người sắp chết hoặc nghèo khó. Ở Pattaya, Thái Lan, cô dạy tiếng Anh cho trẻ em nghèo và làm việc cùng trẻ tự kỉ.

Xuất phát từ Châu Âu, ý tưởng về “gap year” lan truyền tới Trung Quốc chỉ cách đây vài năm. Tuy nhiên, nó đang ngày càng phổ biến với người trẻ nước này khi họ đang cố gắng khám phá thế giới và bản thân nhiều hơn.

Anxin chia sẻ cô chọn ngành khoa học thống kê bảo hiểm vì cha cô học Toán. “Tôi không muốn làm thứ mà mình không đam mê. Tôi muốn khám phá bản thân nhiều hơn trên đường trải nghiệm” – Anxin chia sẻ những kinh nghiệm của mình với 150 sinh viên Bắc Kinh.

Tuy nhiên, cô cũng thừa nhận rất khó để thuyết phục cha mẹ đồng ý với ý định này. “Bố tôi hỏi: ‘Con điên à?’ Bây giờ tìm được một công việc tốt không hề dễ, vậy mà con lại muốn đi tình nguyện ở nước ngoài?”

“Và khi tôi nói rằng Pattaya là một trong những điểm đến của tôi thì ông hỏi ‘Có phải nơi nổi tiếng với ngành công nghiệp tình dục không?’

Anxin ở trại tế bần ở Pattaya, Thái Lan hồi tháng 3

Tuy vậy, cuối cùng Anxin cũng thuyết phục được cha mẹ bằng cách phác thảo ra kế hoạch của mình. Cô dịch bản giới thiệu về tất cả các tổ chức phi Chính phủ mà cô sẽ làm việc cùng để cha mẹ có thể tự đọc thông tin về họ.

Không phải đi chơi

Zheng Kaifeng, 32 tuổi đã rất ghen tị với các đàn em. Anh chưa từng nghe nói về ‘gap year’ cho tới năm 2007. “Nếu tôi biết về nó khi đang học đại học, chắc chắn tôi sẽ đi.

“Sinh viên Trung Quốc phải gánh một áp lực nặng nề hơn SV nước ngoài. Họ luôn phải vội vã tìm một công việc lương cao để mua nhà, kết hôn, có con” – nhân viên lập trình này chia sẻ. “Những kì vọng lớn của gia đình và xã hội đồng nghĩa với việc bạn không thể dừng lại và nghĩ về cuộc sống mà bạn muốn”.

Ở phương Tây, thuật ngữ “gap year” thường để chỉ khoảng thời gian trước khi học đại học, tuy nhiên định nghĩa này hiện nay ở Trung Quốc hơi khác. Nhiều người như anh Zheng không biết đến “gap year” khi đang học phổ thông hoặc không có khả năng tài chính để tham gia. Vì thế, họ đã chọn cách thực hiện mong ước của mình sau khi đã đi làm vài năm.

Badao là một trong những người thực hiện một chuyến “gap year” muộn. Sau khi làm điều phối viên sản xuất phim trong 3 năm, cô tới New Zealand vào cuối năm 2010 bằng visa làm việc trong kì nghỉ.

“Phong cảnh ở New Zealand thực sự tuyệt vời, nhưng chuyến đi này không phải chỉ để ngắm phong cảnh. Bạn phải làm việc rất chăm chỉ và công việc có thể đòi hỏi rất khắt khe” – cô gái 28 tuổi chia sẻ.

Badao đã làm việc trong các nhà máy chế biến dâu tây, táo, kiwi. Cô làm việc 14 tiếng/ ngày để kiếm đủ tiền cho các chuyến đi sau của mình. “Lần đầu tiên tôi biết đến cảm giác của một nữ công nhân. Thực sự rất mệt mỏi và không phải cái gì cũng thú vị” – cô thừa nhận.

Badao vắt sữa bò ở Wellsford, New Zealand tháng 6 năm 2010

Những gì cô học được trong thời gian “gap year” đã giúp cô rất nhiều khi trở về Bắc Kinh. Cô nhận ra nhiều bạn bè đã thay đổi. Một số thăng tiến, một số khác đã kết hôn. “Đôi khi, tôi tự hỏi chính mình, có đáng để mất 1 năm không?”

“Nhưng sau đó tôi thấy nó rất tuyệt. Sau 1 năm làm việc, đi du lịch và suy nghĩ, tôi nhận ra rằng nhu cầu thực sự của chúng ta rất đơn giản. Thành công không phải là kiếm tiền và đạt được một vị trí cao, mà là bạn có được làm cái bạn muốn và sống một cuộc sống lành mạnh hay không”.

“Thay đổi”

“Gap year” và “làm việc trong kì nghỉ” vẫn còn là một khái niệm tương đối mới ở Trung Quốc, vì thế nhiều người có xu hướng lãng mạn hóa nó trước khi thực hiện – Wu Fei nhận định sau khi dành một năm ở New Zealand.

“Vui vẻ, mạo hiểm và thú vị, nhưng cũng có những khó khăn và thách thức như: tìm việc, khác biệt văn hóa, những trải nghiệm bất ngờ” – Wu, người từng viết cuốn “Working holiday” sau khi trở về Thượng Hải vào năm ngoái nhận định.

“Tôi biết có một số công ty du lịch đang đưa mức giá 32.000 USD cho một năm “gap year”. Thật vô lý!” – Mao Hexin, đồng sáng lập trang web đầu tiên của Trung Quốc nói về “gap year” Freegapper.com.

Sau khi tốt nghiệp vào năm ngoái, Mao đã dành hơn 3 tháng ở Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Lào.

“Với tôi, gap year không nhất thiết phải là 1 năm. Có thể chỉ vài tháng hoặc vài năm. Đó không phải là một chuyến đi sang trọng hay sự trốn chạy thế giới thực. Nó giống một cuộc khám phá chính bản thân” – anh nói.

“Bạn không nên mong chờ một thế giới khác khi bạn trở về. Thay vào đó, bạn nên thay đổi”.

Wu Fei hái kiwi ở Opotiki, New Zealand tháng 5 năm 2010

Anxin cũng đồng ý với điều đó. Một lần, cô không thể chịu đựng được khi nhìn thấy những người ăn xin tàn tật trên đường, bởi trong nhà tế bần ở Ấn Độ cô từng chăm sóc một người đàn ông bị bỏng rất nặng.

Trong khi đó, những đứa trẻ tự kỉ mà cô từng làm việc cùng ở Thái Lan cũng khác. Chúng chơi đùa vui vẻ với cô, rồi bất ngờ tát và túm tóc cô.

“Tôi bị sốc, thậm chí bị tổn thương, nhưng sau đó tôi lấy lại cảm hứng” – Anxin tâm sự. Bây giò cô đã quyết định trở thành một nhà tâm lý để giúp đỡ trẻ em nghèo và người già.

  • Nguyễn Thảo (Theo Chinadaily)