- Bà Victoria Kwakwa (Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam) nói rằng chất lượng giáo viên vốn đã là một tài sản của hệ thống giáo dục. Những cải cách trong tương lai cần phải được xây dựng dựa trên tài sản này.

Cảm ơn các thầy cô vì sự cống hiến và nhiệt tình với công việc. Mẹ của tôi từng là một cô giáo ở Ghana, nơi tôi cũng sinh ra và lớn lên. Tôi vẫn nhớ sự tận tụy của bà với học trò, và niềm hạnh phúc trọn vẹn khi bà chứng kiến học trò thành đạt.

Nhiều nghiên cứu quốc tế cho thấy nhà giáo là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng giáo dục và những kỹ năng mà con cái chúng ta thu nhận được. Năng lực của giáo viên và hành vi của họ trong lớp học còn quan trọng hơn cả các loại thiết bị hoặc chất lượng của cơ sở hạ tầng. Điều đó cũng đúng với Việt Nam.

{keywords}

Trong ngày 20/11, cô trò Trường THCS Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi) bận rộn dọn dẹp sau lũ. Ảnh: Minh Bảo. 

Giáo dục đã đóng vai trò quan trọng trong câu chuyện phát triển thành công của Việt Nam trong hai thập kỷ vừa qua.

Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong những năm 1990 chủ yếu là do năng suất lao động tăng lên cùng với sự chuyển dịch nhanh chóng của lực lượng lao động nông nghiệp năng suất thấp sang lao động phi nông nghiệp năng suất cao hơn.

Trong quá trình này, giáo dục đóng vai trò hỗ trợ qua việc cung cấp lao động có kỹ năng cơ bản cần thiết và phù hợp với các ngành nghề phi nông nghiệp.

Ngày nay, tỷ lệ học sinh và lực lượng lao động trưởng thành của Việt Nam có khả năng đọc viết và tính toán đã phổ biến và còn cao hơn ở một số nước khác, bao gồm cả các nước giàu có hơn. Việt Nam xứng đáng được ghi nhận vì có một lực lượng lao động trẻ có trình độ - nhờ công ơn các thầy cô giáo.

Tuy nhiên, Việt Nam không nên thỏa mãn với vinh dự này vì Việt Nam cần phải phát triển và trở thành một nền kinh tế công nghiệp hiện đại.

Hiện đại hóa nền kinh tế đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ ít có việc phổ thông và đơn giản và thêm nhiều công việc không phải lao động phổ thông, đòi hỏi kỹ năng chuyên sâu hơn.

Những loại công việc mới này sẽ bao gồm những công việc phức tạp hơn yêu cầu người lao động có những kỹ năng mới, ví dụ tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề và làm việc nhóm tốt hơn.

Một báo cáo mới của WB sẽ được công bố trong tuần tới, với tiêu đề“Phát triển Kỹ năng: Xây dựng lực lượng lao động cho một nền kinh tế thị trường hiện đại ở Việt Nam,”chỉ ra rằng một số nhà tuyển dụng lao động đang gặp khó khăn khi thuê lao động mới bởi người xin việc thiếu kĩ năng hoặc do thiếu lao động trong một số ngành nghề. Hệ thống giáo dục cần thay đổi để giúp đỡ những sinh viên ra trường tiếp thu được những kĩ năng mới.

Nhận thức được những khó khăn này, từ đầu năm nay, Thủ tướng Việt Nam đã thông qua Đề xuất “Phát triển Xã hội Học tập 2012-2020” với một mục tiêu rõ ràng là xây dựng một xã hội học tập, kết nối các hệ thống giáo dục chính quy và phi chính quy, và tập trung vào giáo dục kiến thức ngoài trường học.

Với khung chính sách này, giáo dục mầm non và học tập cả đời trở nên càng quan trọng và giúp các cá nhân chuẩn bị tốt hơn để đến trường và được cập nhật kiến thức và kỹ năng phù hợp liên quan đến thị trường lao động luôn biến động.

Nghị quyết của Đảng gần đây đã xác định chín giải pháp nhằm giải quyết các vẫn đề tồn tại hiện nay và đáp ứng được các yêu cầu của tương lai, một trong số đó là tập trung vào phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ giáo dục.

Theo Nghị quyết, chất lượng giáo viên cũng sẽ được nâng cao và chuẩn hóa, cùng với hệ thống đào tạo giáo viên. Nỗ lực sẽ tập trung vào đổi mới các mục tiêu, nội dung, cách tiếp cận và đánh giá công tác đào tạo và đào tạo lại giáo viên nhằm nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, và trình độ chuyên môn của họ. Chúng ta cũng cần tập trung quan tâm đến việc xây dựng chính sách lương, hỗ trợ khó khăn và nhà ở cho giáo viên và cán bộ giáo dục.

Nhìn sang các nước khác trong khu vực, Hàn Quốc là một ví dụ tốt về cải cách giáo dục.

Hàn Quốc thường được xếp trong nhóm 5 quốc gia hàng đầu trên bảng xếp hạng giáo dục quốc tế. Có rất nhiều yếu tố làm nên thành công của Hàn Quốc, trong đó có sự chỉ đạo về mặt chính trị mạnh và sự thống nhất trong toàn xã hội về việc liên tục nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục.

Một yếu tố trong thành công của Hàn Quốc là chất lượng đội ngũ giáo viên. Ở Hàn Quốc, nghề giáo viên thu hút những người ưu tú nhất, và họ được trả lương xứng đáng. Dạy học là một nghề rất được kính trọng.

Ở Việt Nam, chất lượng giáo viên vốn đã là một tài sản của hệ thống giáo dục.

Những cải cách trong tương lai cần phải được xây dựng dựa trên tài sản này, cần phải đầu tư vào ngành giáo dục để thu hút và giữ chân những giáo viên giỏi và tăng cường năng lực của họ để giúp cho những sinh viên ra trường không chỉ là những người biết đọc,viết tốt mà còn là những người biết giải quyết vấn đề và có tư duy phản biện.

Các thầy cô giáo sáng tạo với khả năng giao tiếp tốt có thể truyền lại những khả năng này cho học trò thông qua việc đưa ra các ví dụ và truyền cảm hứng cho học sinh.

Phương pháp giảng dạy này cũng sẽ có hiệu quả nếu được thiết kế để học sinh được học một cách chủ động theo nhóm.

Mô hình Trường học mới ở Việt Nam, tiếp thu những kỹ thuật hiện đại từ kinh nghiệm quốc tế, hiện đang được áp dụng tại hơn 1.500 trường học trên cả nước. Mô hình này có thể cung cấp một bài học rất hữu ích cho cải cách toàn diện chương trình giáo dục sắp tới của Việt Nam.

Chúng tôi khuyến khích tất cả các thầy cô giáo sẽ áp dụng phương pháp mới này trong giảng dạy để mang lại những kỹ năng cần thiết giúp học trò của mình thành công trong tương lai.

Giáo viên của Việt Nam đang hàng ngày làm rất tốt công việc của mình dù thường xuyên phải ở trong những tình huống khó khăn.

Đội ngũ giáo viên đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam trong tương lai cũng như vai trò của họ trong quá khứ.

Tôi xin chúc tất cả các nhà giáo những điều tốt đẹp nhất trong ngày kỷ niệm đặc biệt này.

  • Victoria Kwakwa (Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam)