Những lời “dạy con” mà người viết cảnh báo là “Có thể rất khó nghe. Tốt nhất là không nên đọc” lại đang được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội.

Những kinh nghiệm dạy con của một ông bố thành đạt, ở tuổi 60, như sau:

"Luật pháp quy định bố mẹ phải nuôi, dạy và chịu trách nhiệm đối với con cái đến hết 18 tuổi. Tốt thôi.

Chúng ta ai cũng thường xuyên vi phạm pháp luật. Từ chuyện đi xe lên vỉa hè đến việc đánh con. Vậy luật ở đây chả có nghĩa lý gì.

Bản năng cao nhất của con người là tham sống. Càng lâu càng tốt. Nhưng không ai có thể bất tử. Do đó họ muốn kéo dài cuộc sống của chính mình thông qua những đứa con.

Bố mẹ thường bắt con học đủ thứ - âm nhạc, hội hoạ, văn, toán, ngoại ngữ, thể thao...

Phần lớn trong số họ không đọc sách, nghe nhạc, xem tranh, không biết bất cứ ngoại ngữ nào và cũng chăng chơi môn thể nào.

Sao họ bắt con phải học những thứ đó từ khi 4 - 5 tuổi?

Vì họ đã từng muốn là người như vậy. Tài giỏi và toàn diện. Họ muốn kéo dài cuộc sống của chính mình thông qua những đứa con trong một hình ảnh lấp lánh hơn.

Tôi đã đến tuổi 60, trải qua nhiều công việc và vị trí khác nhau. Và tôi tự xem xét những kiến thức gì từ trường phổ thông thực sự có ích cho mình.

{keywords}
Ảnh minh họa của Đinh Quang Tuấn

1. Toán

Tôi thích toán và học toán khá giỏi, từ phổ thông đến đại học và sau đại học. Toán rất có ích đối với tôi chỉ khi đi học. Khi đi làm thực tế chỉ cần biết cộng trừ nhân chia. Nếu con bạn thích thì cứ để nó học toán. Nhưng nên cho nó biết cả thế giới chỉ cần độ 100 người giỏi toán như GS Ngô Bảo Châu thôi. 7 tỷ người còn lại sống bằng nghề khác.

Nếu con bạn 10 tuổi và giải được bài toán "100 con trâu 100 bó cỏ" thì nó là thần đồng. Nhưng cũng nên cho nó biết rằng trong cuộc sống thực không bao giờ có loại toán với lời giải tường minh như vậy.

Phần lớn các bài toán sẽ có dạng sau:

- Hôm nay ba chỉ cho con 100 ngàn đồng. Con hãy tự quyết định đi ăn hay để tiền mua đồ chơi.

- Nên thi vào trường đại học nào?

Và không bao giờ có lời giải đúng cho một bài toán của cuộc sống. Chỉ có lời giải được chấp nhận trong một hoàn cảnh cụ thể.

2. Văn

Tôi đọc rất nhiều sách từ bé đến tận bây giờ. Việc đó rất có ích. Nhưng để phục vụ cho công việc thì chỉ cần biết cách diễn đạt thật mạch lạc, rõ ràng vấn đề bằng những câu văn ngắn và những từ không gây hiểu nhầm. Thế là đủ.

Nếu bạn là nhà văn, nhà thơ thì không ai tuyển dụng bạn. Bạn đã thấy thông báo tuyển nhà văn, nhà thơ bao giờ chưa? Bạn tự viết văn và tự bán, nếu bạn sống bằng nghề viết.

Trong mọi hoàn cảnh: bị đuổi việc, được tăng lương, đám ma, đám cưới, sinh nhật... bạn có thể chỉ cần nói một câu - "và cây đời mãi mãi xanh tươi" - là đủ tỏ ra uyên bác. Nếu ai hỏi thì bảo câu đó của AQ nói trong dịp nhận giải Nobel. Mọi người sẽ nghĩ bạn có khiếu hài hước. Và tốt nhất là chẳng nói gì cả. Người ta sẽ nghĩ bạn là người vô cùng sâu sắc.

Tuy nhiên việc đọc sách là rất hữu dụng. Nên khuyên con đọc nhiều sách.

3. Ngoại ngữ

Tiếng Anh giúp tôi rất hiệu quả trong cuộc sống, công việc. Có điều kiện thì hãy cho con học tiếng Anh từ lúc nó biết nói tiếng mẹ đẻ. Có thầy dạy thì tốt. Không có cũng chẳng sao. Hãy dùng các chương trình dạy tiếng Anh trên ipad và tự học cùng con. Chả tốn xu nào. Hoặc rất rẻ.

4. Phải nói thực là tất cả các môn còn lại như lý, hoá, sinh, sử, địa ở phổ thông tôi không học và sau này cũng không bao giờ dùng các kiến thức đó làm gì trừ việc tỏ ra uyên bác trước mặt các cô gái.

Nếu cần thì gu-gồ.

5. Âm nhạc, hội hoạ, thể thao

Kiếm sống bằng những nghề này rất khó. Nếu con bạn thích thì cứ cho nó học. Nếu nó không thích thì đừng ép. Số người Việt Nam kiếm đủ sống bằng những nghề này rất ít. Chắc độ 1.000, trong đó một nửa là cầu thủ bóng đá.

Vậy nên tôi chỉ yêu cầu các con biết đọc thông viết thạo tiếng Việt, tiếng Anh, có thể trình bày suy nghĩ của mình một cách rõ ràng.

Các môn khác đủ điểm lên lớp là được.

Và học bơi.

Tôi khuyến khích các con đọc sách, từ Doremon đến Dickens, nghe nhạc, học vẽ. Đưa đi chơi nhiều.

Ngoài ra thì thích gì học nấy. Không ép buộc.

Hết 18 tuổi thì tự quyết định học gì hay làm gì.

Tôi không bao giờ lo lắng về điểm học của chúng nó.

  • Nguyễn Văn Bao