Dạy thêm học thêm đang bị lên án và bị cấm đoán quyết liệt từ đầu năm học 2016 - 2017. Giải pháp cấm dạy thêm học thêm (DTHT) tưởng dễ hóa ra không đơn giản chút nào.

Vấn đề này đã trở thành mối quan tâm của vô số phụ huynh học sinh và thầy cô, thành áp lực đối với lãnh đạo, thành đầu đề tranh luận trên các phương tiện thông tin đại chúng và cả trong gia đình.

{keywords}

"Việc phải đón con đúng giờ tan trường là cả một vấn đề"

(Ảnh Đinh Quang Tuấn)

Truy tìm nguyên nhân

Trước hết, cần trả lời câu hỏi “Hoạt động DTHT hiện đang bị lên án là gì?”.

Đó là hoạt động mà giáo viên (GV) đứng ra dạy theo lối truyền thống (mặt - đối - mặt) cho học sinh học các môn văn hóa ngoài số tiết được quy định trong phân phối chương trình của Bộ GD-ĐT. GV nhận thù lao từ hoạt động này.

Hoạt động trên hiện không bị lên án khi GV dạy không công hay không dạy học sinh lớp “của mình”. Ở khối trường ngoài công lập cũng không thấy lên án hiện thượng này.

Thứ hai, là câu hỏi "Tại sao phát sinh dạy thêm học thêm tràn lan, dẫn đến bị kêu ca như hiện nay?".

Ta sẽ thấy rõ hơn nguyên nhân khi tách riêng việc DTHT đối với học sinh các lứa tuổi khác nhau: Dưới 15 tuổi và từ 15 tuổi trở lên.

Với đa số cha mẹ học sinh có con nhỏ ở tuổi tiểu học và cả ở tuổi THCS, việc phải đón con đúng giờ tan trường là cả một vấn đề khi giờ tan tầm trễ hơn. Đối với người đang đi làm mà không nhờ được người tin cậy đón hộ thì chỉ có cách trốn khỏi công sở để đón con, điều mà những người lao động biết tự trọng không muốn. Nếu không đón kịp thì phải chọn giải pháp an toàn nhất, đó là gửi con ở lại trường, tránh tình trạng con tự về nhà hay lang thang ngoài đường trong môi trường đường phố đầy bất an.

Nhưng GV làm sao quản cho nổi vài trăm trẻ hiếu động? Thay vì mở các loại câu lạc bộ thì đưa trẻ vào lớp, học viết hay học thêm thứ gì đó sẽ là giải pháp thường được nhà trường lựa chọn.

Thầy cô được trả công cho dịch vụ được gọi là DTHT này. Một số cha mẹ có con theo không kịp chương trình phải đưa con đến thầy cô kèm cặp. Số khác muốn con học thật giỏi, điểm thật cao để được tuyển vào trường tốt buộc phải nhờ đến các trung tâm văn hóa ngoài giờ hoặc đưa con đến thầy cô giỏi học thêm. Thế là cung cầu gặp nhau.

Với đa số cha mẹ có con học THPT và lớp cuối THCS, việc con phải thi đạt điểm cao để vào trường công lập, vào các trường danh tiếng là nỗi ám ảnh thường trực. Nhung nếu con chỉ học theo thời khóa biểu quy định thì chỉ có thể đạt mức tốt nghiệp chứ không đủ trình độ và mức thành thạo giải được những câu khó nhằm tuyển vào đại học khi làm các bài Toán - Lý - Hóa - Sinh - Văn - Anh văn.

Thế là đưa con, nhiều khi phải ép con, đến các lớp luyện thi. Cung và cầu lại gặp nhau: Học sinh phải học thêm để nâng cao trình độ, thầy cô dạy các môn kể trên đáp ứng bằng cách mở lớp luyện thi theo yêu cầu người học muốn thi có điểm cao. Hoạt động này giúp GV cải thiện đời sống.

Tuy nhiên bên cạnh mặt tích cực là đáp ứng được yêu cầu gửi con, theo kịp lớp, hay thi có điểm cao, DTHT đang kéo theo những hệ lụy không mong muốn.

Đó là trẻ chỉ biết học và học, thiếu thời gian nghỉ ngơi, chơi đùa, mất cả tuổi thơ.

Đó là trẻ nảy sinh thói quen ỷ lại vào thầy cô, không biết tự học, thậm chí sợ học trong thời đại xã hội học tập mà con người phải học suốt đời, lấy tự học là chính, trong thời đại tri thức mà nhà trường có truyền đạt bao nhiêu kiến thức trong bao nhiêu năm cũng vẫn là thiếu.

Đó là một số thầy cô không giữ được tư cách đã lợi dụng quy luật cung cầu này để dạy “không hết chữ” tại lớp, nhằm kéo học sinh về học với mình rồi ưu ái người học với mình.

Chính điều sau đã khiến dư luận trong dân và trong GV bức xúc, thậm chí phẫn nộ, trở thành “bà đỡ” cho quyết định cấm DTHT trong trường, cấm GV dạy thêm học sinh của mình.

{keywords}

Chơi đùa là nhu cầu quan trọng của trẻ bên cạnh việc học 

Song quyết định này đến lượt nó lại dẫn đến nhiều hậu quả: GV lâu nay nhờ DTHT này mà sống đắp đổi nuôi gia đình trở nên hoang mang vì biết chắc không sống nổi bằng nghề. Học sinh ngoại thành vùng xa không còn nơi học thêm gần nhà.

Đông đảo học sinh bị đẩy ra khỏi lớp học thêm lâu nay được mở ngay tại trường sẽ phải tìm đến các trung tâm văn hóa ngoài giờ khiến cha mẹ học sinh phải mất thêm thời gian đưa đón và  đóng học phí đắt hơn.

GV càng có tâm lý “chân ngoài dài hơn chân trong”. GV giỏi bỏ trường để chuyển ra dạy luôn ở trung tâm để khỏi mang tiếng.

Việc cấp giấy phép cho các Trung tâm mới trở thành “nút nghẽn”… Còn chưa kể các câu hỏi bị bỏ ngỏ là lệnh cấm sẽ được thực thi nghiêm tới đâu, lực lượng nào đi kiểm tra, người vi phạm lệnh cấm sẽ được xử lý như thế nào để không phản cảm…

“Xây” phải đi trước “chống”

Câu hỏi thứ ba cho cuộc tranh cãi này là “Nên giải quyết bài toán DTHT bằng cách nào?”.

Xin đề xuất một hệ thống các giải pháp.

Đó là nhóm giải pháp mang tính sư phạm. Cụ thể, Bộ GD-ĐT thay đổi bộ chương trình - sách giáo khoa sao cho nội dung tinh gọn, thiết thực, cơ bản, phổ thông. Phân phối chương trình sao cho GV đủ thời gian luyện kỹ năng cho học sinh trung bình mà không cần tăng tiết.

Lập ngân hàng đề chuẩn từ lớp 3 đến lớp 12, các đề phải dựa hoàn toàn vào khối kiến thức chuẩn được Bộ quy định thật cụ thể. Mọi đề kiểm tra định kỳ, đề thi cử, kể cả thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp và thi đại học đều được rút ngẫu nhiên từ ngân hàng đề này do hiệu trưởng thực hiện với lớp 4, 5; Phòng GD-ĐT thực hiện với lớp 6, 7, 8, 9; Sở GD-ĐT thực hiện với các lớp THPT; Trường đại học với kỳ thi tuyển sinh đại học.

Kết quả bài làm cần được người lãnh đạo cùng giáo viên phân tích kỹ để đánh giá cả người học lẫn người dạy, xác định học sinh bị thiếu hụt chuẩn kiến thức nào, lý do… nhằm có biện pháp khắc phục kịp thời.

Dạy cho học sinh cách huy động hai bán cầu não trong khi học, cách học và tự học từ tiểu học. Muốn vậy phải đưa nội dung này vào huấn luyện tại các trường sư phạm.

Áp dụng rộng rãi việc học qua các phương tiện thông tin đại chúng để người cần học thêm được học “mọi nơi, mọi lúc”, học miễn phí các môn văn hóa với thầy giỏi nhất mà không cần đến trường hay nhà riêng của GV.

Cụ thể là: Tận dụng các kho học liệu mở tại các trang web như khanacademy.org, duolingo, tiếng Anh giao tiếp… Ai có tiền thì đóng tiền học các khóa có thu phí. Thành phố tổ chức dạy ôn tập và luyện thi qua truyền hình và mạng; Lập đường dây điện thoại giải đáp thắc mắc và gợi ý cách làm bài cho học sinh… Bộ GD-ĐT công nhận tính tương đương của các văn bằng, chứng chỉ mà người học đạt được qua mạng hay một số trung tâm có uy tín.

Trong nhóm giải pháp tạo điều kiện vật chất, Nhà nước tạo cơ chế mới cho trường học mà mục tiêu là đảm bảo tối thiểu cho mỗi GV nuôi được 1 con với thu nhập trung bình bằng GRDP/ đầu người của địa phương.

Nhà nước đảm bảo cho toàn thể học sinh tiểu học và THCS đều được học 2 buổi/ ngày tại trường, học buổi thứ 2 hoặc gửi con lại sau giờ tan trường đều phải đóng phí. Hạ thấp sĩ số/ lớp xuống còn không quá 20 ở tiểu học, không quá 30 ở trung học.

Việc chống tiêu cực trong DTHT là một quá trình kiên trì vừa xây vừa chống, mà xây phải đi trước chống.

Mọi quyết định hành chính cấm đoán tức khắc chỉ khiến cho mặt tiêu cực thay đổi hình hài, càng không khiến cho GV tự nguyện đem hết tài trí và tâm huyết ra dạy tại lớp mà còn có tác dụng ngược.

Người ta đã tổng kết “Muốn đọc được tương lai một quốc gia, hãy nhìn vào nền giáo dục nơi đó. Muốn đọc được tương lai của một nền giáo dục, hãy nhìn vào cách cư xử với nhà giáo”.

TS Hồ Thiệu Hùng