- Tôi có một cậu con trai 5 tuổi. Giống như nhiều bạn nhỏ ở Việt Nam, cậu bé của tôi cũng kén ăn, biếng ăn, và hơi thiếu tính chủ động, tự lập. Việc nuôi dạy một cậu bé như thế với tôi cũng có nhiều mệt mỏi.

Và cũng như nhiều mẹ Việt khác, quan sát các cô cậu bé loắt choắt của những ông bố bà mẹ Tây, tôi cũng không khỏi nhiều lúc chạnh lòng thốt lên: Sao họ nuôi con nhàn thế? Sao họ giỏi huấn luyện con thế?

Chúng chủ động trong mọi nếp sinh hoạt ăn, ngủ, chơi. Chuyện trẻ con Tây tự giác, tự lập tốt thì có lẽ không có gì phải tranh cãi. Vấn đề là, mẹ Việt nào cũng ao ước dạy được con như thế, nhưng tại sao tình trạng than thở vì con thiếu tự lập vẫn là phổ biến, là số đông trong cộng đồng. Mẹ Việt sai ở chỗ nào?

{keywords}
Ảnh minh họa: Thanh Hùng.

Tình cờ, trong vòng một tháng trời, tôi có hai trải nghiệm, hai chuyến thăm viếng tới hai nhà người bạn. Và chính ở đó, tôi đã phần nào rút ra được câu trả lời cho chính mình.

Nhà thứ nhất là nhà một bác gái tên H người Việt.

Hôm đó mẹ con tôi tới chơi, ăn trưa. Bác H là một phụ nữ tốt bụng, xởi lởi và nhiệt tình.

Tới lúc bày đồ ăn ra, bác giật mình lo lắng sợ món ăn bác chuẩn bị không phù hợp với con trai tôi.

Khi ăn, bác ra sức động viên nó, gọi là “nịnh” nó thì đúng hơn, để nó chịu ăn món ăn của bác. Rồi bác lại loay xoay tìm đồ nọ, kiếm đồ kia để kết hợp hòng cho nó ăn trôi chảy.

Thằng bé cứ lặng lẽ. Thật ra với đồ ăn Việt Nam, nó ăn uống cũng dễ hơn, nhưng cũng chỉ có một chút bún cho vào nước chấm, đối với tôi thế là đã quá đủ với cậu con khảnh ăn này.

Nhưng rồi, mừng quá, nó thầm thì lí nhí đề nghị được ăn thêm món thịt nướng. Bác H khoái chí nhất định đút từng miếng cho nó bất chấp can ngăn của tôi rằng để nó tự ăn.

Vừa đút vừa nựng nó, bác bảo: "Con ăn được thế thì quý quá, cứ để bác đút con ăn".

Cũng chỉ được đôi miếng, nhưng thế là nghiễm nhiên, thằng bé sắp qua 5 tuổi lại được đút ăn từng miếng một, như một em bé.

Khoảng hai tuần sau, mẹ con tôi lại có chuyến viếng thăm ăn tối tại nhà một người bạn người Canada, một phụ nữ lớn tuổi tên Sylvie.

Sylvie sống một mình, vì con cái lớn đã tách ra ở riêng hết.

Tiếp chúng tôi, Sylvie đã chuẩn bị xong xuôi đâu vào đấy đồ ăn cho bữa tối, nên dẫn cậu con trai tôi ra làm quen và chơi với con mèo bự của bà.

Trong khi đó, chúng tôi vẫn trò chuyện về công việc, về đồng nghiệp của cả hai ở trường. Tới lúc ăn, bà đề nghị con trai tôi cùng vào bếp giúp bà dọn đồ ra bàn ăn.

Tôi quan sát các món ăn, nhận ra đó toàn là những món sẽ không thuộc sở thích của cậu nhóc con.

Một chút xa-lát, với mấy cọng cần tây, cà chua, cà rốt, xà lách. Rồi món lườn gà cắt nhỏ xào khô khô với chút gia vị theo công thức đặc trưng của người Québec.

Kèm theo đó là cơm, một thứ cơm nấu bằng thứ gạo sấy phổ biến ở các nước phương Tây, nên thành phẩm thường là sẽ khá lạ lẫm, khó ăn đối với người tuyền ăn cơm gạo dẻo theo truyền thống 4000 năm cha ông để lại.

Chẳng một món ăn nào tôi nghĩ con tôi có thể ăn. Nhưng có lẽ cũng không phải điều gì to tát. Cậu con trai tôi đang rất nhiệt tình bưng đồ cho bà, và dường như nó cũng không có suy nghĩ gì về việc nó liệu có ăn được các món đang được đưa ra bàn kia không.

Trong bữa ăn, hai người lớn chúng tôi vẫn nói chuyện. Nhưng ở đây tôi không phải nhân vật chính duy nhất.

Bà nói chuyện với tôi hai câu, thì quay sang hỏi chuyện con tôi ba câu. Bà hỏi chuyện trường lớp của nó, nó thích chơi môn thể thao nào, nó thích con gì, thích đọc sách về côn trùng không.

Bà lại khoe cà rốt và cà chua trong món ăn là do bà lấy từ vườn nhà bà, còn có cả một cây cà rốt bà trồng trong nước trong lọ thuỷ tinh trên gác bếp, và bà đứng lên lấy cho nó xem.

Con tôi cũng mạnh dạn trò chuyện, trả lời bà, và rồi… trời ơi, nó ăn cà rốt. Chưa bao giờ tôi thuyết phục được nó ăn cà rốt. Nó luôn cự tuyệt, bất chấp tôi giải thích cà rốt tốt cho sức khoẻ như thế nào.

Cứ thế, cứ thế, nó ăn dần các món, dù không nhiều, nhưng món gì nó cũng thử một chút, về cơ bản thế cũng là tạm được, nhưng thật sự là quá sức tưởng tượng của tôi.

Cậu con tôi, luôn luôn cự tuyệt thử các món mới, từ chối cà rốt, cà chua, vậy mà hôm nay nó đã ăn, một cách rất tự nhiên, kể cả những thứ tôi biết chắc chắn nó không thích chút nào như món lườn gà xào khô và món cơm gạo sấy.

Kết thúc bữa tối, Sylvie lại hỏi nó: "Con có muốn giúp bà dọn bát đĩa vào bếp không?".

Tất nhiên là nó đồng ý. Sau đó nó quay ra, uống hết phần nước quả của nó, trước khi được bà dẫn ra chơi công viên gần nhà, nơi mà cả mấy mẹ con và bà đã chơi rất vui vẻ.

Tôi thật sự rất ngạc nhiên và ấn tượng về cái mà tôi gọi là “màn thể hiện xuất sắc” của con tôi trong buổi tối hôm đó ở nhà Sylvie, cả chuyện ăn uống, lẫn thái độ tích cực, cởi mở vui vẻ hoạt bát, khác hẳn bữa trưa ở nhà bác H mới chỉ cách đó 2 tuần.

Và tôi nhận ra, bữa trưa hôm ấy, con tôi lặng lẽ, thu mình, cô đơn, nó gần như một mình, dù thi thoảng có được bác H và mẹ quay ra hỏi han.

Mẹ và bác lâu ngày không gặp nhau, tíu tít trò chuyện, gần như bỏ quên nó.

Vào bữa ăn, nó cứ thế ngồi chờ được cho ăn. Kể cả lúc muốn ăn món này món khác, nó cũng chỉ dám lí nhí, thì thầm. Thật ra nó đã luôn cô đơn ở đó. Và cái cách mọi người lo lắng chăm bẵm cho nó, đút cho nó ăn, càng khiến nó trở nên tự ti, như một em bé chưa từng biết gì.

Tóm lại, nó không phải là một vị khách bình đẳng, ít nhất là so với mẹ, nó không được đối xử trọng thị ngang bằng mẹ.

Và tất nhiên, ở Việt Nam, không khó để nhìn thấy những người lớn cư xử tương tự với trẻ, do vậy không phải lỗi tại bác H, mà là tại tập quán của người Việt ta nói chung.

Trong khi đó, ở nhà Sylvie, ngay từ đầu, một cách rất tự nhiên như là vốn dĩ nó phải thế, bà đã luôn luôn coi nó là một vị khách quý, một người bạn bình đẳng.

Bà trò chuyện với nó không hề chểnh mảng. Bà hỏi nó, gợi chuyện để nó tự kể, sau đó bà hỏi lại, tỏ ra cực kỳ quan tâm và chăm chú. Bà cũng vui vẻ tạo điều kiện để nó được đóng góp công sức vào hoạt động chung.

Cứ thế, tự nó thấy nó có vai trò, có trách nhiệm, và nó thể hiện tự nhiên như những gì tôi đã thấy.

Cuối cùng, điều tôi nhận ra, đó là, muốn trẻ như thế nào, thì hãy coi nó là như thế để ứng xử.

Coi nó ngang hàng, bình đẳng, cư xử với nó như với người lớn, tự nhiên nó cũng sẽ cư xử ra dáng một người lớn.

Muốn trẻ tự giác, độc lập, nhưng vẫn ép nó ăn thứ này thứ kia, và vẫn đút cho nó, vẫn làm tất cả mọi việc cho nó (cho nhanh?!) thì bao giờ nó có thể tự giác, độc lập?

Muốn trẻ chững chạc, đàng hoàng như người lớn, nhưng lại không tôn trọng nó, không dành cho nó sự bình đẳng cơ bản nhất, thì bao giờ nó có thể lớn?

 Lê Hân (Canada)

Khi nào nên dạy trẻ kỹ năng sống tự lập?

Khi nào nên dạy trẻ kỹ năng sống tự lập?

Bài viết này dành cho các cha mẹ muốn tham khảo nuôi dạy con kỹ năng sống theo quan điểm của người Nhật và của phương pháp Montessori.

5 bước dạy con kỹ năng sống tự lập

5 bước dạy con kỹ năng sống tự lập

Nhà trường và gia đình cần tìm ra những phương pháp giáo dục kỹ năng sống từ 0 đến 6 tuổi phù hợp để rèn luyện tính tự lập ngay từ bậc học mầm non cho trẻ.

Dạy con kiểu Nhật: Tử tế, tự lập, tò mò

Dạy con kiểu Nhật: Tử tế, tự lập, tò mò

Không hẹn mà gặp, các gia đình Nhật đều có câu trả lời gần gũi với nhau: Hiền lành, tử tế với người khác, biết cách tự lập và vượt khó…khi trao đổi với các học sinh VN.