Tôi từng trúng tuyển học bổng Quỹ Ford và sang Anh du học chương trình thạc sĩ về giáo dục vào năm 2011. Với khát khao học hỏi được những gì tiên tiến để mang về áp dụng cho nước nhà, tôi đã dành rất nhiều thời gian đi thăm các trường học, tìm hiểu mô hình hoạt động và phương pháp giáo dục.

Ở Anh, trường học từ mầm non cho tới đại học giờ học thường bắt đầu  từ lúc 9h sáng đến 3h30 chiều là nghỉ. Giáo viên thường đến lớp trước 30 phút, học sinh thì đến trước 15 phút hoặc sát giờ học.

Tháng 4/2012, tôi đến thăm Trường Tiểu học Chilcote, Birmingham với sự giúp đỡ của một người bạn dạy học tại trường là Jenny. Tôi tham dự một ngày hoạt động thực sự của các bạn học sinh lớp 4.

{keywords}

Học sinh tiểu học Anh

Mỗi lớp học có 3 giáo viên (1 giáo viên dạy chính và 2 giáo viên trợ giảng), 30 học sinh ngồi thành 6 nhóm, mỗi giáo viên sẽ bao quát và quản lý 10 học sinh tiểu học. Jenny đến lớp, xếp sách vở của học sinh ra bàn học cho từng em. 8h55 phút, cô bắt đầu điểm danh học sinh bằng một câu chào rất thân thiện “Good morning, Daniel” – “Good morning, Ms. Jenny”. Tôi đã rất ấn tượng với văn hoá chào hỏi rất thân mật, lịch sự của cô trò trong giao tiếp hàng ngày.

Bạn nào đến muộn sẽ tự giác đi vào lớp và nhẹ nhàng hết sức để tránh làm ảnh hưởng đến bài giảng của cô. Hôm đó, các bạn bắt đầu học môn toán từ 9h-10h, sau đó là tiếng Anh từ 10h-11h. Từ 11h-11h20, các bạn đọc sách báo tự do, những bạn nào chưa kịp hoàn thành xong bài toán và tiếng Anh trong giờ thì sẽ ngồi hoàn thành nốt, còn các bạn khác được làm việc mình thích để thư giãn nhưng trong môi trường trật tự và tuyệt nhiên không làm ảnh hưởng đến bạn mình. 

Sau đó, các bạn được nghỉ giải lao từ 11h20-11h40, tức là các bạn được đi vệ sinh và ra ngoài sân chơi. Từ 11h40-12h10, các bạn nghe tôi kể chuyện về Việt Nam và tự do thảo luận chủ đề mới mẻ này.

Điều đã làm tôi thực sự ngạc nhiên là vì sao với một đứa trẻ mới 8 tuổi có thể tập trung làm việc liên tục trong suốt hơn 2h như vậy không ngừng nghỉ, không tiếng thì thào, xì xầm trừ lúc làm việc nhóm với tinh thần trách nhiệm cao, hết mình và tôn trọng các bạn khác.

Tôi nhớ, có một cô bé bị đau bụng trong giờ học tiếng Anh đã lặng lẽ đến bên cô trợ giảng, nói nhỏ vào tai cô là bị đau bụng và cô đưa bạn đó đến phòng y tế. Các bạn khác không chút xao nhãng vì sự di chuyển của cô bé mà vẫn tiếp tục chú ý vào bài giảng. 

Trong khi trẻ nhà chúng ta chỉ tập trung được 20-30 phút trong một tiết học 45-60 phút, tôi tự hỏi làm thế nào để giáo viên ở đây rèn luyện trẻ tập trung cao độ như vậy để hiệu quả công việc luôn tuyệt vời? Cần giáo dục trẻ thế nào để chúng biết sự khác biệt giữa tính kỷ luật, việc áp dụng các quy tắc và sự tôn trọng người khác trong một không gian chung ngay từ nhỏ?

Từ 12h10-13h10, trẻ được nghỉ ăn trưa. Từ 13h15-15h15, trẻ học tôn giáo  và thể chất. 15h30 học sinh sẽ tan trường. Như vậy học sinh có thể đi xe buýt của trường về nhà hoặc chơi ở trường cho đến khi phụ huynh đón. Hoạt động con có thể chơi sau giờ là thể thao hoặc đọc sách ở thư viện hay chơi cùng các bạn. Mỗi học sinh chỉ được phép ra khỏi cổng trường khi có phụ huynh đón.

{keywords}
Học sinh tiểu học Anh

Jenny chia sẻ với tôi rằng học sinh cần hoạt động thể chất hàng ngày để giúp cơ thể khoẻ mạnh và tăng cường sức bền khi tập trung trong các hoạt động tư duy học thuật. Qua môn này, học sinh cũng học được rất nhiều kỹ năng về tinh thần hợp lực, ý chí quyết tâm, mục tiêu cần đạt. Môn tôn giáo có ý nghĩa lớn với trẻ vì giúp trẻ định hình được các giá trị sống tích cực và hiểu biết về các nền tôn giáo khác nhau, giúp các em hoà nhập vào xã hội đa văn hoá và đa sắc tộc.

Như vậy nếu xác định mục tiêu học tập tại trường, giá trị học sinh đạt được khi đến trường là gì thì nội dung chương trình, phương pháp dạy-học, công cụ đánh giá sẽ thay đổi.

Tôi nhớ năm 2006 khi Bộ GD-ĐT thay đổi hình thức đề thi môn ngoại ngữ chuyển từ tự luận sang trắc nghiệm, hay như năm vừa qua chuyển môn Toán và các môn Lịch sử, Giáo dục công dân sang hình thức thi này, thì tất cả giáo viên và các trường đều vận động theo để đạt được kết quả như mong muốn trong kỳ thi cuối cấp. Điều này chỉ ra rằng, khi mục tiêu đầu ra và phương thức đánh giá thay đổi sẽ tác động mạnh mẽ đến nhu cầu dạy thêm học thêm trong hệ thống giáo dục hiện nay.

Ngoài ra, thời gian học tập tại trường cũng cần phù hợp với thời gian làm việc của cơ quan, văn phòng để bố mẹ yên tâm công tác, cũng như tính đến mức độ mà não có thể tập trung tốt vào những giờ nào để sắp xếp môn học cho phù hợp. Sẽ rất khó tìm giải pháp khi bố mẹ làm việc cả ngày mà con lại học nửa ngày ở trường. Nhu cầu gửi trông con buổi chiều còn lại là tất yếu, và việc phát sinh việc các con học thêm sẽ càng khó kiểm soát nếu hệ thống giáo dục vẫn lấy việc thi cử là trọng điểm.

Muốn đổi mới giáo dục cần tìm ra cái lõi của vấn đề chứ không đơn giản là hình thức, vỏ bọc hay công cụ. Và chúng ta cần thay đổi từ gốc chứ không phải đón ngọn và cấm đoán. Trẻ em đến trường là niềm vui thích, học cách trưởng thành, kỹ năng và kiến thức để tồn tại, hội nhập và các giá trị sống tích cực, chứ không phải rèn luyện như những chiến binh sĩ tử vượt rào thi.

Chu Thị Vân Anh (Founder of Outdoor Engagement Community)