- Trong đơn tố cáo gửi đến VietNamNet, một nhóm giáo viên đã nêu những hiện tượng được cho là sai phạm của Hiệu trưởng Trường THCS Phú Đô - Nguyễn Thị Nguyệt khi làm lãnh đạo trường từ năm 2012 đến nay. Quận ủy Nam Từ Liêm xác nhận những tố cáo này là có cơ sở.


{keywords}
Trường THCS Phú Đô

Giáo viên: Hiệu trưởng đưa người quen vào trường, thiếu minh bạch thu chi

8 lĩnh vực được phản ánh liên quan đến nhân sự, thu chi tài chính thiếu minh bạch, liên kết với trung tâm giáo dục ngoài trường,…

Theo các giáo viên, Trường THCS Phú Đô là một trường mới tách ra từ Trường THCS Mễ Trì (huyện Từ Liêm cũ), trường rất nhỏ và thừa giáo viên nhưng bà Nguyệt vẫn tự nhận nhiều giáo viên hợp đồng về.

Trong khi đó, những giáo viên đứng lớp lâu năm bị cho vào dạng yếu kém, không được xếp dạy môn chính đúng với chuyên môn. Như trường hợp của thầy Nguyễn Nhật Thắng không được dạy môn Toán nhiều năm và cho nghỉ hưu trước nửa năm mà không thông báo trước.

Hay cô Nguyễn Thị Hà là giáo viên hợp đồng của quận, sau khi hết 1 năm thì quận cho ký tiếp hợp đồng nhưng bị gây khó dễ.

Đặc biệt, em gái hiệu trưởng là cô Nguyễn Thị Minh được biên chế về trường làm nhân viên thư viện nhưng được bà Nguyệt phân cho dạy tiếng Anh và làm chủ nhiệm lớp. Trong khi đó, giáo viên tiếng Anh của trường thì dạy môn thư viện.

“Mấy năm trời như vậy, đến khi giáo viên tiếng Anh kêu quá thì ban giám hiệu xếp thời khóa biểu tiết 5 cả 12 lớp học giờ thư viện do cô Minh dạy nhưng thực tế giờ đó cả trường về và không có lớp nào học cả. Năm nay thời khóa biểu không có giờ thư viện”, các giáo viên nêu rõ.

Cùng với đó, các giáo viên cũng phản ánh trường có nhiều người thân quen với hiệu trưởng.

Các giáo viên cũng phản án về tình trạng thiếu minh bạch, trái quy định về tài chính trong các khoản thu học sinh của lãnh đạo trường.

Chẳng hạn, việc ký hợp đồng cho trung tâm giáo dục Nguyễn Hiền thuê mặt bằng và cơ sở vật chất của trường để kinh doanh với giá 4,5 triệu đồng/tháng.

“Họ thuê luôn cả giáo viên của trường và sử dụng luôn học sinh của trường để kinh doanh. Học sinh trường học 2 buổi/ngày, học câu lạc bộ buổi chiều qua trung tâm rồi mà hiệu trưởng còn động viên các em học tiếp buổi tối qua trung tâm. Trong khi vẫn những giáo viên dạy các em trên lớp lại dạy thêm buổi tối”, tập thể giáo viên nêu.

Hiệu trưởng: Do điều kiện, hoàn cảnh?

Trao đổi với VietNamNet, bà Nguyệt cho biết đã gửi bản giải trình tới lãnh đạo Quận ủy- UBND và Phòng GDĐT Quận Nam Từ Liêm.

Bà Nguyệt thừa nhận nhà trường hiện đang ký hợp đồng với 7 thầy cô giáo, tuy nhiên với lý do nhằm đáp ứng việc dạy và học của nhà trường trong tình trạng trường thiếu nhân lực.

Bà cũng nhận trách nhiệm về mình khi phân công chưa đúng chuyên môn với một số giáo viên.

Nhưng căn cứ vào tình hình thực tế của nhà trường thì đây là giải pháp duy nhất cho những người quản lí như tôi. Trường hợp đồng chí Nguyễn Thị Hà là giáo viên Văn được phân công dạy Sử vì lâu không dạy Văn nên chủ động làm đơn xin chuyển môn. Và thực tế là chuyên môn của đồng chí Hà vẫn rất yếu. Đồng chí Ngô Ngọc Anh và Nguyễn Thị Liên là giáo viên Hóa phải dạy thêm môn Sinh, vì trường có 2 khối 8,9 học môn Hóa với 12 tiết, trong khi lại có tới 2 giáo viên bộ môn này. Giáo viên Sinh thiếu nhưng không tìm được hợp đồng. Nếu chỉ dạy Hóa, mỗi đồng chí sẽ dạy 6 tiết/tuần và không đáp ứng được quy định của nhà nước”.

Nói về trường hợp của em gái mình, bà Nguyệt cho hay:

“Đồng chí Minh là biên chế nhân viên thư viện, có trình độ Thạc sĩ và B2 môn Tiếng Anh. Thực tế giảng dạy, đồng chí Minh đã khẳng định được chuyên môn của mình được đồng nghiệp và cấp trên đánh giá cao. Với vai trò là quản lí, tôi rất cần một giáo viên như vậy. Thay vì hợp đồng bên ngoài để đáp ứng yêu cầu đổi mới của bộ môn Tiếng Anh, tôi chủ động xếp lớp cho đồng chí Minh bên cạnh công việc thư viện. Việc làm đó đã khai thác được năng lực chuyên môn của nhân viên trong nhà trường, phục vụ tốt cho hoạt động chuyên môn chung của tập thể".

Ngoài ra, bà Nguyệt cũng cho biết đã hợp đồng với một người tên Sơn là em rể của bà với lý do không đủ người bảo vệ trường.

Do đó, theo bà, chuyện các giáo viên tố nhiều người nhà của mình trong trường là không đúng:

“Đồng chí Nguyễn Thị Minh là em gái tôi về công tác tại trường từ năm 1998, thời kỳ mà đồng chí Nguyễn Hữu Doan còn làm hiệu trưởng. Đồng chí Thái Minh Sơn- em rể tôi làm bảo vệ từ năm 2014. Ngoài 2 đồng chí trên, trong trường không có đồng chí nào là người nhà tôi”.

Về thu chi tài chính, theo bà Nguyệt, nhà trường xây dựng qui chế chi tiêu nội bộ nghiêm túc và thực hiện theo đúng qui định.

Ở nội dung giải trình của bà Nguyệt, các khoản thu thêm như các loại quỹ, tiền tài liệu, đề cương giấy thi,... đều là tạm thu và hiện đã được...trả lại (mới đây).

“Tôi xin rút kinh nghiệm là không nên thu gộp các khoản gây nên những hiểu lầm không đáng có trong tập thể. Đặc biệt việc công khai các khoản thu- chi cần làm một cách triệt để và rõ ràng hơn”, bà Nguyệt nói.

Bà Nguyệt cũng thừa nhận nhà trường đã cho Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Nguyễn Hiền thuê cơ sở vật chất, với lý do để tổ chức bồi dưỡng văn hóa cho học sinh trên địa bàn quận có nhu cầu tham gia.

Tuy nhiên, nhà trường không đứng ra liên kết với trung tâm này và việc học sinh tham gia học tập ở trung tâm này là hoàn toàn do học sinh tự nguyện và có sự đồng ý của cha mẹ học sinh”.

Bà Nguyệt cho biết, việc cho trung tâm này thuê địa điểm do “nhận thức của tôi thấy có lợi cho phong trào của nhà trường” như: đáp ứng nguyện vọng của cha mẹ học sinh có chỗ học gần cho con em; các giáo viên tham gia sẽ có thêm một phần thu nhập bằng sức lao động chính đáng của mình mà không vi phạm qui định dạy thêm học thêm,v.v…

Hiện tại, trường đã cho dừng toàn bộ hoạt động đối với Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Nguyễn Hiền tại trường và hoàn thiện lại Thời khóa biểu học kỳ II theo đúng vị trí việc làm.

Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Quang Duy, Trưởng phòng Nội vụ quận Nam Từ Liêm cho biết sau khi tiếp nhận thông tin từ Sở GD-ĐT Hà Nội, quận Nam Từ Liêm đã tiến hành làm việc ngay với trường.

“Chúng tôi đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với trường. Đã nghe giải trình của Hiệu trưởng Trường THCS Phú Đô và tiến hành kiểm tra, xác minh tất cả mọi sổ sách, giấy tờ liên quan. Bước đầu xác minh thì có những nội dung đúng như tố cáo của các giáo viên. Chiều 7/3, Quận tiến hành kiểm điểm, xác minh thêm và củng cố hồ sơ. Chủ trương của Quận ủy Nam Từ Liêm là sai đến đâu xử lý đến đấy và làm thật nghiêm để làm gương cho các đơn vị khác, không để xảy ra các trường hợp tương tự. Quận vào cuộc rất quyết liệt ngay từ đầu và chắc chắn có mức kỷ luật đích đáng đối với những hành vi sai phạm theo quy định”.

VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

  • Hải Nguyên