- Vào đầu năm học mới, phụ huynh Trường Tiểu học Hải Bối (huyện Đông Anh, Hà Nội) đã phản ánh trường có gần 20 khoản "lạm thu". Giải trình về điều này, hiệu trưởng cho biết có khoản đã trả lại phụ huynh, còn lại phần nhiều là khoản thu tự nguyện do Ban đại diện phụ huynh tổ chức.

{keywords}
Bà Bùi Thị Sinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Nguồn: VTC News.

Theo hiệu trưởng Bùi Thị Sinh, các hạng mục nhà trường không thu sai, và nhận được sự đồng tình của phụ huynh thì mới triển khai.

Hầu hết "phụ huynh nhất trí"

Trước phản ánh của phụ huynh về các khoản thu đưa ra từ trong hè 2017 khi còn chưa vào năm học, bà Sinh cho biết khoản thu đồng phục chỉ hầu hết ở khối lớp 1. Tuy nhiên do trong hè, khối 1 chưa có Ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐD CMHS) lớp, nên phụ huynh có… nhờ tài vụ nhà trường hoặc cô chủ nhiệm thu giúp.

Khoản tiền cơ sở vật chất bán trú 100 nghìn đồng/học sinh/năm được lý giải:

“Việc một số ít cha mẹ học sinh lớp 1 nộp tiền đồng phục và cơ sở vật chất bán trú trong thời gian hè là do tâm lý muốn đóng tiền rải ra, không dồn vào đầu năm. Đồng thời, phụ huynh cũng lo con mình có thể không được học bán trú, không có quần áo mặc khai giảng nếu không đăng ký sớm, nên có nhờ tài vụ đứng ra thu giúp trước khi vào năm học. Nhà trường không chỉ đạo việc này”.

Còn khoản thu tiền mua máy chiếu 800 nghìn đồng/học sinh lớp 1 khi chưa vào năm học, bà Sinh cho hay việc này do BĐD CMHS các lớp đề xuất. Nếu 100% phụ huynh của lớp đồng thuận mới được lập kế hoạch triển khai; hiệu trưởng chỉ ký phê duyệt kế hoạch, nhận bàn giao từ phụ huynh lớp và phân công bảo vệ trong coi.

Trước thông tin phụ huynh tố trường ép phụ huynh ghi biên bản để tài vụ trường giữ Quỹ hội cha mẹ học sinh 150.000 đồng/học sinh mà không để lớp giữ trong năm học 2016-2017 và 2017-2018, bà Sinh cho hay: 

“Trưởng Ban đại diện cũng nêu tinh thần các lớp sẽ trích nộp quỹ hoạt động BĐD CMHS trường từ Quỹ CMHS lớp. Mức thu cụ thể sẽ do phụ huynh các lớp thống nhất rồi trích nộp cho BĐD trường là 50%, song để đảm bảo tính thống nhất thì phải ghi rõ ý kiến nhất trí của phần lớn phụ huynh vào biên bản họp lớp. Phần lớn các lớp thu Quỹ Hội phụ huynh từ 200.000-300.000 đồng/năm, trích nộp 50%. Tuy nhiên cũng có những lớp nộp ít hơn".

Theo bà Sinh, thông tin ép ghi vào biên bản để tài vụ nhà trường giữ là không chính xác mà BĐD CMHS trường hoạt động có kế hoạch, quy chế và dự toán thu-chi độc lập song tiền thì nhờ tài vụ… giữ giúp trong két sắt để đảm bảo an toàn.

Đã có khoản trả lại cho phụ huynh

Về thông tin phụ huynh phản ánh khoản thu hỗ trợ soạn giảng, tải bài và sử dụng giáo án điện tử dạy học của các lớp với lớp chất lượng cao là 100.000đ/học sinh/tháng, lớp thường là 35.000đ/học sinh/tháng, bà Sinh cho hay đây là thông tin không đúng:

“Thực chất khoản thu này do phụ huynh trong các lớp bàn bạc, thảo luận và thấy rằng với các lớp mũi nhọn (có nhiều học sinh năng khiếu các môn học), giáo viên chủ nhiệm sẽ phải rất vất vả để soạn bài tập cho vừa sức với các con, phải tốn nhiều tiền in phiếu bài tập cuối tuần, bài tập theo đối tượng học sinh... 

Hơn nữa, hàng năm ở các lớp này, các thầy cô đều phải bồi dưỡng học sinh giỏi trong các ngày nghỉ cuối tuần để chuẩn bị tham gia các kỳ thi ở các cấp nhưng nhà trường không bao giờ thu tiền của phụ huynh. 

Với một số lớp thường (có hệ thống máy chiếu), phụ huynh trong lớp cũng nhận thấy việc để thầy cô không những phải bỏ tiền túi mua các phần mềm soạn giảng mà còn đi thuê in bài tập, in phiếu cho các con mỗi cuối tuần trong khi thu nhập của thầy cô có hạn thì cũng băn khoăn… 

Từ những suy nghĩ, tâm lý trên, BĐD CMHS các lớp bảo nhau rồi cùng đưa vấn đề ra bàn bạc trong lớp, nếu 100% nhất trí ủng hộ thì các lớp mới làm”.

Theo bà Sinh, nhà trường không chỉ đạo, không đồng tình việc này ở cả 2 mô hình lớp mũi nhọn và lớp thường (có máy chiếu). Tuy nhiên, đến ngày 14/9, khi nắm được thông tin, hiệu trưởng kiểm tra và đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phải trả lại ngay cho phụ huynh trong thời gian sớm nhất có thể.

Ngoài ra một số khoản như Hội Chữ thập đỏ 30.000 đồng/học sinh, quỹ Đoàn- Đội 20.000 đồng/học sinh là thu hộ các tổ chức khác.

Về khoản xã hội hóa giáo dục năm 2017-2018, theo phụ huynh phản ánh nhà trường đưa ra mức "tự nguyện" là 200.000 đồng/học sinh. Với học sinh trái tuyến là 300.000 đồng/em.

Tuy nhiên, vị hiệu trưởng này cho biết, năm học 2017-2018, nhà trường chưa triển khai vận động xã hội hóa giáo dục do còn chờ phê duyệt của UBND huyện Đông Anh. Nhưng một số bậc phụ huynh nắm được chủ trương từ BĐD CMHS trường và do gia đình có điều kiện nên đã muốn nộp ngay để hoàn thành sớm.

Về khoản tiền thuê phông, bạt che khai giảng, bế giảng... 50.000 đồng/học sinh, bà Sinh cho hay xuất phát từ nhiệm vụ năm học 2017-2018 là: “Không tổ chức các sân chơi thi giải Toán, Tiếng Anh qua Internet nữa, tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh…” nên nhà trường sẽ tổ chức thêm nhiều sân chơi trí tuệ cho học sinh tham gia ngoài trời như giao lưu học sinh giỏi, Trạng Nguyên nhỏ tuổi… Mỗi dịp đó đều phải che rạp để đảm bảo sức khỏe cho học sinh. BĐD CMHS trường đã thống nhất vận động phụ huynh tiếp tục thực hiện khoản này theo như năm trước. Tuy nhiên, ai có điều kiện đến đâu ủng hộ đến đó”.

Thanh tra đến đâu, lạm thu đến đó 

Ông Tống Duy Hiến, Phó Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT kết quả thanh tra đột xuất về lạm thu ở Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh cho thấy, các cơ sở giáo dục mà đoàn đến kiểm tra đều đã tổ chức thu nhiều khoản, trong đó có những khoản thu không đúng quy định đặc biệt là các khoản thu thỏa thuận.

Trong số các khoản thu thỏa thuận có nhiều khoản thu các trường này tổ chức thực hiện không đúng về quy trình theo quy định tại Điều 5 Thông tư 29/2012/TT-BGDĐT ngày 10/9/2012 của Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Nhiều khoản thu được Ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra thu theo định mức bình quân trái với quy định tại Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh và Công văn số 6890/BGDĐT-KHTC ngày 18/10/2010 hướng dẫn quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện cho các cơ sở giáo dục và đào tạo.

"Đặc biệt có địa phương chủ tịch UBND xã phê duyệt mức thu và các khoản thu tự nguyện là không đúng quy định như Chủ tịch UBND xã Minh Tân huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng và Chủ tịch UBND phường Thạch Quý, thành phố Hà Tĩnh" - ông Hiến nói.

Thanh Hùng