- Kể từ ngày 17/9, Trường Tiểu học Chu Văn An - ngôi trường có số lượng học sinh lớp 1 đông nhất Thủ đô, đóng tại phường có tới 72 chung cư - sẽ áp dụng mô hình học cho học sinh toàn trường 1 buổi/ ngày để chấm dứt lịch học "lạ".

>> Ngôi trường tiểu học đông học sinh lớp 1 nhất nhì Hà Nội

5 ngày đi làm, 4 ngày con nghỉ

Năm nay nhà chị Mai (HH1 Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) có hai cô con gái cùng theo học tại Trường Tiểu học Chu Văn An.

Do trường học quá tải, thay vì học đủ 5 ngày (tương đương 10 buổi/tuần) như chương trình của Bộ GD-ĐT, con chị chỉ được học 4 ngày/tuần và phải học luân phiên thêm cả thứ Bảy.

{keywords}

Năm học 2018 – 2019 này, Trường Tiểu học Chu Văn An chỉ có bốn lớp 5 ra trường nhưng lại nhận đến 23 lớp 1 với gần 1.200 học sinh.

“Nhắc đến lịch học của con là lại thấy đau đầu. Đứa bé nhà mình năm nay mới vào lớp 1. Theo lịch con chỉ học vào thứ 2,3,6,7 và sẽ nghỉ vào thứ 4,5. Trong khi đó, đứa lớn lại nghỉ thứ 2, thứ 3. Cả tuần có 5 ngày thì mất 4 ngày các con phải nghỉ học ở nhà. Bố mẹ cũng chẳng biết xoay sở thế nào.

Mấy ngày đầu, mình còn tạm chấp nhận đưa con đi làm cùng. Nhưng sau đó thấy lãng phí thời gian quá. Mình cứ thấy lo lo vì ở các trường khác bọn nhỏ được học cả 5 ngày. Con mình cứ nghỉ như thế rồi không biết có thiếu gì không?”

Để giảm bớt nỗi lo, chị đành mang con đến nhà cô giáo xin học phụ đạo thêm vào những ngày nghỉ học.

“Cô cho ở nhà cô cả ngày và ăn trưa tại đó luôn. Mỗi ngày như thế phụ huynh đóng 150.000 đồng. Tự nhiên mỗi tháng lại phải mất thêm gần 3 triệu cho con mà khoản đó lẽ ra không đáng có.

Mình cứ ngỡ rằng cho con học trường công sẽ tiết kiệm chi phí. Thế nhưng bây giờ lại phải đèo bòng thêm bao nhiêu khoản chi phí phát sinh chỉ vì lịch nghỉ học luân phiên của con” – chị Mai than thở.

{keywords}

Do trường học quá tải, thay vì học đủ 5 ngày, học sinh chỉ được học 4 ngày/ tuần và phải học luân phiên thêm cả thứ Bảy.

Dù chỉ có một con theo học tại trường này nhưng chị Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng phải quay cuồng vì lịch học “lạ” của con. Theo lịch của nhà trường, cậu con trai năm nay lên lớp 2 của chị sẽ nghỉ vào thứ 4, thứ 5. Mấy ngày nay chị đều phải giao nhiều bài tập cho con ở nhà tự học rồi bố mẹ khóa cửa đi làm.

Ở lớp cô giáo chủ nhiệm của con cũng mới mở lớp dạy thêm tại nhà. Mình đang suy nghĩ không biết có nên cho con theo không nhưng chắc cũng phải cho đi thôi. Mình sợ con không đi học thì không biết gì nên cứ phải “nhồi” cho học. Cô chủ nhiệm con mới thông báo học phí là 1.040.000 đồng”.

Khoản học phí này theo chị Hà là “tạm chấp nhận” được. Bởi, nhiều phụ huynh có con học cùng con trai chị đã phải chi trả cho các lớp ngoại khóa, câu lạc bộ trong những ngày nghỉ lên tới 4 triệu đồng. Tuy nhiên, chị vẫn thấy bất bình vì khoản tiền này đáng lẽ không phải phát sinh ở trường công lập.

Lãnh đạo đau đầu tìm phương án

Chỉ tính riêng địa bàn phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai đã có tới 72 chung cư đang hoạt động khiến trường tiểu học trên địa bàn phải chia ca để học vì quá tải. Mặc dù lịch học này không phải đến năm nay mới xuất hiện nhưng theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT Quận Hoàng Mai, lượng học sinh lớp 1 năm nay tăng đột biến cũng gây không ít áp lực.

Năm học 2018 – 2019 này, Trường Tiểu học Chu Văn An chỉ có 4 lớp 5 ra trường nhưng lại nhận đến 23 lớp 1 với 1.145 học sinh.

Theo bà Phạm Đàm Thục Hạnh (Trưởng phòng GD-ĐT quận Hoàng Mai), để giải quyết bài toán này, Phòng GD-ĐT Quận Hoàng Mai đã phải cân nhắc rất kỹ 3 phương án.

Thứ nhất, chỉ thực hiện tuyển sinh học sinh lớp 1 có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú ở phường trước tháng 4/2018. Nhưng có quá nhiều học sinh mới chỉ có giấy tạm trú sau tháng 4/2018, như vậy nhiều em sẽ không được đảm bảo quyền lợi có chỗ học nên giải pháp này không thể thực hiện.

Thứ hai, sẽ tổ chức mô hình học 1 buổi/ngày. Phương án này đảm bảo quy định của bộ GD-ĐT. Tuy nhiên rất khó cho phụ huynh có thể đón con trong những khung giờ phụ huynh cũng đang đi làm. Với phương án này các cháu vẫn phải nghỉ ở nhà 1 buổi nên cũng không khả thi.

Thứ ba, nếu nhà trường bố trí sĩ số lớp 70 học sinh lớp 1/ lớp; 68 học sinh/ lớp mỗi khối 2,3,4,5 thì số lớp học vừa đủ với số phòng học, đảm bảo tổ chức 2 buổi/ ngày cho học sinh toàn trường. Tuy nhiên phương án này lại vướng vào quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội về quy định sĩ số.

“Do đó, phương án tối ưu là học 4 ngày/tuần (tương đương 8 buổi/tuần) và học luân phiên thứ 7”.

Tuy nhiên, phương án này lại khiến phụ huynh cũng gặp khó khăn vì con không đi học đủ, thầy cô cũng phải vất vả đi dạy cả ngày cuối tuần.

{keywords}

Hiệu trưởng Trường tiểu học Chu Văn An trao đổi với báo chí chiều ngày 14/9: "Trường có 41 phòng học nhưng có tới 57 lớp. Hiện nay, chỉ có 2 mô hình là học 2 buổi/ngày và 1 buổi/ngày. Nếu không khắc phục được học 2 buổi/ngày thì chỉ còn cách thực hiện 1 buổi/ngày".

Vì không thể khắc phục tình trạng nghỉ học luân phiên, Trường Tiểu học Chu Văn An tiếp tục lại phải thay đổi phương án. Cô Lê Thị Thêu, hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trước thực trạng học sinh quá đông, nhà trường cũng đã phải tính toán tất cả các phương án.

Việc học 4 buổi/ tuần và học theo ca hiện đang vấp phải khó khăn. Do vậy, kể từ ngày 17/9 tới đây, nhà trường sẽ áp dụng mô hình học cho học sinh toàn trường 1 buổi/ ngày. Điều này nhằm đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh về việc học sinh phải “học gối”, “học luân phiên” với lịch học “lạ”.

Cô Thêu cho biết, với mô hình học 1 buổi/ ngày, học sinh khối lớp 1,2 sẽ học vào các buổi sáng; học sinh khổi lớp 3,4,5 sẽ học vào các buổi chiều từ thứ Hai đến thứ Sáu.

Bên cạnh đó, thời khóa biểu sẽ hoàn toàn không còn các tiết học tăng cường như âm nhạc, mỹ thuật, tiết tự chọn, hoạt động tập thể, học liên kết, hoạt động trông giữ học sinh ngoài giờ chính khóa,…

“Ngoài ra, để giải quyết vấn đề này, theo quyết định của UBND quận Hoàng Mai,  trong quý 1 năm 2019 phường Hoàng Liệt sẽ được xây thêm 3 trường mới gồm trường mầm non, cấp 1 và cấp 2” - Vị hiệu trưởng này cho biết thêm.

Trao đổi với VietNamNet chiều ngày 17/9, bà Lê Thị Thêu – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong buổi họp phụ huynh hôm qua (16/9), đa số cho rằng việc thay đổi lịch học như vậy là quá nhanh khiến phụ huynh gặp khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp thời gian. Vì thế, ngay sau cuộc họp, nhà trường đã xin ý kiến chỉ đạo của Phòng GD&ĐT tạm thời giữ nguyên mô hình học luân phiên trong 3 ngày, sau đó sẽ trở lại mô hình học 1 buổi/ngày như đã thông báo.

 

 

Thúy Nga

 

Hà Nội dự tính tăng giáo viên cho lớp học đông sĩ số

Hà Nội dự tính tăng giáo viên cho lớp học đông sĩ số

Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay, với những lớp sĩ số học sinh quá cao, sẽ bố trí tăng thêm giáo viên quản lý, không để tình trạng 1 giáo viên phụ trách tới 60 em như tại một số trường.

Top 10 trường tiểu học có sĩ số lớp 1 cao nhất ở Hà Nội

Top 10 trường tiểu học có sĩ số lớp 1 cao nhất ở Hà Nội

VietNamNet xin giới thiệu thống kê những trường tiểu học có sĩ số lớp 1 cao nhất và đông học sinh lớp 1 nhất ở Hà Nội năm học 2018-2019.

Top 5 quận, huyện đông học sinh vào lớp 1 nhất Hà Nội

Top 5 quận, huyện đông học sinh vào lớp 1 nhất Hà Nội

Hà Đông là quận có lượng học sinh nhập học lớp 1 cao nhất của Hà Nội năm học 2018-2019. Quận có số trẻ ở độ tuổi vào lớp 1 tăng mạnh nhất là Thanh Xuân, còn Hoàn Kiếm là quận duy nhất ở Hà Nội giảm so năm ngoái.