- Bốn nam sinh đang học năm cuối Khoa Chế tạo máy, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM gồm Trần Tấn Thanh, Ngô Xuân Cường, Nguyễn An Duy, La Hoàng Thắng là tác giả của chiếc Feedbot – robot cho ăn. 

Từ câu chuyện của một bà cụ

Ý tưởng về chiếc máy được một sinh viên nhen nhóm, khi trong gia đình có một người bị bệnh, không có khả năng tự chăm sóc. Em hi vọng, có một thiết bị giúp người bệnh dễ dàng thực hiện một số khâu sinh hoạt để giảm gánh nặng cho người thân.

{keywords}

Ba trong bốn sinh viên chế tạo chiếc Feedbot (Ảnh: Lê Huyền)

Kế hoạch bắt đầu khi bốn sinh viên Thanh, Cường, Duy, Thắng trải qua một tháng khảo sát trong viện dưỡng lão để quan sát.

“Ở viện dưỡng lão, bệnh nhân bị tai biến, rung tay, bại liệt, tàn tật...đều phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc. Chúng em nghĩ, có thể chế tạo một cái máy để giảm bớt sự chăm sóc của người nhà trong các khâu sinh hoạt. Khi quan sát các người già, việc giảm sự chăm sóc cho bữa ăn là khả thi nhất” - Trần Tấn Thanh, một trong bốn sinh viên cho biết.

Theo Thanh dù đã có ý tưởng, nhưng khi cả nhóm vẫn đang mơ hồ thì câu chuyện một bà cụ ở viện dưỡng lão Thiên Ân, Thủ Đức, TP.HCM khiến nhóm quyết tâm hơn.

“Cụ bị liệt nửa người phải nằm một chỗ, tất cả sinh hoạt hằng như ăn, uống, ngủ nghỉ, tắm giặt phải nhờ các sơ ở đây giúp đỡ. Khi nghe nhóm trình bày ý tưởng làm một chiếc máy, có thể hỗ trợ những người như cụ, cụ xúc động rồi khóc. Cụ nói, mong chúng em tạo ra được sản phẩm thiết thực, giúp nhiều người, qua đó có giảm công chăm sóc của các sơ đối với cụ. Vì tất cả hoạt động của các cụ đều nhờ các sơ, rất lệ thuộc nên nhiều lúc tủi thân lắm”.

{keywords}

Bộ phận cánh tay đút của feedbot (Ảnh:Lê Huyền)


“Lúc đó em rơi nước mắt, và nghĩ rằng mình còn may mắn hơn rất nhiều người. Em không quên lúc cụ nhìn chúng em với ánh mắt đầy hi vọng” – Thanh cho hay.

Bốn tháng và chiếc máy

Một tháng lang thang sắp viện dưỡng lão để quan sát, lập trình trong đầu, ba tháng miệt mài lập trình trên máy, mua đồ lắp ráp, chiếc máy giúp những người bệnh ăn uống đã ra đời.

Máy có hai bộ phận chính là cánh tay đút và mâm thức ăn. Cánh tay có 2 động cơ điều khiển, mâm có một động cơ và một vi điều khiển trung tâm để điều khiển 3 động cơ trên. Khi nhận được tín hiệu từ remote, vi điều khiển trung tâm làm 3 động cơ chạy theo chu trình thiết lập.

{keywords}

Người dùng sử dụng một chiếc remote chỉ có hai phím bấm rất đơn giản để điều khiên feedbot (Ảnh:Lê Huyền)

Để điều khiển chiếc máy, người dùng sử dụng một chiếc remote chỉ có hai phím bấm rất đơn giản. Một phím truyền tín hiệu đến cánh tay robot qua wifi để xúc thức ăn. Bệnh nhân có thể điều chỉnh chiều cao của cánh tay phù hợp với cơ thể. Một phím có chức năng xoay mâm thức ăn, giúp người sử dụng chọn món ăn.

Đặc biệt, khi máy được kết nối wifi sẽ tự động gửi dữ liệu như người bệnh ăn bao nhiêu, lượng dinh dưỡng trong thức ăn, thời gian ăn bao lâu  về máy tính.  Từ đây, phần mềm trên máy tính sẽ phân tích người này thích hay không thích món nào, hàm lượng dinh dưỡng đã hấp thụ trong bữa ăn bao nhiêu. Đồng thời máy cũng tự động lưu lại thông tin để đánh giá tình hình sức khỏe người sử dụng thông qua bữa ăn hàng ngày.

"Điều khó khăn nhất đây là một sản phẩm thực tế. Khi học lý thuyết trên lớp chúng em đều nghĩ có thể làm như vậy, nhưng khi đưa ra thực tế thì không như vậy. Vì vậy có rất nhiều bản thiết kế trên máy tính bị bỏ vì lắp ráp ngoài thì không đúng như lập trình”-  Ngô Xuân Cường, một trong bốn sinh viên cho biết. 

Theo Cường, một khó khăn nữa là kinh phí nghiên cứu do cả nhóm tự bỏ tiền túi. Nững thứ không có khả năng mua thì các bạn tận dụng từ đồ cũ. 

“Nếu được mua những vật liệu tốt, chắc chắn chất lượng sẽ tăng thêm, nhiều bộ phận cũng sẽ được cải tiến. Với vật liệu như hiện tại chiếc máy này chỉ có giá bán khoảng 2,5 đến 3 triệu đồng/sản phẩm”- Cường cho biết. 

Nuôi ước mơ khởi nghiệp

Theo chia sẻ của bốn sinh viên, đây không phải là sản phẩm đầu tay nhưng là sản phẩm rất thiết thực. 

“Khi sản phẩm hoàn thành, chúng em đã mang tới viện dưỡng lão thử nghiệm. Các sơ và các cụ già ở đấy rất vui. Một số cụ mong muốn có thêm chân đế để phù hợp hơn” - một sinh viên cho biết.

Còn sinh viên Nguyễn An Duy thì trăn trở, “hiện nay phong trào sinh viên khởi nghiệp rất được ủng hộ. Chỉ còn mấy tháng nữa chúng em sẽ ra trường, đây là một sản phẩm có ích mà bỏ ngỏ thì tiếc quá". 

Xem các sinh viên vận hành feedbot:

"Giá như có một bệ đỡ để chúng em khởi nghiệp từ những sản phẩm thiết thực này. Và nhóm sẽ còn chế tạo ra nhiều sản phẩm khác nữa” - Duy mong muốn.

Còn sinh viên Trần Tấn Thanh thì bày tỏ, "chúng em muốn cải biến máy từ sử dụng nguồn điện đã qua Adapter sang pin dự trữ, để người dùng không lệ thuộc nguồn điện. Muốn lắp đặt màn hình trên thiết bị, để khi máy kết nối wifi người sử dụng có thể gọi video nói chuyện với người nhà của mình. Muốn phát triển một website dựa trên ứng dụng từ thiết bị này, cho phép người thân hoặc nhân viên chăm sóc truy cập, theo dõi tình hình ăn uống, sức khỏe của người sử dụng”.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM thiết bị hỗ trợ bệnh nhân ăn của nhóm sinh viên là một sản phẩm nhiều ý nghĩa, vừa mang tính thực tiễn vừa mang tính nhân văn. Sản phẩm cho thấy tính sáng tạo của sinh viên. 

Sản phẩm hỗ trợ này sẽ là công cụ đắc lực hỗ trợ cho các gia đình, các trung tâm dưỡng lão có thể chăm sóc một cách tốt nhất cho các bệnh nhân tai biến, bệnh Parkinson, bại liệt, tàn tật…

Tuệ Minh