- Theo đuổi ngành công nghệ sinh học chỉ vì sợ máu, không dám vào ngành Y, giờ đây Cao Thị Việt Nga đang ấp ủ những nghiên cứu nhằm nhân giống cây dược liệu trong sách đỏ của Việt Nam.

{keywords}
Cao Thị Việt Nga (phải) và Vùi Văn Kiên - hai tác giả của nghiên cứu nhân giống cây Đảng sâm. Ảnh: Lê Văn.

Chúng tôi gặp cô gái trẻ Cao Thị Việt Nga tại Hội nghị KHCN tuổi trẻ các trường ĐH, CĐ khối Nông – Lâm – Ngư – Thủy lợi được tổ chức cuối tháng 11 vừa qua. Nga cùng người bạn cùng lớp người dân tộc Tày Vùi Văn Kiên đoạt giải Nhất với công trình "Nhân giống cây Đảng sâm (Codonopsis Javania) bằng kỹ thuật nuôi cấy mô in vitro".

Nga cho biết cây Đảng sâm là một cây dược liệu quý, có trong sách đỏ của Việt Nam. Năm thứ 4 đại học, khi thầy hướng dẫn giới thiệu một số cây trong sách đỏ để chọn làm đề tài khoa học, Nga đã quyết định chọn cây Đảng sâm.

"Em tìm hiểu qua một số cây dược liệu thì thấy cây này rất thú vị. Không chỉ có hàm lượng sapugin như sâm trong rễ cây mà cả củ rễ, lá, củ cũng có thể sử dụng để nấu canh hay xào nấu. Trong quá trình tìm hiểu, em còn biết rằng có thể chiết xuất chất từ củ rễ của cây với nồng độ đặc có thể đuổi muỗi. Nói cách khác, gần như tất cả bộ phận của cây này đều có thể sử dụng được vì vậy em rất thích thú và quyết định chọn cây này".

Thực tế, trước đề tài của Nga và Kiên, cây Đảng sâm đã được nhiều người nghiên cứu. Tuy nhiên, theo Nga thì những công trình khoa học đã được công bố chỉ nhân giống bằng cơ quan sinh dưỡng như cành chồi, trong khi phương pháp của các em là nhân giống bằng hạt.

Với phương pháp này, nguồn gien sẽ có giá trị bảo tồn. Bên cạnh đó, hóa chất sử dụng trong kỹ thuật nhân giống mà nhóm Nga và Kiên sử dụng an toàn hơn với người sử dụng và cũng không yêu cầu kỹ thuật cao như một số kỹ thuật khác.

"Một ưu điểm khác, vượt trội hơn chính là thời gian. Trong cùng một thời gian thì hiệu suất của kỹ thuật mà nghiên cứu của chúng em sử dụng tốt hơn các kỹ thuật khác" - Nga nói. "Cùng một thời gian để vật liệu mẫu ra chồi, em chỉ mất một tháng trong khi những kỹ thuật khác có thể mất tới 90 ngày".

Ngoài ra, so với phương pháp gieo hạt tự nhiên, kỹ thuật trong nghiên cứu của Nga và Kiên cũng cho hiệu quả cao hơn. 

"Hạt Đảng sâm chỉ gieo 2 vụ, một vụ từ tháng 2 đến tháng 4 và một vụ từ tháng 9 đến tháng 10. Tuy nhiên, với kỹ thuật của chúng em thì có thể gieo hạt quanh năm. Bên cạnh đó hạt gieo trong tự nhiên thì cây giống phải từ 3-5 năm, chất lượng cực tốt mới có thể nảy mầm được. Còn với kỹ thuật của chúng em thì môi trường đã cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, hạt giống cũng không cần cạnh tranh, chỉ việc lớn lên thôi. Do đó, tỉ lệ nảy mầm tốt hơn nhiều".

Nga cho biết, kỹ thuật này nếu được áp dụng trong thực tế sẽ mang lại khá nhiều lợi ích. Với giá trị dược liệu cao, hiện nay, cây Đảng sâm đang có nhu cầu khá lớn tại Việt Nam.

"Theo một thống kê năm 2015 thì chỉ riêng người Việt Nam sử dụng tới 1.000 tấn Đảng sâm mỗi năm, chiếm khoảng hơn 2% tổng số nhu cầu dược liệu. Trong khi đó hơn 1 nửa dược liệu phải nhập từ Trung Quốc" - Nga cho hay.

Ước mơ nhân giống dược liệu trong sách Đỏ

Là sinh sinh K57 của Khoa Công nghệ Sinh học, Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam, Cao Thị Việt Nga vừa tốt nghiệp và hiện đang là học viên cao học năm thứ nhất tại trường.

Nga kể, từ năm học cấp 2, cấp 3, do nhà gần Trường Lâm nghiệp nên Nga đã thích tìm hiểu cây cối và học môn Sinh học. Từ những ngày đó, Nga đã đọc và rất yêu thích việc nhân giống các cây dược liệu quý của Việt Nam.

{keywords}
Việt Nga cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi giấc mơ nhân giống các cây dược liệu quý trong sách đỏ. Ảnh: Lê Văn.

Khi thi vào đại học, lúc đầu, Nga dự định thi vào ngành y dược để đeo đuổi ước mơ tìm hiểu cây dược liệu. Tuy nhiên, vì sợ máu nên cuối cùng Nga đã quyết định lựa chọn ngành Công nghệ sinh học của Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam.

Nghiên cứu nhân giống cây Đảng sâm cũng không phải là đề tài về cây dược liệu đầu tiên của cô gái trẻ. Vào năm thứ 3 đại học, Nga cũng đã thực hiện một đề tài nghiên cứu với cây Hoàng đàn tuy nhiên không được thành công như kỳ vọng.

"Cây Hoàng đàn có tính bảo lưu cục bộ, nghĩa là rất khó tác dụng các chất khác. Việc vào mẫu cũng gặp nhiều khó khăn. Ban đầu em vào mẫu bằng hạt không thành công. Sau đó thì vào mẫu bằng cành chồi thì mới thành công bước đầu. Tuy nhiên, do là đề tài nghiên cứu của sinh viên nên thời gian không cho phép và do kinh nghiệm còn hạn chế nên không được thành công cho lắm" - Nga chia sẻ.

Khi được hỏi các đề tài trước nay đều chọn những cây dược liệu trong sách đỏ để nhân giống có phải vì muốn nhanh nổi tiếng không, Nga quả quyết, cái quan trọng là ở giá trị của nghiên cứu chứ không phải vì sự nổi tiếng.

"Hiện nay các cây nông nghiệp khác thì ĐH Lâm nghiệp đã làm rất tốt và tạo ra nhiều cây có giá trị. Hơn nữa, em nghĩ sinh viên có thất bại nhiều mới có kinh nghiệm nên mới chọn tìm hiểu những cây dược liệu có tronh sách đỏ".

Nga cũng chia sẻ, sinh viên ngành Công nghệ sinh học làm nghiên cứu rất khổ vì phải tiếp xúc với hóa chất độc và rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào. "Mặc dù các thầy cô hướng dẫn tận tình nhưng mình chỉ cần sơ sẩy một cái là có thể bị hỏng và tỉ lệ chọn đề tài dễ thì không có tính khoa học và khó quá thì mạo hiểm. Người trẻ nhiều khi thấy thất bịa là hơi nản".

Theo Nga, khó khăn lớn nhất của sinh viên khi theo đuổi nghiên cứu khoa học chính là khả năng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh là trở ngại rất lớn.

"Các đề tài muốn có tính thiết thực và cập nhật nhất thì phải có tiếng Anh để đọc tài liệu nước ngoài. Các thầy cô hướng dẫn không thể cầm tay chỉ việc là em đọc tài liệu này hay tài liệu kia. Thầy cô chỉ cho mình vài keyword (từ khóa) để tìm. Khi làm đề tài nghiên cứu cây Đảng sâm để làm được phần tổng quan đề tài em cũng đã gặp rất nhiều khó khăn" - Nga nói.

Đề tài nhân giống cây Đảng sâm mà Nga cùng Kiên thực hiện trong năm thứ 4 sau đó cũng được phát triển thành đề tài khóa luận tốt nghiệp của Nga. Cô gái mới 22 tuổi cho biết, thành công và thời gian nghiên cứu về cây Đảng sâm đã tiếp thêm động lực và đam mê của em với công việc này.

"Sau này nếu được chọn đề tài bảo vệ luận văn thạc sĩ, em vẫn hy vọng sẽ tiếp tục được làm về cây dược liệu như ước mơ từ khi còn nhỏ của mình" - Nga khẳng định.

Bài viết có sự hợp tác của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Lê Văn