- Đối thoại với các lãnh đạo sinh viên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khuấy động không khí bằng những câu trả lời dí dỏm và hài hước. Ông cũng cho biết, mỗi lần có cơ hội gặp gỡ sinh viên ông đều cố gắng ưu tiên tham dự, bởi vì “mỗi lần gặp các bạn là cơ hội để tôi bớt sự trì trệ, trẻ hơn trong suy nghĩ”.

Sinh viên Việt Nam "hỏi khó" lãnh đạo bộ, ngành

"Cầm cuốn tài liệu 600 trang tiếng Anh, em đọc 2 chữ là… ngất”

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đối thoại với sinh viên trong khuôn khổ Đại hội đại biểu Sinh viên Việt Nam toàn quốc lần thứ 10 chiều ngày 11/12. Ảnh: Nguyễn Thảo

'Thông minh đến mấy cũng phải chịu khó'

Đại biểu Nguyễn Thị Như Quỳnh (Hội SVVN tỉnh Thái Nguyên) đặt câu hỏi về chính sách hỗ trợ sinh viên (SV) nghèo học giỏi.

Quỳnh thắc mắc: Các SV ưu tú vẫn phải tự chi trả chi phí học tập nhờ gia đình hoặc tự đi làm thêm, chưa có sự hậu thuẫn lâu dài và bền vững từ Nhà nước để yên tâm học tập. Trong khi đó, chính những SV giỏi của nước ta lại nhận được học bổng toàn phần, bán phần từ các quốc gia khác.

“Theo em, đây là tình trạng chảy máu chất xám từ gốc” – Như Quỳnh phát biểu.

Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ:

“Đất nước chúng ta còn nghèo lắm. Việc bạn nói chế độ hỗ trợ toàn diện, bền vững cho các SV giỏi chưa có là đúng. Tuy nhiên, chúng ta còn có rất nhiều đối tượng cần hỗ trợ: người có công, người yếu thế... với lượng ngân sách bỏ ra rất lớn. Nói như thế không phải để thanh minh cho việc chưa có chính sách hỗ trợ toàn diện cho sinh viên giỏi”.

Phó Thủ tướng khẳng định, hiện chúng ta đang có nhiều chương trình hỗ trợ: chính sách hỗ trợ sinh viên nghèo; sinh viên chính sách, các trường có học bổng…

Theo ông Đam, học bổng dành cho SV giỏi của các trường không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ và các trường, mà còn là yếu tố tạo ra sự cạnh tranh giữa các trường. Trường nào có chế độ học bổng tốt dành cho SV giỏi thì sinh viên giỏi sẽ theo học, uy tín trường đó sẽ tăng lên.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là, tất cả chúng ta - từ bạn học giỏi đến những bạn chưa giỏi cần phải nỗ lực hơn. Đất nước không thể nghèo mãi thế này được. Để làm được điều đó thì chính chúng ta phải chịu khó thôi. Ở đây, có rất nhiều các đồng chí lãnh đạo các Bộ Lao động, Khoa học hay Giáo dục, trước đây đều là thầy giáo. Tôi được biết, trước đây gia đình các thầy cũng nghèo lắm. Đi học cũng đói, có người cũng phải đi làm thêm. Chúng ta phải cùng nhau cố gắng, mỗi người cố gắng một ít”.

{keywords}
Đại biểu Đinh Song Thương, Học viện Cảnh sát Nhân dân đề nghị Phó Thủ tướng chia sẻ bí quyết học ngoại ngữ. Ảnh: Nguyễn Thảo

Đại biểu Đinh Song Thương, Học viện Cảnh sát Nhân dân bày tỏ sự ngưỡng mộ với khả năng ngoại ngữ của Phó Thủ tướng và đề nghị ông chia sẻ bí quyết học ngoại ngữ.

Ông Vũ Đức Đam nói: “Thú thực, bạn làm tôi rất ngượng. Tôi không có năng khiếu ngoại ngữ và cũng không giỏi ngoại ngữ. Tôi cũng là con nông dân thôi, may mắn là được Nhà nước cử đi học nước ngoài. Đương nhiên đi nước nào thì biết tiếng nước đó, nhưng biết mà lâu không nói thì cũng nhanh quên”.

“Tôi đi học ở nước nói tiếng Pháp, học đại học bằng tiếng Pháp. Nhưng cũng may là học chuyên ngành Công nghệ thông tin, thì chắc chắn phải biết tiếng Anh. Biết được tiếng Anh một chút, khi về nước làm trực tiếp thì còn nói được, khi làm quản lý, đối nội thì ít nói đi. Tôi không dám nhận biết nhiều ngoại ngữ. Một vài thứ tiếng khác biết năm ba câu hỏi thăm, chào hỏi thì không gọi là biết được… Tôi khuyên các bạn là dù thông minh mấy thì cũng phải chịu khó. Càng thấy mình không thông minh thì càng phải chịu khó”.

{keywords}
"Tôi cũng từng phải đi rửa bát lúc đi học" - Phó Thủ tướng chia sẻ chân thành với sinh viên. Ảnh: Nguyễn Thảo 

Trả lời câu hỏi về triết lý giáo dục của Việt Nam do đại biểu Phan Thị Quỳnh Trang (Đoàn đại biểu Nghệ An) đặt ra, ông Đam cho rằng đây là vấn đề vẫn đang được các chuyên gia tranh luận.

Có người thiên nói về mục đích của đào tạo nên một con người như thế nào thì đó là triết lý. Muốn đào tạo nên một con người như thế nào thì coi đó là triết lý. Nhưng có những người tiếp cận nội dung đào tạo, phương pháp đào tạo, môi trường đào tạo. Có người tiếp cận về triết lý giáo dục phải gắn kết với khoa học. Đây là câu chuyện tranh luận rất dài và sâu của các nhà chuyên môn và là câu chuyện không nên hiểu một cách đơn giản là cần dùng một số từ khái quát được triết lý của một nền giáo dục hay một đất nước”.

Chia sẻ thông tin về đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hoá”, Phó Thủ tướng cho biết dự kiến năm 2019 tới đây sẽ giới thiệu những ứng dụng. “Ví dụ tới đây, chúng ta sẽ làm những bản đồ tốt hơn cả google map và hiện tại đã làm ở một số tỉnh, thành phố. Nếu các bạn góp phần chia sẻ dữ liệu vào đây thì chúng ta sẽ tạo ra nền tảng để phục vụ lợi ích cộng đồng của đất nước chúng ta chứ không phục vụ lợi ích của riêng doanh nghiệp nào cả”.

Phó Thủ tướng kêu gọi lực lượng thanh niên, sinh viên nên đóng góp công sức của mình vào công việc này.

Hãy bắt đầu từ hành động nhỏ 

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đối thoại với một sinh viên Trường ĐH Hàng hải Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thảo

Trong nửa sau của cuộc đối thoại, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đặt câu hỏi ngược lại với các bạn sinh viên. Ông hỏi những câu hỏi gần gũi với sinh viên như: Bao nhiêu người đi làm thêm, bao nhiêu người đi làm nhiều hơn học? Bao nhiêu người chọn ngành, chọn trường vì yêu thích, vì cha mẹ, vì năng lực của mình hay vì cơ hội việc làm? Bao nhiêu người dừng đèn đỏ khi đường vắng, không có công an?...

Sau đó, ông chia sẻ:

“Đây là những số liệu đáng suy nghĩ. Đa số các bạn chọn trường, ngành vì yêu thích. Phần còn lại là bố mẹ mong muốn, sau mới là theo năng lực của mình".

“Ở nước ngoài đi làm thêm là bình thường. Tôi cũng từng phải đi rửa bát. Tuy nhiên, đi làm thêm cần cố gắng kết nối với kiến thức đã học”.

{keywords}
Đại diện Hội Sinh viên ĐH Vinh chia sẻ triết lý sống của mình khi nhận được câu hỏi của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Nguyễn Thảo

Câu hỏi cuối cùng ông Đam đặt ra: “Nếu các bạn là tôi, các bạn sẽ muốn điều gì nhất ở sinh viên?”

Lắng nghe đại biểu Phạm Lan Vi đến từ Đà Nẵng chia sẻ: "Nếu được đặt ở vị trí Phó Thủ tướng, em mong muốn sinh viên có tinh thần tự học những cái mình muốn biết, muốn làm", Phó Thủ tướng cho biết: “Tôi đồng tình một phần với bạn".

Ông kết luận:

“Cả đất nước, dân tộc, mỗi người, đặc biệt lớp trẻ bao giờ cũng có hoài bão rất lớn - đất nước muốn phát tiển nhanh, sánh vai với các cường quốc năm châu, có cuộc sống thanh bình, tự do, hạnh phúc... Nhưng tất cả những điều lớn lao ấy hãy thể hiện bằng hành động cụ thể. Tất cả những công trình lớn trên đất nước này đều được xây nên từ những viên gạch nhỏ. Chúng ta có thể có những thiếu thốn và thiếu thốn rất nhiều nhưng cái chính là chúng ta tự nghiêm túc với mình. Nếu chúng ta không vượt đèn đỏ, không tranh nhau đi thang máy, không vứt rác bừa bãi…, những giá trị đó được lan toả thì những vấn đề mà các bạn đặt ra ngày hôm nay sẽ được giải quyết. Hãy đừng chỉ tham gia vào những thứ hào nhoáng, những sự kiện lớn, rồi sau đó lại quay về với bản ngã bình thường của mình. Tôi mong các bạn trẻ nghĩ lớn, hoài bão lớn nhưng hãy bắt đầu từ những việc rất nhỏ" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ mong muốn với sinh viên.

Đóng góp cho đất nước - Sống ở đâu không quan trọng

{keywords}
Bà Tôn Nữ Thị Ninh - nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Liên minh Châu Âu – đã chia sẻ về khát vọng phát triển với gần 700 sinh viên. Ảnh: Nguyễn Thảo

Là một thành viên trong hội đồng cố vấn, đồng hành cùng Hội Sinh viên khoá 10, bà Tôn Nữ Thị Ninh - nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Liên minh Châu Âu – đã chia sẻ đôi điều với gần 700 sinh viên. 

“Khát vọng mà tôi nghĩ là chúng ta cần cùng chia sẻ, đó là khát vọng phát triển tự lập. 

Về việc gắn bó với đất nước có nhất thiết phải ở ngay trên lãnh thổ này hay không, bà Ninh lấy ví dụ về trường hợp của GS. Vũ Hà Văn – người đã nhận cơ hội của doanh nhân Phạm Nhật Vượng để trở về đóng góp cho đất nước, nhưng cũng chỉ dành 30% thời gian có mặt ở Việt Nam.

“Trong thế giới hội nhập, thanh niên và sinh viên chúng ta phải ở tâm thế: trái tim, khối óc hướng về đất nước, còn việc sống ở đâu là tuỳ thuộc hoàn cảnh của từng người”.                                                                             

Nguyễn Thảo - Ngọc Trâm 

Sinh viên Việt Nam "hỏi khó" lãnh đạo bộ, ngành

Sinh viên Việt Nam "hỏi khó" lãnh đạo bộ, ngành

Những vấn đề các đại biểu sinh viên quan tâm khá rộng, từ luật an ninh mạng, nghiên cứu khoa học, vay vốn học tập, việc làm của sinh viên trường nghề cho tới đời sống văn hóa tinh thần của sinh viên...

Anh Bùi Quang Huy trở thành tân Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam

Anh Bùi Quang Huy trở thành tân Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam

Tại phiên bế mạc vào chiều ngày 11/12, Đại hội đại biểu Sinh viên Việt Nam toàn quốc lần thứ 10 đã bầu ra 98 người vào Ban Chấp hành Trung ương Hội khoá 10.

690 đại biểu dự Đại hội Sinh viên toàn quốc lần thứ 10

690 đại biểu dự Đại hội Sinh viên toàn quốc lần thứ 10

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ 10 nhiệm kỳ 2018 – 2023 đã được khai mạc vào chiều ngày 9/12 tại Cung Văn hoá Hữu nghị Việt-Xô.

Lần đầu tiên sử dụng ‘app’ trong đại hội toàn quốc Sinh viên Việt Nam

Lần đầu tiên sử dụng ‘app’ trong đại hội toàn quốc Sinh viên Việt Nam

Từ ngày 9 đến ngày 11 tháng 12 năm 2018 tại Thủ đô Hà Nội sẽ diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ 10 nhiệm kỳ 2018 - 2023.

"Cầm cuốn tài liệu 600 trang tiếng Anh, em đọc 2 chữ là… ngất”

"Cầm cuốn tài liệu 600 trang tiếng Anh, em đọc 2 chữ là… ngất”

"Kỹ năng tiếng Anh của bạn không ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng giao lưu quốc tế. Sinh viên quốc tế quan tâm nhiều hơn đến việc trong đầu bạn có cái gì".