- Các quy chế quản lý sinh viên đại học, cao đẳng ban hành từ năm 2007, điều chỉnh ở năm 2016 và trong dự thảo vừa bị rút mới đây của Bộ GD-ĐT đều liệt kê 23-27 nội dung để áp dụng hình phạt như cảnh cáo, đình chỉ học, đuổi học. Các trường đại học cho biết lỗi khiến sinh viên bị đuổi học nhiều nhất là vi phạm liên quan đến học tập. Còn vi phạm về hoạt động mại dâm thì chưa xử lý trường hợp nào.

Đuổi học nhiều nhất: Các lỗi về học tập

Đại diện các trường đại học cho biết, quy định sinh viên hoạt động mại dâm sẽ bị đuổi học được ban hành từ năm 2007, có nghĩa đã hơn 10 năm. Nhưng trong  hơn chục năm trở lại đây, và cả trước đó họ chưa từng ghi nhận trường hợp sinh viên nào bị đuổi học vì hành vi mại dâm. Hoặc nếu có điều đó cũng xảy ra ngoài nhà trường và nhà trường không nắm được. Việc sinh viên bị kỷ luật thường do mắc các lỗi khác.

Ông Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng công tác sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, lỗi dẫn đến bị đuổi học của SV nhiều hơn cả là lỗi thi hộ. "Bản thân chúng tôi cũng không biết nếu các em vi phạm thì bắt như thế nào gọi là mại dâm".

Còn ông Phùng Quán, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) thì cho biết, nhà trường thường bị buộc thôi học với những vi phạm sau: Số lần cảnh báo kết quả học tập vượt quá giới hạn; vượt quá thời gian tối đa được phép học tại trường; bị kỷ luật lần thứ hai vì lý do đi thi hộ hoặc nhờ người thi hộ…trong đó, bị đuổi học do có số lần cảnh báo kết quả học tập vượt quá giới hạn theo quy định của hiệu trưởng là nhiều nhất.

"Chúng tôi chưa ghi nhận sinh viên nào bị kỷ luật vì vi phạm mại dâm"- ông Quán khẳng định.

Đại diện Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM cũng thông tin, trường cũng chưa ghi nhận trường hợp sinh viên nào bị kỷ luật vì hoạt động mại dâm, còn lý do sinh viên bị kỷ luật phổ biến nhất là không đủ điều kiện điểm. Ngoài ra, cũng có một số lỗi khác như dùng chứng chỉ tin - ngoại ngữ giả, đánh nhau, ăn trộm và bị kỷ luật ở mức độ nhẹ thì đình chỉ 1 năm.

Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cho hay sinh viên của trường bị kỷ luật thường liên quan đến các lỗi như điểm kém, bị cảnh báo học vụ, quá hạn đào tạo.

Theo ông, sẽ rất khó để trường xử lý kỷ luật sinh viên tham gia hoạt động mại dâm vì trường không thể theo các em khi ở ngoài. Do vậy, nếu có trường hợp nào thì chỉ có thể kỷ luật khi cơ quan quản lý gửi về.  Nhưng đến này chưa ghi nhận trường hợp nào.

Nói về quy định hoạt động mại dâm trong dự thảo, ông Sơn cho rằng, những quy định này có thể đúng về lý, hoặc theo tính logic của luật, nghị định quy định nhưng "hơi phản cảm khi đọc qua"

Nếu có quy định những vấn đề xử lý nên để mở để các trường có thể linh động, vì thực tế thì mỗi trường có một cách quản lý khác nhau, có giá trị cốt lõi khác nhau. 

Xử 2 lần hay không cần quy chế?

Dự thảo quản lý công tác sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp sư phạm đưa ra quy định "sinh viên hoạt động mại dâm đến lần thứ 4 sẽ bị đuổi học" vừa bị phản ứng và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định "sai thì phải sửa". Việc sửa dự thảo này là điều tất yếu sau những phản ứng của dư luận. Tuy nhiên một vấn đề đặt ra là thông tư hiện hành áp dụng cho đối tượng sinh viên hệ đại học chính quy vẫn đang xuất hiện nội dung này.

Nhiều ý kiến nêu ra: Vậy thêm một quy chế quản lý sinh viên có cần thiết?

Trưởng khoa Luật một trường đại học ở TP.HCM khẳng định ngắn gọn "cá nhân nào vi phạm điều gì dù bất kể là sinh viên hay không cứ theo luật mà xử lý".

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng vẫn cần thiết có quy chế quản lý sinh viên. Ở đây phải phân biệt rõ giữa quy chế quy định những biện pháp kỷ luật và vi phạm pháp luật. 

Thông tư Bộ GD-ĐT đưa ra những biện pháp kỷ luật nội bộ cho các cơ sở giáo dục đại học là quy định chung, cơ sở pháp lý để các đơn vị đại học xây dựng quy chế riêng. Quy định này có giá trị là đặt ra các biện pháp kỷ luật đối với người vi phạm. Còn vi phạm pháp luật là những biện pháp xử lý và truy cứu trách nhiệm pháp luật dành cho người vi phạm.

Như vậy, có thể áp dụng đồng thời không khi đối tượng đã bị xử lý pháp luật mà vẫn bị kỷ luật- có nghĩa là xử lý 2 lần. 

Nhưng phải xác định loại vi phạm nào thì các cơ sở giáo dục xử lý và loại nào thì không. 

Chẳng hạn quy định về chứa chấp, môi giới mại dâm và hoạt động mại dâm (bao gồm mua dâm và bán dâm) "khá nực cười ở chỗ tại sao phải định lượng mấy lần?". 

Ông Sơn phân tích điều khoản "kích động, lôi kéo người khác biểu tình, viết truyền đơn, áp phích trái pháp luật hay tham gia biểu tình, tụ tập đông người, khiếu kiện trái quy định của pháp luật cũng sẽ bị xử lý" có vẻ chưa phù hợp. Bởi hiện nay chưa có Luật Biểu tình, biểu tình là quyền hiến định. Hiến pháp 1992 và các phiên bản sửa đổi chưa bỏ điều này nên quy định như vậy có thể vi hiến. Do vậy chỉ cần quy định rằng "tụ tập đông người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng" là đủ.

Còn luật sư Nguyễn Kiều Hưng (hãng luật Giải Phóng) khẳng định nhà trường không nên làm thay việc của các cơ quan thực thi pháp luật. "Có những quy định còn "chạy trước luật". Ví dụ như, về hành vi mại dâm, pháp luật hành chính và hình sự đã quy định đầy đủ, tùy theo tính chất, mức độ và hành vi để xử lý hình sự hoặc hành chính.

Hay với các hành vi liên quan đến biểu tình, luật biểu tình chưa có thì đưa các quy định liên quan đến biểu tình vào dự thảo quy chế, chẳng khác gì "cầm đèn chạy trước ô tô". 

Một tiến sĩ về quản trị giáo dục phân tích: Ở ta, không chỉ ngành giáo dục mà ở nhiều lĩnh vực khác, thường có sự nhầm lẫn giữa việc dân sự với chuyên môn ngành.

Trong quá trình phát triển, việc tách bạch điều này rất quan trọng. Các nhà phụ trách cần phân hoạch rõ đâu là phần quản lý nhà nước, đâu là phần do điều chỉnh của luật dân sự hoặc hình sự.

Đối với một việc liên quan đến dân sự hoặc hình sự của sinh viên với tư cách là công dân với xã hội, tức là ngoài nhà trường thì hãy để những luật liên quan điều chỉnh. Không nên vì một việc của dân sự mà quyết định luôn việc của quản lý nhà nước về giáo dục.

Tuy nhiên, theo vị này, đối với học sinh, sinh viên ngành sư phạm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng có thể được quyền quy định những điều kiện nhất định đối với các giáo viên tương lai. “Nếu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT muốn quy định để tường minh về mặt luật pháp, về mặt quản lý đối với giáo viên tương lai thì cũng có thể là một nội dung có thể được đưa ra để thảo luận, xem xét".

 Bán dâm: Đuổi hay không đuổi?

Ngô Thị Phương (Trường ĐH Luật Hà Nội): Nếu là SV– đội ngũ có kiến thức, hiểu biết mà có hành vi hoạt động mại dâm thì nên bị đuổi học. Mại dâm ở Việt Nam vẫn chưa là một ngành nghề được công nhận hợp pháp, nên hoạt động mại dâm vẫn là trái thuần phong mỹ tục Việt Nam.


Lê Mai (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội): Khi đã xác định theo nghề giáo thì chấp nhận sự đặc thù và cái nhìn khắt khe của xã hội về đạo đức, nhân cách và tính làm gương mẫu. Tất nhiên, có thể, lần đầu những bạn đó không may dại dột, cả tin bị lừa hay dụ dỗ dẫn đến sa ngã. Nhưng nếu lần thứ 2, thứ 3,… thì khó có thể đổ bởi những lý do khách quan khác.

Phùng Huy Hưng (Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội): Đó là việc không nên và xứng đáng bị đuổi học vì sẽ làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, môi trường sinh hoạt của các sinh viên khác.

Đỗ Thị Thu (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội): Nhà trường không nên đuổi học. Bởi có đuổi thì vẫn hoạt động thôi và bản chất xã hội tránh nào được người này người kia. Là sinh viên sư phạm, là nhà giáo dục em nghĩ phải có trách nhiệm với những người đó. Giờ thấy thế mà hắt hủi, xóa đi cơ hội làm lại của họ thì còn gọi gì là giáo dục. Em nghĩ vẫn nên cho các bạn ấy cơ hội được đi học tiếp cùng với những hình thức giáo dục, hỗ trợ để thay đổi. Đó mới là giáo dục.

Đặng Xuân Hiếu (Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội): SV không vi phạm nội quy nhà trường thì không nhất thiết phải bị đuổi học. Bởi em được biết, Điều 39, Hiến pháp năm 2013 có nêu rõ mọi công dân đều có quyền được học tập không hạn chế trình độ và độ tuổi. Tất nhiên khi có hoạt động mại dâm trong hoạt động phạm vi nhà trường thì đuổi học là tất yếu.

Nguyễn Mai Thương (Học viện Báo chí và Tuyên truyền): Sinh viên đồng thời cũng là công dân. Hoạt động bất cứ ngành nghề nào cũng đều là lựa chọn của họ dưới sự quản lý của pháp luật. Nếu đã có sự quản thúc của pháp luật rồi thì việc nhà trường xử phạt là thừa thãi, thay vào đó nhà trường nên làm đúng trách nhiệm là giáo dục nhân cách cho sinh viên.

Quy định xử phạt vi phạm hoạt động mại dâm theo số lần là chưa chặt chẽ. Nếu đã nghiêm trị thì làm ngay từ đầu.

Trong một luận án được học bổng của Hội đồng Anh, Thương ủng hộ chuyện hợp pháp hóa mại dâm.

 

 

 Lê Huyền - Thanh Hùng

Đuổi SV hoạt động mại dâm 4 lần: Bộ trưởng không nên 'đổ' cho cấp dưới

Đuổi SV hoạt động mại dâm 4 lần: Bộ trưởng không nên 'đổ' cho cấp dưới

Chủ tịch QH lưu ý, ĐB đề nghị Bộ trưởng rút kinh nghiệm khi trả lời đổ cho cán bộ thiếu năng lực của ngành.

ĐB chất vấn Bộ trưởng Nhạ về dự thảo đuổi học SV hoạt động mại dâm 4 lần

ĐB chất vấn Bộ trưởng Nhạ về dự thảo đuổi học SV hoạt động mại dâm 4 lần

ĐB Phạm Minh Hiền chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về dự thảo thông tư của Bộ GD-ĐT quy định đuổi học sinh viên hoạt động mại dâm 4 lần.

Thứ trưởng Giáo dục: "Dự thảo đuổi học SV hoạt động mại dâm có sơ suất"

Thứ trưởng Giáo dục: "Dự thảo đuổi học SV hoạt động mại dâm có sơ suất"

Tối 29/10, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết ban soạn thảo đã sơ suất chưa cập nhật dự thảo phù hợp nhất về công tác sinh viên của các trường sư phạm.

Sinh viên sư phạm hoạt động mại dâm đến lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học

Sinh viên sư phạm hoạt động mại dâm đến lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học

Theo dự thảo của Bộ GD-ĐT, sinh viên các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp hệ chính quy nếu hoạt động mại dâm đến lần thứ tư sẽ bị buộc thôi học.