- Họ sẵn sàng bỏ lại những vị trí tốt trong ngân hàng, trường quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài... với mức thu nhập khiến nhiều người thèm muốn, để đi tìm những cơ hội và trải nghiệm mới cho cuộc đời “không thể sống hai lần” của riêng mình.

"Nếu bây giờ không thử, sẽ không còn cơ hội"

Tốt nghiệp ĐH Thương mại, sau 2 năm ra trường, Trần Nguyên Thảo hiện đang làm việc cho một công ty của New Zealand có trụ sở tại Việt Nam với mức lương 15 triệu đồng/ tháng – một con số mơ ước của nhiều người trẻ. Thế nhưng, Thảo quyết định cuối năm nay sẽ nghỉ việc để bắt đầu một con đường khác.

Cô đang hoàn tất các thủ tục để đủ điều kiện trở thành thành viên của cộng đồng Au Pair – một chương trình trao đổi văn hóa giúp cho người trẻ được sống cùng gia đình bản địa miễn phí, được gia đình chi trả một khoản tiền tiêu vặt cộng với chi phí nhỏ cho việc học tập. Đổi lại, các “au pair” sẽ làm một công việc từ 35-45 tiếng/ tuần, thường là giúp chăm sóc em bé cho gia đình.

Cô gái sinh năm 1993 này dự định sẽ ứng tuyển vị trí “au pair” cho một gia đình ở Mỹ.

“Có thể nhiều người sẽ không thể hiểu được tại sao mình lại muốn bỏ một công việc ổn định với mức lương khá ở Việt Nam để đi đến một nơi xa lạ làm giúp việc gia đình. Nhưng mình nhìn thấy ở đó là những trải nghiệm và cơ hội cho mình. Được đi đây đi đó để mở mang tầm hiểu biết là mơ ước từ nhỏ của mình” - Thảo chia sẻ.

“Ngay từ thời sinh viên, mình đã biết là mình chọn sai ngành. Mối quan tâm từ trước tới nay của mình là giáo dục và tâm lý học. Cộng với việc thích được trải nghiệm những môi trường mới, được đi ra nước ngoài, nên mình quyết định tham gia chương trình này để vừa có cơ hội ngao du, vừa được tiếp xúc với trẻ con, hiểu thêm về cách nuôi dạy con cái ở những quốc gia tiên tiến nhất thế giới. Những trải nghiệm đó có thể giúp ích cho mục tiêu học sâu hơn về giáo dục hoặc tâm lý học sau này của mình”.

“Mình còn trẻ, nếu bây giờ không dám thử để tìm ra công việc mà mình thực sự muốn làm thì mình sẽ không bao giờ có cơ hội nữa” – Thảo nói.

{keywords}

Trước khi sang Mỹ, Linh từng làm việc cho một ngân hàng lớn. Ảnh: NVCC

Đăng ký tham gia chương trình trong 2 năm, Vũ Thùy Linh qua Mỹ từ giữa tháng 1/2016 và hiện đang sinh sống ở Philadelphia, Pennsylvania. Trước khi đi, Linh là nhân viên tín dụng của một ngân hàng lớn với mức thu nhập tốt, cơ hội phát triển nghề nghiệp khả quan.

Nhưng cũng giống nhiều bạn trẻ khác, Linh khao khát được học hỏi, nếm trải những điều mới mẻ ở các quốc gia phát triển. Hơn nữa, cô có niềm đam mê nghiên cứu về giáo dục. Mơ ước của Linh khi trở về Việt Nam là mở trường cho các em nhỏ vùng cao.

Linh khẳng định, cô không tiếc những cơ hội đã bỏ lại, mà thấy vui vì nắm bắt được những cơ hội mới. “Cơ hội luôn ở quanh mình, đặc biệt khi mình chuẩn bị kỹ càng. Con người ta chỉ sống có một cuộc đời thì không nên sống vội, vơ vội cơ hội. Vơ vội cơ hội này thì sẽ mất cơ những cơ hội khác tốt hơn”.

Linh chia sẻ, trong thời gian sống ở Mỹ, việc được tiếp xúc, gặp gỡ và học hỏi từ các bậc cha mẹ ở nền văn hóa đa dạng nhất thế giới này giúp cô mở rộng góc nhìn, cách nghĩ, đặc biệt là trong cách nuôi dưỡng, giáo dục trẻ khoa học, hạnh phúc. Linh mong một ngày nào đó được chia sẻ những gì mình chứng kiến và cảm nhận với các bậc cha mẹ trẻ ở Việt Nam.

{keywords}
Nguyễn Thị Thảo dành một năm trải nghiệm ở đất nước Hà Lan xinh đẹp. Ảnh: NVCC

Sinh năm 1995, Nguyễn Thị Thảo cũng đang là một “au pair” ở đất nước Hà Lan xinh đẹp.

Tốt nghiệp Khoa tiếng Anh, Trường CĐ Sư phạm Hà Nam, sau khi ra trường, Thảo đi dạy tiếng Anh ở các trường mầm non trên địa bàn Hà Nội được 5 tháng. Với mức thu nhập 5 triệu đồng/ tháng, cộng với môi trường làm việc có nhiều hạn chế, cô quyết định nghỉ việc một năm để dành thời gian cho những trải nghiệm mới mẻ cũng như để suy nghĩ và chuẩn bị cho những dự định trong tương lai. “Trước khi đi, mình đã tin rằng sẽ có rất nhiều cơ hội đang đợi mình phía trước thay vì vẫn cứ tiếp tục với công việc cũ mà khiến mình luôn cảm thấy áp lực mỗi ngày” – Thảo tâm sự.

Cô gái quê Hà Nam đặt chân đến Hà Lan vào đầu tháng 5/2017 sau 5 tháng chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục. Hiện tại, Thảo đang sống ở Zoetermeer, thành phố phía tây Hà Lan với một gia đình gốc Ấn.

“Công việc cụ thể của mình là sáng chuẩn bị đồ ăn sáng và hộp đồ ăn trưa cho bé. Sau đó bố mẹ đưa bé đi học. Hầu hết buổi sáng mình rảnh. Mình hút bụi và ủi quần áo hai lần một tuần. Đến chiều đi đón bé về, giúp bé tập đọc và tập viết, giúp bé tắm và chơi cùng bé đến khi bố mẹ về. Mẹ bé sẽ nấu cơm, sau đó cả nhà cùng ăn xong thì mình rảnh” – Thảo kể về công việc hằng ngày.

{keywords}

Thảo chơi đùa cùng bé ở sân nhà. Ảnh: NVCC

{keywords}

Hiện tại Thảo đang sống ở Zoetermeer, thành phố phía tây Hà Lan với một gia đình gốc Ấn. Ảnh: NVCC

Thảo cho biết tất cả các bạn làm “au pair” bên này đều được gia đình nuôi chi trả cho một khóa học bất kì lên đến 350 euro. Có người học khóa tiếng Anh nâng cao, có người học khóa tiếng Hà Lan, có người học khóa nấu ăn... Thảo chọn đăng kí thi chứng chỉ IELTS, tự ôn ở nhà và gia đình nuôi sẽ là người trả chi phí thi.

Thừa nhận quãng thời gian 6 tháng qua không hề dễ dàng, nhưng cô khẳng định quyết định này mở ra rất nhiều cơ hội lớn chưa từng nghĩ mình có thể có. “Xuất phát điểm của mình không hoàn hảo như nhiều bạn khác nên tham gia chương trình Au Pair có lẽ là con đường duy nhất để mình có thể đặt chân tới Châu Âu. Sau khi đến đây, tư tưởng và suy nghĩ của mình đã thay đổi, cởi mở hơn rất nhiều”.

Thảo hi vọng rằng việc học hỏi phương pháp nuôi dạy con của các nền văn hóa khác nhau sẽ là một sự chuẩn bị tốt cho việc học về tâm lí trẻ em sau này của cô.

"Một năm ở Pháp là quãng thời gian tuyệt vời"

Là một cựu “au pair”, Vũ Mai Anh đã kết thúc chương trình của mình được 3 tháng. Tuy nhiên, hiện tại cô vẫn đang ở Paris để theo học chương trình Thạc sĩ giáo dục của Trường ESPE - École Supérieure du Professorat et de l'Éducation.

{keywords}

Mai Anh là một cựu “au pair” ở Pháp. Hiện cô đã kết thúc chương trình và đang học Thạc sĩ ở Pháp. Ảnh: NVCC

Trước đó, Mai Anh từng sống cùng một gia đình người Pháp trong vòng một năm. Công việc của cô ở đây là chăm sóc bé gái 4 tuổi và bé trai 9 tuổi từ 4 giờ chiều tới 8 giờ tối.

“Chủ yếu là đưa đón 2 bé về nhà và đi học thêm, cho bé gái tắm và ăn tối cùng nhau. Tầm 20h bố mẹ về là xong việc, nhưng mình hay ngồi lại đến 21h chơi với gia đình, đến lúc trẻ con ngủ thì mình lên phòng”.

“Mình nghĩ ‘au pair’ cũng giống như là đi làm. Đầu tiên là mình phải hoàn thành tốt được công việc của mình. Khi mình hoàn thành tốt, mối quan hệ của mình với gia đình cũng sẽ suôn sẻ. Thời gian rảnh còn lại hoàn toàn là của mình, mình sử dụng sao cho hợp lí và có hiệu quả là được”.

{keywords}
Một năm ở Pháp là trải nghiệm tuyệt vời với Mai Anh. Ảnh: NVCC

Tốt nghiệp khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, Mai Anh trở thành giáo viên của một trường tiểu học quốc tế ở Hà Nội trong vòng 2 năm. “Công việc rất tốt, mình rất yêu quý học sinh và môi trường làm việc của mình. Nhưng mình đã học tiếng pháp 12 năm, nó như một phần tuổi thơ của mình nên mình rất muốn được đặt chân đến Pháp” – cô nói về lý do bỏ việc.

Sau một năm ở đây, Mai Anh thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều. Nhờ chuyến đi này mà cô có cơ hội để học được nhiều điều mới, tiếp xúc với nhiều người giỏi, tìm hiểu văn hóa và những vùng đất mới.

Công việc cho "au pair" chỉ làm 5 tiếng/ ngày, vì thế thời gian còn lại Mai Anh đi học tiếng, thời gian rảnh thì tìm những thứ thú vị khác mà khi ở Việt Nam chưa có thời gian để làm như học guitar, chụp ảnh, thêu thùa…

{keywords}
Mai Anh tranh thủ thời gian để đi chơi và khám phá nhiều điểm du lịch hấp dẫn ở Pháp

{keywords}

"Sống ở cái nôi nghệ thuật như vậy, mình cũng cố gắng đi để tìm hiểu và học hỏi nền văn hóa của họ" - Mai Anh chia sẻ. Ảnh: NVCC

"Cuối tuần, mình tranh thủ đi chơi và khám phá thật nhiều. Ở Paris có rất nhiều bảo tàng, công viên, địa điểm du lịch, đặc biệt là nhiều nơi miễn phí cho sinh viên. Sống ở cái nôi nghệ thuật như vậy, mình cũng cố gắng đi để tìm hiểu và học hỏi nền văn hóa của họ. Hoặc mình cũng tranh thủ đi du lịch xa, đến các thành phố lân cận hoặc đi nước ngoài. Đi lại ở đây rất thuận tiện, chi phí nếu biết tiết kiệm thì hoàn toàn thực hiện được với khoản tiền tiêu vặt mà gia đình cho".

Mai Anh cũng chia sẻ, sau khi học xong, cô vẫn muốn được làm việc trong môi trường giáo dục để áp dụng những kiến thức đã học được cho học sinh của mình và kể về những trải nghiệm tuyệt vời của cô ở nước Pháp hoa lệ cho các em nghe.

“Mình chưa bao giờ tiếc khi bỏ ngang công việc để đi. Mình nghĩ, khi nắm bắt cơ hội mới, những trải nghiệm mới sẽ được mở ra. Năm vừa rồi là một khoảng thời gian tuyệt vời của mình. Dù cũng có rất nhiều khó khăn về khác biệt văn hóa và ngôn ngữ nhưng chính điều đó khiến mình cảm thấy thú vị. Đến Pháp, mình đã học được rất nhiều điều, gặp nhiều người thú vị, làm những việc mà ở Việt Nam mình sẽ ít có cơ hội trải qua”. 

Au Pair là tên một hình thức giao lưu văn hóa quốc tế mà ở đó các bạn trẻ sẽ được ra nước ngoài và sinh sống với gia đình người bản xứ trong thời gian một năm mà không hề mất bất cứ sinh hoạt phí nào. Đây là một chương trình rất phổ biến trên toàn thế giới, mỗi năm đều có hàng trăm nghìn các bạn trẻ từ khắp năm châu tham gia chương trình Au Pair tại khắp các nước.

  • Nguyễn Thảo