- "Tất cả các em đã đậu tốt nghiệp. Từ em chăm học nhất, đến những em rong chơi quanh năm, thảy đều có tên trong danh sách trúng tuyển. Khắp nơi, tỷ lệ cũng nhẩy vọt bất ngờ....Thầy biết các em đang rất phấn khởi". Thư gửi những học sinh lớp 12 vừa tốt nghiệp THPT - thầy giáo Trần Đình Trợ viết.

Nhiều sinh viên ủng hộ bỏ thi tốt nghiệp
11 tỉnh ĐBSCL thoả thuận 'nâng' điểm thi tốt nghiệp
Thi tốt nghiệp: Bộ có tin chúng tôi không?
'Bộ nên nhường quyền tổ chức thi tốt nghiệp'
Tốt nghiệp 100% có nguyên chất?

Các em học sinh thân mến!

Thầy biết các em đang rất phấn khởi.

Tất cả các em đã đậu tốt nghiệp. Từ em chăm học nhất, đến những em rong chơi quanh năm, thảy đều có tên trong danh sách trúng tuyển. Khắp nơi, tỷ lệ cũng nhẩy vọt bất ngờ. Những vùng rẻo cao, vài năm trước không có học sinh đậu tốt nghiệp, năm nay tỷ lệ cũng gần trăm phần trăm.


Ảnh Phạm Hải

Xin chúc mừng tất cả.

Các em học sinh đã thỏa lòng mười hai năm đèn sách.

Cha mẹ các em, đã thỏa lòng bao năm tần tảo nuôi con.

Các thầy cô, đã thỏa lòng bao năm miệt mài giảng dạy .

Các vị lãnh đạo ngành, đã đáng công tổ chức một kỳ thi đồ sộ và tốn kém.

Thầy tin rằng, nhiều em đã thi tốt, và đã làm bài một cách nghiêm túc. Các em đó đậu tốt nghiệp rất xứng đáng.

Nhưng, nhiều em đã gian dối trong thi, nhiều thầy cô cũng vậy. Với danh nghĩa “thương học sinh”, họ đã chăm chút “tình riêng” mà lơ là “phép nước”.

Giám khảo thì hết sức “đãi cát tìm vàng” để nâng điểm. Đã có những thỏa thuận ngầm, trá hình kiểu “Biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi kỳ thi...”của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thậm chí, lãnh đạo hội đồng chấm thi còn "hướng dẫn" giám khảo là, chỉ cần trong bài thi có viết từ "đàn bà", thì phải cho điểm.

Các em thân mến!

Thầy biết, không có ai mong học sinh hỏng thi. Nhưng ai cũng muốn, các em đậu một cách chính đáng, trong một kỳ thi nghiêm túc.

Những kỳ thi nghiêm túc, mà ngành GD vẫn thường nói. Các nhà trường đã khuyên các em cố gắng học tập. Khuyên rằng, không thể gian dối trong thi cử. Khuyên rằng, ngành sẽ dùng kỳ thi TN để tuyển sinh ĐH, theo kiểu"hai trong một".

Thầy cũng đã dạy về quy chế thi cử, thầy cũng đã dạy về sự nghiêm minh của “hai không”, “bốn không” cho các em.

Nhưng qua kỳ thi này, các em đã tận mắt thấy tất cả.

Hãy tha lỗi cho thầy!

Những lời các thầy dạy trước đây, bỗng chốc thành lời nói dối. Không gì có thể biện minh được.

Chẳng lẽ biện minh rằng, chính các thầy cũng bị “lừa”. Chẳng lẽ biện minh rằng, kì thi năm sau sẽ có nghiêm túc thật sự. Than ôi! Bao nhiêu là năm sau rồi.

Chỉ có thể nói: Những bài học cao quý, đã thành lời nói dối trơ trẽn!

Các em thân mến!

Không chấm lại bài thi chấm lỏng

Trao đổi với báo chí về vụ nới lỏng chấm thi tốt nghiệp THPT ở 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, không chấm lại bài thi của học sinh. Lý do nếu chấm lại, nhiều thí sinh sẽ không kịp dự thi ĐH, CĐ.

Theo Thứ trưởng Hiển, mục đích của chấm thẩm định là để xác nhận việc chấm thi có chính xác không, nhưng chỉ cần nhìn vào biên bản thống nhất chấm thi của các tỉnh thành trên đã thấy rõ có sai phạm. Như vậy không cần thiết phải chấm thẩm định.

Nhà trường dạy các em về lòng dũng cảm. Ngành GD đã tuyên chiến với "bệnh thành tích", và đã vinh danh sự dũng cảm của thầy giáo Đỗ Việt Khoa. Chính thầy cũng đã dạy các em: Dũng cảm nhất, là vạch trần sự gian trá.

Trong kỳ thi vừa qua, có nhiều sự gian trá đã diễn ra. Nhiều em đã nhìn thấy, nhiều em lại chính là thủ phạm của sự gian dối đó. Giám thị, giám khảo cũng chứng kiến và tham gia sự dối trá. Nhưng chưa mấy ai lên tiếng.

Hãy tha lỗi cho thầy!

Thầy cũng đã không lên tiếng.

Không thể biện minh nổi. Chẳng lẽ biện minh rằng: đang tồn tại sự giả dối khác còn nghiêm trọng hơn; rằng: đang có nhiều tấm bằng thạc sĩ, tiến sỹ còn dổm hơn? Chẳng lẽ biện minh rằng: sự giả dối đang diễn ra mọi nơi; rằng: tệ nạn tham những, hối lộ đang tràn lan, rồi chuyện “đưa phong bì” cũng đang phổ biến?

Những thứ đó, cũng không biện minh nổi cho sự đớn hèn trong mỗi chúng ta!

Các em thân mến!

Chúng ta biết rằng: Làm người, cần nhất là sự trung thực. Con người, trước hết phải trung thực với bản thân mình. Thầy đã nói với các em: Phải biết chấp nhận, thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi.

Nhưng thực tế lại thật phũ phàng.

Vừa thi xong, có người khoe khoang ngay về những sự dối trá. Có kẻ lại hớn hở vì đã “trúng quả đậm” trong khi “làm thi”. Mọi người cùng hỉ hả với một tỷ lệ đậu cao gian dối.

Hãy tha lỗi cho thầy!

Khi thấy các em đậu hết, thầy cũng đã phấn khởi, dù biết chắc chắn có sự gian dối. Nay thầy lại thấy hổ thẹn về chính điều đó.

Rồi sự vui mừng của chúng ta sẽ qua nhanh. Sự huênh hoang về các con số, cũng sẽ chôn vùi dần trong sự dè bỉu. Nhưng dư vị đắng cay, chua chát về sự giả dối, thì không dễ nhạt nhòa. Nỗi buồn tủi và sự hổ thẹn vì đã thiếu trung thực, cũng sẽ còn xót xa mãi trong lòng mỗi chúng ta.

Những gì đã xảy ra trong kỳ thi, khiến chúng ta thấy nhục nhã. Các em ơi, vì chúng ta vẫn là người !

Các em thân mến!

Kì thi vào ĐH đang chờ, một giai đoạn mới sẽ bắt đầu với các em.

Nhưng các em hãy nhớ lấy sự đau đớn này. Thầy đã thất bại đau đớn trong những bài học lớn, mà thầy đã dạy các em. Bài học chống lại thói giả dối, bài học về lòng dũng cảm và bài học về sự trung thực.


  • Giáo viên Trần Đình Trợ