Công bằng mà nói thì không chỉ ở Việt Nam mới có người bỏ ra những khoản tiền lớn hơn lực tài chính của mình để mua xe Bentley hay sắm hàng chục cái túi Hermes. Tuy vậy, không phải ở lĩnh vực nào xu hướng chuộng hàng hiệu cũng xảy ra ở mức độ như nhau. Chẳng hạn, khi tôi nhìn vào lĩnh vực giáo dục đại học – đặc biệt là du học – thì dường như xu hướng này không – hay nói đúng hơn là chưa – phổ biến ở Việt Nam.

Harvard – trường đại học lâu đời nhất tại Mỹ, thành lập năm 1636, tức 140 năm trước ngày thành lập Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (1776). Theo bảng xếp hạng năm 2012 của tạp chí Anh – Thời báo giáo dục đại học (THE), Harvard đã được tôn vinh năm thứ hai liên tiếp là đại học tốt nhất và uy tín nhất thế giới.

Việt Nam chuộng mác hàng, Trung Quốc chuộng mác trường

Trong những năm gần đây, nhu cầu du học của người Việt ngày càng cao, phần vì lo lắng về chất lượng giáo dục trong nước, phần vì xã hội bắt nhịp với nhu cầu thị trường và xu hướng quốc tế hoá giáo dục trên thế giới. Tôi khâm phục sự quyết tâm của các gia đình và những khoản tiền họ đầu tư để con cái được hưởng nền giáo dục chất lượng. Tuy vậy, có một quan sát làm tôi băn khoăn: tại sao rất ít người quan tâm đến cái “mác trường” khi cho con đi du học?

Dù không có số liệu chính thức, nhưng tôi dám cược rằng số túi Hermes và Louis Vuitton bán tại Hà Nội nhiều hơn số học sinh nộp đơn vào các trường nổi tiếng như Harvard hay Princeton hàng năm. Không chỉ nói đến Harvard, mà ở New York University hay Boston University, những trường tốt, dễ vào hơn và hàng năm nhận hàng trăm sinh viên Trung Quốc, số sinh viên Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tất nhiên để thành công, các em nên chọn trường phù hợp với học lực của mình. Tuy nhiên, cũng cần đặt câu hỏi tại sao rất nhiều học sinh giỏi ở Việt Nam khi sang Mỹ lại vào trường cao đẳng (năm 2010 – 2011, Việt Nam đứng thứ hai về số học sinh đăng tuyển vào các trường cao đẳng cộng đồng tại Mỹ)?

Xu hướng này khác với Trung Quốc, nơi các ông bố bà mẹ kèm cặp, cho con đi học thêm, thuê người tư vấn để vào bằng được các trường danh tiếng nhất tại Mỹ. Theo tờ New York Times, một số gia đình chi 14.000 – 77.000 USD để con được tư vấn làm hồ sơ vào các trường hàng đầu.

Một cựu sinh viên Harvard ở Bắc Kinh kể cho tôi kinh nghiệm của anh trong việc phỏng vấn sinh viên hàng năm: “Mỗi em đến đều mang một kẹp dày các thành tích về thể thao, văn hoá, nghệ thuật. Tôi không biết các em có thời gian lúc nào để thi, chưa nói đến việc luyện tập!” Nhiều học sinh Trung Quốc có niềm mơ ước này đến nỗi một trong những cuốn sách bán chạy nhất nước này là cuốn Harvard Girl – tự truyện của cô sinh viên trẻ nói về kinh nghiệm xin vào và học tại Harvard.

Diện túi Birkin ở vùng núi?

Tò mò về sự “thờ ơ” của các gia đình Việt Nam với các trường danh tiếng ở Mỹ, tôi hỏi thăm một số ông bố, bà mẹ. Chắc hẳn lý do chính không phải là tài chính, vì số tiền 50.000 USD một năm học tại Harvard, dù nhiều, nhưng không ít gia đình có khả năng chi trả. Hơn nữa, các trường hàng đầu ở Mỹ có chính sách “need-blind” – nghĩa là họ sẽ nhận học sinh mà không quan tâm đến khả năng tài chính, nếu gia đình không trả được trường sẽ bao cấp phần còn lại.

Lý do thứ hai được rất nhiều người đưa ra là dù các gia đình có muốn cũng không đủ khả năng. Với tỷ lệ 8% thí sinh nộp đơn được nhận vào các trường như Harvard, Yale và Princeton, các trường này không chỉ khó đối với học sinh Việt Nam mà với bất cứ học sinh nào. Vì thế mà các ông bố bà mẹ ở khắp các nước đầu tư rất nhiều vào việc cho con học trường tốt từ bé, tìm người kèm cặp và tư vấn để con mình có thành tích tốt và một bộ hồ sơ nổi bật. Học sinh Việt Nam vẫn thường xuyên đạt thành tích cao trong các kỳ thi quốc tế và những em đã vào các trường danh tiếng ở Mỹ đều học giỏi và tốt nghiệp loại ưu. Vậy thì không có bằng chứng nào để nói chung chung là học sinh Việt Nam không “đủ sức”.

Lý do thứ ba cũng rất nhiều người đưa ra và tôi cho có phần đúng: “Người ta chưa biết nhiều về hệ thống trường ở Mỹ, nên không phân biệt được trường này trường kia. Đi được Mỹ là xịn rồi” – lời một chị có con trai 19 tuổi. Việc này giải quyết khá đơn giản và một khi các gia đình đã có nhu cầu hay nguyện vọng, họ sẽ không thiếu nguồn để tìm thông tin. Nếu như phụ nữ Việt Nam đã biết được rằng một chiếc Birkin của Hermes hay Speedy 25 của LV là những chiếc túi làm nhiều phụ nữ trên thế giới phải ghen tị, thì tôi tin rằng họ cũng sẽ không gặp khó khăn gì khi muốn biết những trường nào ở Mỹ được ưu ái nhất.

Câu hỏi cuối cùng mà tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời thoả đáng đó là liệu một bằng cử nhân hay thạc sĩ từ một trường danh tiếng của Mỹ có giá trị tới mức nào ở Việt Nam? Nếu chúng có giá trị hơn các bằng khác một chút, thì có đến mức đáng để chúng ta bỏ công sức và một khoản đầu tư lớn đến vậy hay không (ước tính tổng chi phí cho hai năm chương trình MBA ở Harvard năm nay là 170.000 USD)? Nếu như chị có con 19 tuổi ở trên nói đúng: phần lớn mọi người chưa phân biệt được trường danh tiếng với trường bình thường, thì chẳng khác gì diện cái túi Birkin ở vùng núi. Dù bạn có mãn nguyện đến đâu, không ai để ý hay quan tâm, bạn cũng không “khai thác” được hết giá trị của cái đồ hiệu mình đang dùng.

Vậy thì, phải chăng trong giai đoạn này, các gia đình ở Việt Nam cho con du học đang “thực dụng” theo kiểu phù hợp với thị trường trong nước: đầu tư vừa phải với tầm nhìn ngắn hạn?

Theo Đào Thu Hiền (SGTT)