- Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Hội khoa học Lịch sử VN, bên cạnh các công việc của hội, nhiều ý kiến tiếp tục tập trung vào chủ trương tích hợp môn Lịch sử trong Dự thảo chương trình GDPT tổng thể của Bộ GD-ĐT.

{keywords}
Đến tham dự có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch UBTW MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhắc lại quan điểm của hội là ủng hộ tích hợp môn Lịch sử trong bộ môn "Cuộc sống quanh ta" và "Tìm hiểu xã hội" ở bậc tiểu học nhưng phản đối tích hợp môn này vào bộ môn "Khoa học xã hội" ở THCS và "Công dân với Tổ quốc" ở bậc THPT.

Theo GS Ngọc, Bộ GD-ĐT  nhận thấy "trong bản dự thảo đã trình bày chưa rõ ràng", nhưng lại lấy đó làm lí do để đổ lỗi cho các nhà khoa học hiểu nhầm Bộ là gây ra "xôn xao dư luận xã hội".

{keywords}
Bên trong và ngoài lề đại hội, GS Nguyễn Quang Ngọc chia sẻ những bức xúc xung quanh chủ trương tích hợp Lịch sử vào môn Công dân với Tổ quốc.

"Đúng là trong bản dự thảo có nhiều chỗ trình bày chưa rõ ràng, nhưng nằm ở chỗ khác. Còn việc chia Lịch sử bị chia ra thành từng mẩu nhỏ thì dù có giải thích như thế nào cũng không giấu nổi việc đánh lận giữa kiến thức lịch sử với khoa học lịch sử" - ông Ngọc bày tỏ.

Theo GS, sự yếu kém của sách giáo khoa lịch sử phổ thông đang lưu hành chính là do quá coi trọng kiến thức lịch sử đặc biệt là lịch sử phục vụ tuyên truyền chính trị mà ít quan tâm tới yếu tố khoa học trong tính tổng thể và toàn diện. "Đây là vấn đề lí ra cần rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc thì bị cố tình lẩn tránh và đổ lỗi cho giới sử học".

{keywords}
Các đại biểu trao đổi bên lề đại hội.

Ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử cho rằng: "Rất cần đổi mới chương trình, SGK, phương pháp dạy môn Lịch sử. Hội luôn đứng sau ủng hộ, sẵn sàng hợp tác với Bộ GD-ĐT. Chúng tôi chỉ không tán thành cách làm dường như thiếu thận trọng, thiếu dân chủ".

"Việc viết SGK là vô cùng quan trọng, chúng tôi nhiều lần kiến nghị nhưng chưa bao giờ Bộ GD-ĐT thực hiện theo. Thầy cô có muốn dạy cái mới cũng không được vì nhiều nơi SGK được coi như là pháp lệnh, thầy cô nói cái bên ngoài có thể bị kỉ luật. Hội muốn tham gia nhưng "vào nhà mà không có khóa cửa thì sao vào được" - GS Ngọc chia sẻ.

Theo GS Ngọc việc dạy môn Lịch sử hiện nay có nhiều thuận lợi  bởi với thông tin tư liệu nhiều - có thể kiểm tra, kiểm chứng.

"Tích hợp lịch sử không giống các môn khác. Bản thân khoa học lịch sử đã không phải đơn ngành mà nhiều chuyên môn khác nhau có kinh tế, văn hóa, địa lí,...Ví dụ dạy về kinh tế thời Trần phải liên hệ các vấn đề về kinh tế, văn hóa thời Nguyễn phải có các kiến thức về văn hóa".

{keywords}
Các đại biểu trao đổi bên lề đại hội.

Tại đại hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định vai trò quan trọng của khoa học lịch sử và Hội Khoa học Lịch sử VN. Chủ tịch nước cũng đề nghị Hội tập trung vào 5 vấn đề lớn trước mắt, trong đó có việc "động viên nhà sử học tham gia tổ chức tư vấn phản biện vào sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, trước hết là vai trò, chức năng của môn Lịch sử trong GDPT.

GS.NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN hi vọng với Nghị quyết của Quốc hội vừa được thông qua "chúng ta chờ đợi công việc thực hiện của Bộ GD-ĐT trong tinh thần vừa hợp tác vừa phản biện nhằm mục tiêu trả lại vị thế xứng đáng của môn Lịch sử trong nền GDPT"

  • Bài, ảnh: Văn Chung (Email: vanchung.nguyen@vietnamnet.vn)