- Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới dự kiến áp dụng từ năm học 2018-2019; được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp cho học sinh.

Infographic: Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới
Xem và tải về toàn văn dự thảo TẠI ĐÂY hoặc TẠI ĐÂY
Những cải cách giáo dục không cần đề án nghìn tỷ

6 phẩm chất chủ yếu, 10 năng lực cốt lõi

Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông bao gồm chương trình tổng thể (khung chương trình), các chương trình môn học và hoạt động giáo dục.

Theo dự thảo, nội dung chính của chương trình tổng thể nêu lên 6 phẩm chất chủ yếu cần hình thành, phát triển ở học sinh là: yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm.

{keywords}
GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông trong buổi công bố dự thảo  chiều 12/4 tại Bộ GD-ĐT. Ảnh: Lê Văn

Về năng lực, dự thảo hướng đến 10 năng lực cốt lõi (những năng lực mà ai cũng cần có để sống và làm việc trong xã hội hiện đại) gồm:

Những năng lực chung được tất cả các môn học và hoạt động giáo dục góp phần hình thành, phát triển: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Những năng lực chuyên môn được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học, hoạt động giáo dục nhất định: năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất.

Bậc THPT sẽ định hướng nghề nghiệp

Chương trình mới hướng tới thực hiện giáo dục toàn diện, tích hợp ở các cấp tiểu học và THCS, thực hiện giáo dục phân hóa và tự chọn ở cấp THPT.

Điểm thay đổi rõ rệt so với từ trước nay, giáo dục phổ thông 12 năm sẽ chia làm hai giai đoạn là giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp THCS 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT 3 năm).

GS Nguyễn Minh Thuyết giới thiệu các năng lực cần đạt được của học sinh

Giáo dục cơ bản bảo đảm trang bị cho học sinh trí thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS. Ở 2 cấp học này sẽ thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp; qua đó tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học.

Giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng. Cấp THPT yêu cầu học sinh học một số môn học bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học và chuyên đề học tập theo hình thức tích lũy tín chỉ.

Nhiều môn học mới

Hệ thống các môn học của chương trình giáo dục phổ thông được chia thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc.

{keywords}
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa tại buổi giới thiệu dự thảo chương trình. Ảnh: Lê Văn

Môn học bắt buộc là môn học mà mọi học sinh đều phải học.

Môn học bắt buộc có phân hóa là môn học mà nội dung được thiết kế thành các chủ đề hoặc học phần (môđun), trong đó một số chủ đề hoặc học phần là bắt buộc đối với tất cả học sinh, một số chủ đề hoặc học phần được tự chọn tùy theo nguyện vọng của học sinh và điều kiện đáp ứng của cơ sở giáo dục.

Môn học tự chọn là môn học không bắt buộc, được học sinh tự nguyện lựa chọn, phù hợp với nguyện vọng, sở trường và định hướng nghề nghiệp của học sinh.

Môn học tự chọn bắt buộc: là môn học mà học sinh bắt buộc phải lựa chọn trong số các môn học định hướng nghề nghiệp ở lớp 11, lớp 12 theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông.

Cụ thể, ở cấp Tiểu học, các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu công nghệ. Các môn học bắt buộc có phân hóa: Thế giới công nghệ, Tìm hiểu tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn là tiếng dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, ở cấp tiểu học còn có hoạt động Tự học có hướng dẫn (tự học trên lớp của học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, có sự hướng dẫn, giúp đỡ của giáo viên).

Ở cấp THCS, các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Các môn học bắt buộc có phân hóa: Tin học, Công nghệ và Hướng nghiệp, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Ở cấp THPT, dự thảo chương trình mới xác định lớp 10 là lớp dự hướng nghề nghiệp. Gồm các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Thiết kế và Công nghệ, Giáo dục quốc phòng và an ninh.

Các môn học bắt buộc có phân hóa: Tin học, Giáo dục thể chất, Hoạt động nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Ở lớp 11 và lớp 12, các môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Các môn học tự chọn bắt buộc: Học sinh chọn 3 môn và 1 chuyên đề học tập trong số các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học máy tính, Tin học ứng dụng, Thiết kế và Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc, Chuyên đề học tập.

Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Về nội dung giáo dục của địa phương, theo quy định của chương trình, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức xây dựng, thẩm định nội dung giáo dục văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, môi trường, hướng nghiệp,... của địa phương và báo cáo Bộ GD-ĐT phê duyệt. Đối với lớp 11 và lớp 12, nội dung giáo dục địa phương có thể được xây dựng thành chuyên đề học tập cho học sinh tự chọn.

{keywords}
Các phóng viên tại buổi giới thiệu dự thảo chương trình giáo dục phổ thông. Ảnh: Thanh Hùng

Theo chương trình mới, các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường áp dụng các phương pháp tích cực hoá hoạt động của người học. Giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia, tự phát hiện năng lực, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng.

Các hoạt động học tập của học sinh sẽ bao gồm hoạt động khám phá vấn đề, hoạt động luyện tập và hoạt động thực hành (ứng dụng những điều đã học để phát hiện và giải quyết những vấn đề có thực trong đời sống), được thực hiện với sự hỗ trợ của đồ dùng học tập và công cụ khác, đặc biệt là công cụ tin học và các hệ thống tự động hóa của kỹ thuật số.

GS Nguyễn Minh Thuyết giải thích về hoạt động sáng tạo trong chương trình giáo dục phổ thông mới

Các hoạt động này được tổ chức trong và ngoài khuôn viên nhà trường thông qua một số hình thức: học lý thuyết; thực hiện bài tập, thí nghiệm, trò chơi, đóng vai, dự án nghiên cứu; tham gia thảo luận, tham quan, cắm trại, đọc sách; sinh hoạt tập thể, hoạt động phục vụ cộng đồng.

Tùy theo mục tiêu cụ thể và mức độ phức tạp của hoạt động, học sinh được tổ chức làm việc độc lập, làm việc theo nhóm hoặc làm việc chung cả lớp.

Đổi mới đánh giá học sinh

Dự thảo chương trình tổng thể đã nêu ra ba hình thức đánh giá học sinh.

Đặc biệt trong dự thảo chương trình có điểm mới là việc xét tốt nghiệp sẽ giao cho cấp trường.

Để được cấp bằng tốt nghiệp THPT, học sinh không phải trải qua kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay mà việc xét tốt nghiệp sẽ phụ thuộc vào việc đánh giá định kỳ do chính trường THPT tổ chức thực hiện.

Học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ GD-ĐT được cấp bằng tốt nghiệp THPT.

Đánh giá thường xuyên, do giáo viên phụ trách môn học tổ chức thực hiện, dựa trên kết quả đánh giá của giáo viên, của phụ huynh học sinh, của bản thân học sinh được đánh giá và của các học sinh khác trong tổ, trong lớp.

Đánh giá định kỳ, do cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện. Học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp THPT.

Đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương, do tổ chức kiểm định chất lượng cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức để phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, phát triển chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục.

{keywords}

Chương trình giáo dục phổ thông sẽ được phát triển thường xuyên, bao gồm các khâu xây dựng chương trình, đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chương trình trong quá trình thực hiện.

Dựa trên nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông, các trường xây dựng kế hoạch giáo dục riêng một cách linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của địa phương.

GS Nguyễn Minh Thuyết giải thích cơ sở khoa học của việc xác định phẩm chất, năng lực học sinh

Trước khi công bố dự thảo chương trình tổng thể lên mạng Internet để lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân một lần nữa, Bộ GD-ĐT đã tổ chức các hội thảo, tiếp thu ý kiến từ nhiều cơ quan, nhiều nhà khoa học, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và chuyên gia tư vấn quốc tế. Chương trình cũng đã được Hội đồng Quốc gia Thẩm định chương trình giáo dục phổ thông thẩm định lần thứ nhất.

Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức khảo sát thực tế, tham khảo ý kiến các cơ quan quản lý giáo dục, các trường, cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh và những người quan tâm hằng năm để đánh giá và điều chỉnh nếu cần thiết.

Phương pháp xây dựng chương trình

1. Áp dụng phương pháp Sơ đồ ngược

Với định hướng tiếp cận năng lực thì việc xây dựng chương trình phải xuất phát từ phân tích bối cảnh trong nước và quốc tế, trên cơ sở đó xác định nhu cầu phát triển đất nước, nhu cầu phát triển nhân lực, mục tiêu GDPT, rồi từ mục tiêu đó xác định những phẩm chất và năng lực cần hình thành, phát triển ở học sinh, tức là chuẩn đầu ra của chương trình. Từ chuẩn đầu ra mới xác định được những nội dung cần dạy, từ đó phân bổ thời lượng dạy học, xác định phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục. Đó là phương pháp Sơ đồ ngược (Back - Mapping) thường được áp dụng trong xây dựng chương trình giáo dục theo định hướng tiếp cận năng lực.

2. Áp dụng phương pháp Đánh giá tác động của chính sách

Quy trình này có 5 bước: đánh giá việc thực thi chính sách hiện hành; đề xuất chính sách mới; đánh giá tác động của chính sách mới; điều chỉnh và ban hành chính sách mới; chỉ đạo thực thi chính sách. Phương pháp nổi bật được áp dụng trong quy trình này là Đánh giá tác động của chính sách (Regulatory Impact Assessment, viết tắt là RIA). Mỗi quyết sách trong chương trình mới có thể ảnh hưởng tới học sinh, giáo viên, việc tổ chức dạy học và kinh phí đều cần được đánh giá tác động. Các biện pháp đánh giá tác động là khảo sát thực tế, phỏng vấn, điều tra ý kiến cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh học sinh và học sinh, dạy thực nghiệm,...

Việc đánh giá tác động diễn ra suốt trong quá trình xây dựng chương trình, sẽ bảo đảm tính khả thi của chương trình và rút ngắn được thời gian dạy thực nghiệm.

  • Thanh Hùng - Lê Văn

{keywords}
Dự thảo kế hoạch giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Đồ họa: Lê Văn (Bấm vào hình để xem chi tiết)