Bộ GD-ĐT gần đây đã ra yêu cầu các trường đại học phải minh bạch (công bố) thông tin cơ bản của trường cho học sinh và xã hội biết, bao gồm cả tổng chi phí đào tạo một sinh viên/ năm, thông tin về tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp, như là một điều kiện tiên quyết để được tuyển sinh vào năm 2018. 

Ngay khi vừa có thông tin này, đã có câu hỏi đặt ra về tính khả thi của nó trong thực tế Việt Nam hiện nay.

{keywords}

Ảnh từ Ilinouis Progress


Tôi xin được chia sẻ vài nguyên tắc cơ bản về minh bạch hóa thông tin trong giáo dục đại học Mỹ và ở một số nước có nhiều sinh viên Việt Nam đến học.

1. Minh bạch thông tin, công khai thông tin và phải trả lời bằng văn bản khi được yêu cầu là một nguyên tắc quản trị ‘tốt” ở tất cả các cấp giáo dục, kể cả bộ giáo dục đại học.

Hầu hết các thông tin chính về trường, hoạt động của trường, chương trình học, danh sách giáo sư, tiền học, tiền lệ phí, các đề án và nghiên cứu cấp trường, cấp bang hay liên bang đều được cung cấp rõ. Nếu có gì chưa rõ, có người và địa chỉ liên hệ để mọi người có thể hỏi và phải trả lời trong thời hạn ấn định theo Đạo luật về Tự do Thông tin (Act of Free Information).  

Họ cũng sẽ phải làm rõ những gì thuộc về “bảo mật” của trường, của Bộ GD-ĐT mà nếu không có lý do chính đáng, sẽ không được cung cấp thông tin, ví dụ như thông tin cá nhân của học sinh, bao gồm cả thông tin về điểm số, lý lịch học tập và làm việc. Tên tuổi và hình ảnh của học sinh, nếu không được phép, theo Luật về Quyền riêng tư cá nhân, cũng không được phép sử dụng cho các chương trình quảng bá của trường. 

2. Chịu trách nhiệm dân sự với học sinh, phụ huynh và xã hội khi có hành vi không cung cấp, hoặc cung cấp sai hoặc cố tình làm sai lệnh thông tin.

Nếu có ai quan tâm đến bầu cử của Mỹ, chắc đều đọc được tin TT Mỹ đã phải chấp thuận trả tiền phạt lên đến 25 triệu đô la Mỹ cho trường đại học của ông, bởi cung cấp những thông tin và chương trình không đúng như quảng cáo [1]. Việc quảng cáo sai sự thật hoặc nói quá so với khả năng giảng dạy của trường là hành vi được coi là lừa dối người học.  

Theo quan điểm của Mỹ và các nước phát triển về giáo dục đại học, khi sinh viên vào học, được coi là đã có một “hợp đồng” giáo dục với trường. Khi những thỏa thuận ban đầu về chương trình, chất lượng giảng dạy, giáo sư giảng dạy, số giờ dạy và phương thức dạy, không đúng như ban đầu quảng cáo, họ có quyền khiếu nại và khiếu kiện, hoặc theo thủ tục nội bộ trong trường, hoặc mang ra Tòa giải quyết theo thủ tục dân sự. 

Điều này buộc nhà trường, lãnh đạo trường và các nhân viên phải có trách nhiệm nghiêm túc với những thông tin mình cung cấp và hành xử của mình, đặc biệt liên quan đến sinh viên và chất lượng giảng dạy.

3. Có hệ thống kiểm định đại học do cơ quan kiểm định quốc gia, vùng và kiểm định nội bộ thường xuyên nhằm xác định tính “minh bạch” trong hoạt động quản trị đại học và giáo dục. 

Theo đó, báo cáo hàng năm là bắt buộc công bố trên website và thông tin đại chúng.

Như chúng ta biết, Mỹ có hơn 7.000 trường, và khoảng hơn 200 trường nghiên cứu có chất lượng. Điều đó tức là trường kiểu gì cũng có, từ “mua bán bằng” đến Ivy League, mà hầu hết sinh viên kiểm tra thông tin dựa vào chứng nhận được kiểm định của một đơn vị độc lập. 

Việc kiểm định này trong thời gian gần đây đang được xem xét và đánh giá lại, do có nhiều trường vi phạm về kiểm định nhằm thu hút học sinh vào học. Điều này dẫn đến việc đảm bảo kiểm định đang là một thách thức ở Mỹ, nhất là khi sinh viên bị buộc phải chuyển trường do trường không đảm bảo tiêu chuẩn của kiểm định [2]. 

{keywords}

Ảnh chụp từ website của Cơ quan An Ninh Nội Địa Mỹ

Với Việt Nam, hai chương trình của chúng ta cũng bị vướng vào tổ chức kiểm định bị rút giấy phép này bên Mỹ [3].

4. Có hệ thống đánh giá giáo viên, chất lượng giảng dạy, chất lượng phục vụ của cơ sở đại học, đánh giá đại học một cách độc lập, từ khảo sát sinh viên, khảo sát giáo viên và các cơ quan quản lý có liên quan. 

Theo đó, kênh phản biện và đánh giá hay nhất chính là từ ý kiến sinh viên, người trực tiếp thụ hưởng giáo dục và dịch vụ tại trường đại học.  

Ở Mỹ, mọi người có thể vào website StudentsReview (Đánh giá của sinh viên) để đọc được những “còm” (comment - bình luận) về giáo sư, về ngành học và về trường [4], hoặc một website do chính phủ Mỹ thời TT Obama đã cung cấp các thông tin chung về đại học Mỹ như College Scorecard [5].

Mặc dù với Đánh giá của sinh viên, rất nhiều giáo sư và đại học “kêu” vì tính chủ quan và mang nặng tình cảm trong khi đánh giá, rất nhiều cha mẹ và học sinh vẫn tin vào những chia sẻ từ trang web này.  

Ngoài ra, cũng cần có cảnh báo trước về mức độ đáng tin cậy của các “còm” và thông tin được cung cấp, dù trực tiếp từ trường hay được đánh giá bởi bên thứ ba. Lý do đơn giản thôi, vì giống như ở Việt Nam hay bất kỳ đâu trên thế giới, “người bán” mong bán được hàng với giá tốt nhất, và thường họ không thích nghe những “còm” xấu hoặc không khích lệ “người mua” đến với họ. Vì lẽ đó, nhiều scandal trong trường chỉ có học sinh hay người của trường mới biết được. 

Tuy nhiên, vấn đề minh bạch, dù là scandal của trường lên website của trường cũng là một tiêu chí đánh giá về đạo đức và minh bạch trong hoạt động quản lý của lãnh đạo trường.  

Cá nhân tôi rất ngưỡng mộ Harvard, không chỉ về mặt học thuật mà về mức độ minh bạch và đạo đức trong cung cấp thông tin của họ, dù đấy là biểu tình đòi tăng lương tối thiểu cho người lao động ở căng tin trường, hay tranh đấu về việc bỏ những biểu tượng liên quan đến “lịch sử chủ nô” của Harvard, thậm chí cả thông tin phản đối thầy giáo trong một chương trình mà sinh viên tin là họ có quyền được học tốt hơn thế [6]. Họ rất minh bạch trong bản tin Harvard, và gửi cho tất cả học sinh và thành viên Harvard từng ngày, và tôi, mặc dù không là sinh viên Harvard ngày nào, vẫn được cập nhật đều.

5. Trách nhiệm quản lý trường của Hội đồng trường, Cơ quan giáo dục bang, liên bang và hệ thống luật sư độc lập ở từng bang quản lý về các khiếu nại do sinh viên và cha mẹ nộp liên quan đến những hành xử của trường.

Hầu hết các trường đều phải công khai quy trình khiếu nại của sinh viên trong quá trình học và sinh hoạt như một sinh viên tại trường. Những quy định liên quan có thể thuộc về Quy tắc Sinh viên, Quy chế Giáo viên, Quy định về hoạt động của Nhóm Giáo sư, Quy tắc hoạt động và quản lý trường, Hội Sinh viên trường, và đặc biệt Quy trình khiếu nại điểm, phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc và xâm phạm nhân phẩm.  

Trong Hội Sinh viên và Hội đồng trường luôn có đại diện của sinh viên được sinh viên toàn trường bầu lên, nhằm giúp họ tham gia trực tiếp vào quản lý và bảo vệ quyền lợi của sinh viên trong bất kỳ tình huống nào. 

Hội đồng trường là cơ quan cao nhất để trả lời các khiếu nại nếu có với sinh viên và với bất kỳ hoạt động nào của trường. Tuy nhiên, sinh viên có quyền khiếu nại ở hệ thống hành chính, lên cơ quan quản lý giáo dục, cơ quan kiểm định trường và luật sư của bang.

Với nhiều kênh và hệ thống quản trị đan nhau theo mô hình “kiểm tra và cân bằng”, Mỹ là một trong số ít nước rất coi trọng tiếng nói của sinh viên trong mọi hoạt động của trường. Theo đó, minh bạch thông tin là tiêu chuẩn đầu tiên để đánh giá trường đó là như thế nào, qua những hệ thống cơ quan nêu trên, và thông tin trường cung cấp, bên cạnh những cơ quan thứ ba làm nhiệm vụ kiểm định, giám sát. 

Mặc dù vậy, cũng có không ít những thách thức với yêu cầu trung thực và minh bạch trong các trường của Mỹ, đặc biệt là các trường vì lợi nhuận và chỉ bán bằng.

Nguyễn Thị Lan Hương (NewAsia Learning Global)

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.nytimes.com/2016/11/19/us/politics/trump-university.html

[2] https://studyinthestates.dhs.gov/2016/12/acics-loss-of-accreditation-what-it-means-for-schools-and-international-students

[3] https://www.insidehighered.com/news/2016/05/04/controversial-accreditor-acics-tried-shut-down-profit-was-blocked-judge

[4] https://www.studentsreview.com/

[5]   https://collegescorecard.ed.gov/

[6] http://harvardmagazine.com/2016/03/harvard-corporation-to-drop-law-school-shield; http://www.thecrimson.com/article/2016/10/15/huds-strike-traffic-streets/