Bài viết của tác giả Stephen Buranyi cho rằng những “gã khổng lồ” trong ngành công nghiệp xuất bản ấn phẩm khoa học đang kiếm bộn tiền bằng một hình thức kinh doanh chưa từng có ở bất kỳ ngành công nghiệp nào. Và sự thống trị cũng như sức ảnh hưởng của nó đang gây hại cho khoa học.

Tác giả Stephen Buranyi là một cây bút ở London, từng nghiên cứu trong lĩnh vực miễn dịch học.

Dưới đây là một trích đoạn của bài viết “Is the staggeringly profitable business of scientific publishing bad for science?” đăng trên tờ Guardian của Anh hồi cuối tháng 6/ 2017.

{keywords}

Ảnh minh họa: Dom McKenzie

Đó là một ngành công nghiệp không giống với bất cứ ngành công nghiệp nào khác, với mức lợi nhuận thu được có thể so sánh với Google, và được tạo ra bởi một trong những ông trùm khét tiếng nhất nước Anh: Robert Maxwell.

Năm 2011, Claudio Aspesi – một nhà phân tích đầu tư cấp cao ở Bernstein Research, London – đã đặt cược rằng công ty thống trị một trong những ngành công nghiệp sinh lời nhất thế giới này sắp đến hồi kết thúc. Reed-Elsevier – gã khổng lồ trong ngành xuất bản đa quốc gia với doanh thu hằng năm lên tới 6 tỷ bảng Anh – là “con cưng” của các nhà đầu tư. Reed-Elsevier là một trong số ít nhà xuất bản thành công trong việc chuyển đổi sang internet. Một báo cáo mới đây của công ty này cũng dự báo một năm phát triển rực rỡ nữa của mình. Dù vậy, ông Aspesi vẫn có những lý do để tin rằng sự dự đoán này là sai.

Hoạt động của Elsevier chủ yếu là xuất bản tạp chí khoa học, những ấn phẩm hàng tuần, hàng tháng mà kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học được đăng tải trên đó. Mặc dù đối tượng độc giả hẹp, song xuất bản tạp chí khoa học lại là một ngành kinh doanh rất lớn. Với tổng doanh thu toàn cầu là hơn 19 tỷ bảng Anh, về quy mô, ngành công nghiệp xuất bản đứng ngang hàng với ngành công nghiệp phim ảnh và thu âm, nhưng lợi nhuận lại lớn hơn nhiều. Năm 2010, báo cáo lợi nhuận ở nhánh xuất bản tạp chí khoa học của Elsevier là 724 triệu bảng Anh trên tổng số 2 tỷ bảng Anh doanh thu. Như vậy, lợi nhuận là 36% - cao hơn cả Apple, Google hay Amazon trong năm đó.

Tuy nhiên, mô hình kinh doanh của Elsevier dường như lại rất khó hiểu. Để kiếm tiền, một nhà xuất bản truyền thống – hay nói cách khác là một tạp chí – trước tiên phải chi trả rất nhiều chi phí cho người viết, biên tập viên, chi phí vận chuyển. Tất cả những chi phí này đều đắt đỏ, và các tạp chí thành công thường chỉ kiếm được lợi nhuận chiếm khoảng 12-15% doanh thu.

Cách kiếm tiền từ một bài báo khoa học trông có vẻ rất giống nhau, ngoại trừ việc các nhà xuất bản ẩn phẩm khoa học cố che giấu đi hầu hết chi phí thực. 

Các nhà khoa học làm nghiên cứu theo định hướng riêng của họ - được tài trợ nhiều bởi các chính phủ - nhưng lại gửi miễn phí kết quả nghiên cứu của mình cho các nhà xuất bản; nhà xuất bản trả tiền cho các biên tập viên khoa học – những người đánh giá xem công trình nghiên cứu đó có đáng để xuất bản hay không, cũng như các biên tập viên kiểm tra ngữ pháp, chính tả, nhưng phần lớn việc biên tập – kiểm tra giá trị khoa học và đánh giá các công trình – lại được thực hiện bởi những nhà khoa học đang công tác ở một cơ quan nào đó và họ làm tình nguyện cho nhà xuất bản. 

Các nhà xuất bản sau đó sẽ bán sản phẩm của mình cho các thư viện đại học và thư viện thuộc các cơ quan được viện trợ bởi chính phủ, và được đọc bởi các nhà khoa học – những người mà theo nghĩa chung chính là những người tạo ra sản phẩm này ngay từ đầu.

Nó giống như việc tờ New Yorker hay Economist yêu cầu các nhà báo viết bài và biên tập tác phẩm của nhau miễn phí, rồi yêu cầu chính phủ trả tiền. Những người quan sát bên ngoài có xu hướng rơi vào trạng thái “không thể tin được” khi nghe mô tả về quá trình như vậy. 

Báo cáo của Uỷ ban Công nghệ và Khoa học Nghị viện năm 2004 về ngành công nghiệp này đã đưa ra một quan sát rất sắc lạnh rằng “trong một thị trường truyền thống, các nhà cung cấp được trả tiền cho những món hàng hóa mà họ cung cấp”. 

Còn báo cáo của Ngân hàng Deutsche năm 2005 đã gọi việc này là một hệ thống “trả tiền 3 lần” “kỳ quặc”, trong đó “chính phủ tài trợ cho hầu hết các nghiên cứu, trả lương cho hầu hết những người kiểm tra chất lượng nghiên cứu, rồi sau đó lại mua lại hầu hết những sản phẩm được xuất bản”.

Các nhà khoa học nhận thực rất rõ rằng họ dường như đang chấp nhận một “kèo” xấu. Ngành công nghiệp xuất bản thật là “quá quắt và vô ích” – nhà sinh vật học Michael Eisen của ĐH California, Berkeley đã viết trong một bài báo đăng trên Guardian năm 2003 như vậy. Ông cũng tuyên bố đây “nên là một vụ bê bối công khai”. Adrian Sutton, một nhà vật lý ở Imperial College - đã nói với tôi rằng các nhà khoa học “đều đang là nô lệ cho các nhà xuất bản. Có ngành công nghiệp nào mà nhận được nguyên liệu thô từ khách hàng, sau đó được chính những khách hàng ấy tiến hành kiểm tra chất lượng, rồi bán sản phẩm lại cho các khách hàng với giá quá cao?” (Trong khi đó, một đại diện của RELX Group – tên chính thức của Elsevier từ năm 2015 – đã nói với tôi rằng họ và các nhà xuất bản khác “phục vụ công đồng nghiên cứu bằng cách làm những việc mà họ cần làm, trong đó có cả những việc mà họ không thể làm hoặc không tự mình làm, và lấy một cái giá hợp lý cho dịch vụ đó”.)

Nhiều nhà khoa học cũng tin rằng ngành công nghiệp xuất bản đang gây ảnh hưởng quá nhiều lên đề tài nghiên cứu của họ. 

Điều này cuối cùng sẽ gây hại cho chính khoa học. Các tạp chí trao giải cho những kết quả nghiên cứu mới mẻ và thu hút sự chú ý của công chúng – sau cùng, họ sẽ có những hợp đồng mua tạp chí dài hạn. 

Trong khi đó, các nhà khoa học thì dần biết chính xác dạng nghiên cứu nào sẽ được xuất bản và họ sẽ sắp xếp để gửi những nghiên cứu dạng đó. 

Đồng thời, sẽ tạo ra một nguồn lực ổn định cho việc xuất bản. Tầm quan trọng của việc này là rõ ràng. Nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc các nhà khoa học không có một đường hướng chính xác cho lĩnh vực nghiên cứu của mình. 

Các nhà nghiên cứu có thể vô tình lao đầu vào việc tìm hiểu những vấn đề ngõ cụt mà các nhà khoa học trước đó đã từng đương đầu, chỉ vì thông tin về những thất bại đó chưa từng được xuất hiện trên các ấn phẩm khoa học liên quan. Ví dụ như một nghiên cứu năm 2013 báo cáo rằng một nửa số thử nghiệm lâm sàng ở Mỹ chưa từng được công bố trên bất cứ tạp chí nào.

 

{keywords}

Ảnh minh họa: Dom McKenzie

Theo các nhà phê bình, hệ thống tạp chí khoa học đang thực sự “cầm chân” sự tiến bộ của khoa học. 

Trong một bài luận năm 2008, tiến sĩ Neal Young của Viện Y tế quốc gia (NIH) – cơ quan tài trợ và tiến hành nghiên cứu y khoa cho chính phủ Mỹ - đã lập luận rằng, vì tầm quan trọng của những đổi mới khoa học với xã hội, “cần phải có đạo đức trong việc xem xét lại cách mà các dữ liệu khoa học được đánh giá và phổ biến”.

Ông Aspesi, sau khi nói chuyện với một mạng lưới gồm hơn 25 nhà khoa học và nhà hoạt động nổi tiếng, đã tin rằng xu thế sẽ đảo ngược ngành công nghiệp mà Elsevier đang dẫn đầu. 

Ngày càng nhiều thư viện nghiên cứu – nơi mua tạp chí cho các trường đại học – cho biết, ngân sách của họ đã cạn kiệt vì các tạp chí tăng giá trong nhiều thập kỷ qua, và điều đó đang gây ra nguy cơ phải hủy bỏ gói mua tạp chí trị giá nhiều triệu bảng Anh trừ khi Elsevier giảm giá. 

Mới đây, các tổ chức nhà nước như NIH Mỹ và Cơ quan Nghiên cứu Đức (DFG) cam kết sẽ đưa nghiên cứu của mình lên các tạp chí online miễn phí. 

Ông Aspesi thì tin rằng các chính phủ có thể vào cuộc và đảm bảo tất cả các nghiên cứu được tài trợ công khai sẽ được phổ biến miễn phí cho tất cả mọi người. Elsevier và các đối thủ cạnh tranh sẽ bị mắc kẹt trong một “cơn bão” hoàn hảo, với những khách hàng nổi dậy từ bên dưới, còn quy định của chính phủ thì xuất hiện từ trên.

Tháng 3 năm 2011, ông Aspesi công bố một báo cáo khuyên các khách hàng của mình nên bán cổ phiếu của Elsevier. 

Vài tháng sau, trong một cuộc họp giữa quản lý của Elsevier và các công ty đầu tư, ông truy hỏi CEO của Elsevier – ngài Erik Engstrom – về mối quan hệ xấu đi với các thư viện. Ông hỏi chuyện gì sẽ xảy ra với chuyện kinh doanh nếu như “các khách hàng của bạn đang quá tuyệt vọng”. Ông Engstrom đã né tránh câu hỏi này. 

Suốt 2 tuần sau, cổ phiếu của Elsevier sụt giảm hơn 20%, thiệt hại 1 tỷ bảng Anh. Các vấn đề mà ông Aspesi nhìn thấy rất sâu sắc và có bố cục. Ông tin rằng họ sẽ kết thúc chuyện này trong nửa thập kỷ tới, nhưng mọi thứ dường như đang chuyển biến theo hướng ngược lại.

Trong năm sau đó, hầu hết các thư viện đều ủng hộ và cam kết ký hợp đồng với Elsevier. 

Các chính phủ thì phần lớn thất bại trong việc thúc đẩy một mô hình thay thế để phổ biến các nghiên cứu. Năm 2012 và 2013, Elsevier công bố mức lợi nhuận trên 40%. Năm tiếp theo, ông Aspesi đã đảo ngược đề xuất bán cổ phiếu của mình. “Ông ấy đã lắng nghe chúng tôi quá cẩn thận, và ông ấy đã hơi khinh suất” – David Prosser, người đứng đầu Thư viện Nghiên cứu Vương quốc Anh, một tiếng nói quan trọng trong việc cải cách ngành công nghiệp xuất bản – chia sẻ với tôi gần đây. Elsevier tới đây để ở lại.

Aspesi không phải là người đầu tiên dự đoán sai về cái kết của sự bùng nổ ngành xuất bản ấn phẩm khoa học, và ông có vẻ cũng không phải là người cuối cùng. 

Thật khó để tin rằng một hoạt động độc quyền vì lợi nhuận trong một doanh nghiệp được tài trợ bởi chính phủ và được quy định rất chặt chẽ có thể tránh được sự tuyệt chủng trong một thời gian dài.

Ngày nay, nhà khoa học nào cũng biết rằng sự nghiệp của họ phụ thuộc vào việc có được xuất bản hay không, và thành công sự nghiệp được xác định bằng việc công trình nghiên cứu có được đăng tải trên những tạp chí danh giá nhất thế giới hay không. 

Những công trình dài, chậm và gần như vô phương hướng được theo đuổi bởi một số nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 không còn là một lựa chọn sự nghiệp khả thi nữa. 

Nếu theo hệ thống ngày nay thì cha đẻ của phương pháp giải trình tự gien – Fred Sanger, người có rất ít công trình được xuất bản trong 2 thập kỷ từ năm 1958 tới năm 1980 – hai mốc thời gian ông được nhận giải thưởng Nobel – có lẽ đã tự thấy mình không còn làm việc nữa.

Ngay cả những nhà khoa học đang đấu tranh cho cải cách cũng thường không nhận thức được nguồn gốc của hệ thống này: bằng cách nào đó, trong những năm bùng nổ sau Thế chiến thứ 2, các doanh nhân đã gây dựng tài sản của mình bằng cách lấy quyền xuất bản ra khỏi tay các nhà khoa học và mở rộng kinh doanh trên một quy mô không thể tưởng tượng được trước đó.

Và không ai có khả năng biến đổi và mưu trí hơn Robert Maxwell – người biến các tạp chí khoa học thành một cỗ máy kiếm tiền ngoạn mục, thứ giúp ông nổi lên trong xã hội Anh. 

Maxwell sẽ tiếp tục trở thành một nghị sĩ, một ông vua xuất bản – người thách thức Rupert Murdoch, và là một trong những nhân vật nổi danh nhất nước Anh. 

Nhưng tầm quan trọng thực sự của ông còn lớn hơn nhiều so với hầu hết chúng ta có thể nhận ra. 

Nghe có vẻ khó tin, nhưng rất ít người trong thế kỷ vừa qua làm được nhiều hơn Maxwell đang làm bây giờ trong việc điều hướng cách mà khoa học được tiến hành.

  • Nguyễn Thảo (Lược dịch từ Guardian)